12/11/2010 06:44 GMT+7

Biển Đông trở thành vấn đề quốc tế

NHÓM PV QUỐC TẾ
NHÓM PV QUỐC TẾ

TT - Đó là khẳng định của một số học giả tại hội thảo khoa học quốc tế về biển Đông ngày 11-11 tại TP.HCM. Trong ngày thứ nhất của hội thảo, các học giả đã trình bày đánh giá của mình về những diễn biến xung quanh tình hình biển Đông gần đây.

hOArxwrB.jpgPhóng to

Đại biểu tham dự hội thảo quốc tế về biển Đông lắng nghe ý kiến của các bên - Ảnh: T.T.D.

Biển Đông đã trở thành một vấn đề mang tầm quốc tế và đóng vai trò quan trọng trong mối quan hệ Mỹ - Trung. Đó là khẳng định của một số học giả tại hội thảo khoa học quốc tế về biển Đông với chủ đề “Hợp tác vì an ninh và phát triển trong khu vực” ngày 11-11 tại TP.HCM.

Trong ngày thứ nhất của hội thảo, các học giả đã trình bày đánh giá của mình về những diễn biến xung quanh tình hình biển Đông gần đây.

Giáo sư Bronson Percival (Mỹ) cho rằng đường đứt khúc chín đoạn (tức đường lưỡi bò) và đòi hỏi đưa biển Đông vào lợi ích cốt lõi của Trung Quốc (TQ) đã làm tăng nghi ngại của các nước trong khu vực.

Ở Mỹ có quan điểm cho rằng TQ muốn thử phản ứng của Mỹ ở biển Đông trong bối cảnh Mỹ đang gặp nhiều khó khăn nội bộ, song ông cho rằng Mỹ sẽ không nhượng bộ TQ do biển Đông liên quan tới vấn đề có tính nguyên tắc cơ bản là tự do hàng hải, và biển Đông sẽ là một vấn đề thường xuyên trong quan hệ Mỹ - Trung.

Thiếu tướng về hưu Vinod Saighal của Ấn Độ đã nêu vấn đề: tại sao TQ lại tuyên bố biển Đông là “lợi ích cốt lõi” của mình? Liệu có phải do TQ nay nghĩ rằng đã đến thời điểm tự cho phép khẳng định như vậy? Có phải TQ muốn thăm dò phản ứng của thế giới? Những tuyên bố đó liệu chỉ là vấn đề của khu vực hay là của cả thế giới?

L5rFDXp8.jpgPhóng to
Giáo sư Carl Thayer (trái) trao đổi với giáo sư Su Hao, Đại học Ngoại giao Trung Quốc - Ảnh: T.T.D.

Giáo sư Geoffrey Till (Anh) cho rằng TQ và Mỹ đang có quan niệm hoàn toàn khác biệt trong vấn đề tự do hàng hải. Cũng giống như Anh trước đây, Mỹ là một cường quốc toàn cầu, trong đó lợi ích cơ bản là tự do hàng hải, gắn liền với vị thế của nước Mỹ, với giá trị của nước Mỹ. Từ quan niệm đó, Mỹ cho rằng mình có quyền làm chủ biển cả và có quyền dùng vũ lực bảo đảm quyền đó. Vừa qua, Mỹ cảm thấy rằng TQ muốn thách thức quyền đó và đã phản ứng.

Tướng Pháp về hưu Daniel Schaeffer cũng cho rằng những động thái gần đây của TQ nhằm muốn chứng tỏ mình có thẩm quyền khi khẳng định các lợi ích của mình trên hầu như toàn bộ biển Đông. Thế nhưng, TQ cần làm rõ các yêu sách của mình hữu lý như thế nào, đồng thời đối thoại song phương và đa phương với các nước trong khu vực. Một khi không đối thoại được nữa thì đã có Tòa án quốc tế về luật biển Hamburg và Tòa án tư pháp quốc tế La Haye.

Học giả TQ, giáo sư Su Hao, thừa nhận chưa bao giờ TQ chính thức sử dụng cụm từ “lợi ích cốt lõi” khi đề cập các đảo tranh chấp. Và để tranh thủ dư luận, ông Su Hao nhất mực cho rằng TQ luôn hành xử có trách nhiệm ở biển Đông.

Thế nhưng, ông vẫn trung thành với suy nghĩ “đường chín khúc” khi nêu vấn đề: “TQ hằng năm ban hành lệnh cấm đánh cá trong mấy tháng để bảo vệ tài nguyên hải sản, liệu Việt Nam có hợp tác hay không?”, để rồi nhận được câu trả lời từ tiến sĩ Trần Trường Thụy thuộc Học viện Ngoại giao: “Vấn đề là lệnh cấm đánh cá đó trong khu vực nào, thuộc chủ quyền của nước nào? Chứ bảo vệ tài nguyên thì tốt thôi”.

Nhà nghiên cứu Leszek Buszynski của Đại học Quốc gia Úc cho rằng trong nội bộ TQ nay đang có nhiều luồng ý kiến khác nhau. Từ đó, ông nêu vấn đề: Liệu có phải cánh quân sự ở TQ nay đang có tiếng nói lớn hơn?

Một người Úc khác, giáo sư Carl Thayer, đã điểm lại các hoạt động quân sự của TQ trong năm nay và cuộc tập trận của TQ hôm 2-11 với cả trăm tàu chiến, tàu ngầm trên biển Đông cùng 1.800 lính thủy đánh bộ. Theo ông, chính cánh quân sự đã thúc đẩy cái gọi là “lợi ích cốt lõi” trong lập trường hiện nay của TQ. Tuy nhiên, vẫn còn có thể hi vọng vào một bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông.

Tiến sĩ Mark Valencia của Trung tâm Woodrow Wilson (Mỹ) cho rằng TQ cũng cần thống nhất với các nước ASEAN về bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông.

Gây chú ý cực kỳ vào cuối ngày hội thảo thứ nhất là tham luận của TS Nguyễn Thị Lan Anh, không phải do là nữ báo cáo viên duy nhất trong ngày mà do những lập luận vững chãi chứng minh rằng “đường chín khúc” của TQ là không có cơ sở.

Bằng sự đanh thép của mình, bà trả lời câu hỏi lạc lõng của một đại biểu TQ rằng “quốc tế đã công nhận chủ quyền của TQ trên Hoàng Sa và Trường Sa?”. TS Lan Anh đã nhắc lại rằng ở hội nghị San Francisco 1951, đại diện quốc gia Việt Nam lúc đó đã lên tiếng khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên Hoàng Sa và Trường Sa, và chẳng có nước nào phản bác.

GS Stein Tennesson của Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế (Na Uy) cho rằng: biển Đông là một vấn đề luật pháp chứ không chỉ là một vấn đề chính trị, nên giải quyết chính đáng nhất là bằng luật pháp.

Hội nghị sẽ đem lại những kết quả thực tế gì?

* Giáo sư Carl Thayer (ĐH New South Wales thuộc Học viện Quốc phòng Úc):

Hội thảo giống như những làn sóng lan tỏa. Các học giả có thể nói ra những điều mà các chính trị gia không dám nói. Và chắc chắn các chính trị gia, các nhà lãnh đạo sẽ lắng nghe, xem xét quan điểm của giới học giả. Các hội nghị như vậy sẽ mở đường cho các cuộc đối thoại tập trung vào vấn đề chính sách và hợp tác.

uckF8y9n.jpgPhóng to

Từ trái qua: giáo sư Mark J. Valencia, giáo sư Leszek Buszynski và giáo sư Geoffrey Till trao đổi bên lề hội thảo quốc tế về biển Đông - Ảnh: T.T.D.

Giải pháp cho vấn đề biển Đông?

* Giáo sư Geoffrey Till: (khoa nghiên cứu quốc phòng, ĐH King - London, Anh):

Ở thời điểm hiện tại vẫn chưa có một giải pháp cụ thể, hiệu quả cho các tranh chấp tại biển Đông. Điều quan trọng ở đây không phải giải quyết vấn đề biển Đông mà quản lý nó một cách hiệu quả, xây dựng một hệ thống đối thoại để ngăn chặn khả năng tình hình xấu đi.

* Giáo sư Carl Thayer:

Điều quan trọng nhất là các quốc gia đòi chủ quyền ở biển Đông phải chấm dứt các hành động khiến căng thẳng gia tăng. Các nước cần đối thoại để xây dựng lòng tin, tiến tới việc chính thức thông qua một bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông mang tính ràng buộc pháp lý.

* Giáo sư Mark. J. Valencia (chương trình nghiên cứu châu Á, Trung tâm Woodrow Wilson, Hoa Kỳ):

Một bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông mang tính ràng buộc pháp lý là cực kỳ cần thiết, cho dù nó sẽ không giúp giải quyết xung đột giữa các nước đòi chủ quyền tại biển Đông. Một vấn đề nữa là quốc gia hay thể chế nào sẽ giám sát việc thực hiện quy tắc ứng xử, trong trường hợp một nước khu vực vi phạm. Dù vậy, có một bộ quy tắc ứng xử yếu hay có thiếu sót vẫn hơn là không có.

* Giáo sư Leszek Buszynski (Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc phòng, ĐH Quốc gia Úc):

TQ cần một bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông không kém gì các nước ASEAN. Bởi nếu có một bộ quy tắc, quan hệ TQ - ASEAN sẽ cải thiện hơn. Nếu quan hệ TQ - ASEAN xấu đi do vấn đề biển Đông, sự hiện diện của Mỹ tại khu vực sẽ càng lớn, quan hệ của Mỹ với các nước ASEAN sẽ càng chặt chẽ. Đây sẽ là một bất lợi đối với TQ.

Có thể tách vấn đề tự do hàng hải và tranh chấp chủ quyền?

* Giáo sư Leszek Buszynski:

Không thể có tự do hàng hải nếu vấn đề tranh chấp lãnh thổ không được giải quyết thỏa đáng. Không thể có tự do hàng hải trên biển Đông nếu một quốc gia coi nó là “ao nhà”. Ngoài vấn đề tự do hàng hải còn phải tính đến vấn đề tự do thương mại trên biển Đông, bởi đây là khu vực có nguồn cá dồi dào, có trữ lượng dầu khí lớn và là tuyến đường hàng hải thương mại quan trọng của thế giới. Do đó, vấn đề tự do hàng hải và tranh chấp lãnh thổ không thể tách rời.

Việc Mỹ tuyên bố có lợi ích quốc gia tại biển Đông là muốn đảm bảo quyền tự do hàng hải trong khu vực theo luật biển quốc tế. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã khẳng định Washington sẵn sàng hỗ trợ quá trình đàm phán đa phương để giải quyết vấn đề biển Đông. Đó là một quy trình tự nhiên. TQ chỉ có thể gọi tuyên bố của Mỹ là sự can thiệp nếu TQ coi biển Đông là “ao nhà”. Còn nếu coi biển Đông là một vùng biển mở thì sự hiện diện của Mỹ là sự hỗ trợ.

NHÓM PV QUỐC TẾ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên