![]() |
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến dự lễ khai giảng năm học mới 2014-2015 tại Trường THPT Hậu Nghĩa (thị trấn Hậu Nghĩa, huyện Đức Hòa, Long An) |
Lễ khai giảng diễn ra mỗi trường một kiểu nhưng nét nổi bật là câu chuyện về biển đảo được nhiều trường khéo léo lồng ghép vào nội dung chương trình.
Sau lễ khai giảng toàn màu đỏ của cờ Tổ quốc và diễn văn xúc động của PGS Văn Như Cương (Trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội - xem Tuổi Trẻ ngày 5-9), nhiều trường học khắp cả nước tiếp tục với chủ đề biển đảo.
“Nhận nuôi” học sinh huyện đảo
Chủ tịch nước dự lễ khai giảng tại Long An Sáng 5-9, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến dự lễ khai giảng năm học mới 2014-2015 tại Trường THPT Hậu Nghĩa (thị trấn Hậu Nghĩa, huyện Đức Hòa, Long An). Cùng đi với Chủ tịch nước có Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình. Lễ khai giảng năm học mới cũng là buổi lễ khánh thành Trường THPT Hậu Nghĩa. Sau khi đánh trống khai trường, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã cắt băng khánh thành, trồng cây lưu niệm, tặng hoa, thăm hỏi động viên và chúc mừng thầy cô cùng toàn thể học sinh nhà trường trong ngày đầu năm học mới. SƠN LÂM |
10 học sinh nghèo học giỏi có cha mẹ là ngư dân, chiến sĩ đang công tác tại các vùng biển đảo đã được Trường tiểu học - THCS - THPT Ngô Thời Nhiệm, TP.HCM, “nhận nuôi” ăn học từ năm học này cho đến khi các em hoàn thành chương trình lớp 12 thông qua Quỹ học bổng Vừ A Dính. Đó là câu chuyện được chia sẻ tại lễ khai giảng năm học mới ở Trường Ngô Thời Nhiệm sáng 5-9.
Bà Trương Mỹ Hoa - nguyên phó chủ tịch nước, chủ tịch Quỹ học bổng Vừ A Dính - căn dặn các học sinh tới từ những vùng biển đảo xa xôi, lần đầu tiên làm quen với môi trường nội trú của trường tư thục tại TP.HCM, đồng thời mong những học sinh khác hỗ trợ, giúp đỡ các em hòa nhập cuộc sống mới. Được biết, chi phí ăn ở, sinh hoạt nội trú, học phí của mỗi em khoảng 5,5 triệu đồng/tháng.
Em Cao Hiếu Hoàn - quê ở xã Cam Thành Bắc, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa - vừa được xếp vào lớp 6A3 nói: “Ba em là bộ đội công tác ở Trường Sa, mỗi tháng em chỉ gặp ba một lần. Khi em được chọn nhận học bổng này và lên thành phố sống tập trung, ba em lên thăm và dặn em cố gắng học tập thật tốt, không được vì buồn, nhớ nhà mà xao lãng học tập. Lên đây em được học rất nhiều, đặc biệt là môn tiếng Anh, môn mà em rất thích”.
Trong khi đó, cậu học trò Đặng Văn Tốt đến từ đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi, kể: “Ba mẹ em làm nông, nhà có bốn anh chị em đều đi học nên cuộc sống vất vả. Đi học về em phụ ba mẹ làm tỏi, làm hành, chờ đầu mối đến mua. Lên Sài Gòn điều kiện ăn ở và học tập rất tốt, em có nhiều thời gian để học hơn. Em thấy mình may mắn hơn nhiều bạn khác nên sẽ cố gắng để đạt thành tích tốt nhất”.
Cũng hướng về biển đảo quê hương, Trường THPT Lương Thế Vinh (TP.HCM) tổ chức buổi khai giảng năm học mới 2014-2015 trong không khí đặc biệt. Buổi khai giảng có sự tham dự của ông Lê Hoàng Quân - chủ tịch UBND TP.HCM và ông Lê Hồng Sơn - giám đốc Sở GD-ĐT. Nhà trường đã tổ chức lễ trồng cây bàng vuông, một biểu tượng của Trường Sa, để thể hiện tấm lòng luôn hướng về biển đảo quê hương của thầy và trò Trường THPT Lương Thế Vinh.
Lễ khai giảng ở trường sắp giải thể
Lễ khai giảng tại Trường THPT Lý Tự Trọng (TP.HCM) diễn ra trong không khí xúc động khi nhà trường làm lễ dâng hoa lên tượng đài anh hùng Lý Tự Trọng. Năm nay, Trường Lý Tự Trọng có 1.561 học sinh, trong đó có 446 học sinh lớp 10. Đây là ngôi trường đã có chủ trương giải thể và không tuyển sinh lớp 10 ngay từ năm học 2014-2015.
Tuy nhiên sau đó, tập thể cán bộ, giáo viên của trường đã phản ứng mạnh mẽ chủ trương này, xin phép giữ lại ngôi trường mang tên Lý Tự Trọng cho học sinh nghèo, xin phép tiếp tục tuyển sinh.
Theo chỉ đạo của Sở GD-ĐT TP.HCM, lộ trình giải thể trường sẽ thực hiện theo dạng cuốn chiếu, bắt đầu từ năm học 2015-2016 trường không tuyển sinh lớp 10, đến năm học 2016-2017 trường chỉ còn một khối lớp 12. Như vậy đến tháng 6-2017, trường hoàn tất lộ trình giải thể.
Được biết, năm học vừa qua Trường THPT Lý Tự Trọng có 99,24% học sinh đậu tốt nghiệp hệ THPT, 100% học sinh đậu tốt nghiệp hệ bổ túc. Đến nay, mặc dù Sở GD-ĐT TP đã có thông báo chính thức về việc giải thể Trường THPT Lý Tự Trọng trong ba năm tới nhưng tập thể GV-CNV của trường vẫn tha thiết muốn giữ lại ngôi trường này.
Ông Nguyễn Thiện Nhân (chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc VN): Chia sẻ khó khăn với biên giới, hải đảo Năm học 2014-2015 cũng là năm Hà Nội kỷ niệm 60 năm giải phóng thủ đô nên lễ khai giảng đặc biệt hơn ở nhiều ngôi trường vừa được sửa sang, xây dựng gắn biển công trình kỷ niệm ngày lễ trọng đại này. Tại Trường THCS Nam Từ Liêm, trường vừa nhận danh hiệu trường chuẩn quốc gia tại quận mới thành lập của thủ đô, ông Nguyễn Thiện Nhân tới dự lễ khai giảng. Phát biểu tại lễ khai giảng, ông Nguyễn Thiện Nhân đề cập hoàn cảnh khó khăn của nhiều thầy trò cả nước, nhất là những thầy cô giáo, học sinh đang dạy và học ở vùng biên giới, hải đảo. Ông Nguyễn Thiện Nhân nhắc nhở các thầy cô giáo và các em học sinh được làm việc, học tập trong điều kiện thuận lợi tại thủ đô cần nỗ lực hơn nữa để giáo dục thủ đô đi đầu về chất lượng, chia sẻ với những khó khăn, thiếu thốn của ngành GD-ĐT nhiều địa phương khác. VĨNH HÀ |
* Trường THPT Củ Chi (TP.HCM) khai giảng năm học mới. Tham dự lễ khai giảng có ông Võ Văn Thưởng - ủy viên trung ương Đảng, phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM. Phát biểu tại buổi lễ, ông Võ Văn Thưởng đánh giá cao nỗ lực của nhà trường: “Dù là trường ở ngoại thành, còn nhiều khó khăn so với nội thành nhưng thầy và trò Trường THPT Củ Chi đã có nhiều nỗ lực, nhiều học sinh của trường đạt học sinh giỏi cấp thành phố, đoạt giải trong kỳ thi Olympic 30-4, tỉ lệ đậu tốt nghiệp trên 99,6%”. * Trường đầu tiên ở Quảng Bình mang tên Võ Nguyên Giáp. Ông Lương Ngọc Bính - bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình - đã đánh trống khai giảng năm học mới tại Trường THPT chuyên tỉnh Quảng Bình và công bố quyết định tên gọi mới là Trường THPT chuyên Võ Nguyên Giáp. * Lớp học chữ bệnh nhi ung thư vào năm học mới. Chiều 5-9, lớp học chữ dành cho bệnh nhi đang điều trị tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM khai giảng năm học mới. Nhiều bệnh nhi đến dự khai giảng với dịch truyền, máu... Dịp này, Quỹ Chị tôi và những người bạn đã trao hỗ trợ kinh phí điều trị bệnh cho 10 học sinh bệnh nhi có hoàn cảnh khó khăn. Ra đời từ năm 2009 từ ước mơ mong muốn được biết đọc, biết viết, biết làm toán của các bệnh nhi phải điều trị bệnh thời gian dài, lớp học chữ là một hoạt động chăm sóc tinh thần rất ý nghĩa của chương trình “Ước mơ của Thúy” - báo Tuổi Trẻ và khoa nhi Bệnh viện Ung bướu. Lớp học hoạt động 2 buổi/tuần với hai môn học chính là toán và tiếng Việt. Từ năm đầu tiên chỉ chủ yếu dạy cho bệnh nhi cấp lớp 1, sau đó tăng dần đến lớp 5, đến nay đã giảng dạy cho bệnh nhi cấp học lớp 9. Năm học 2014-2015 lớp học bước sang năm thứ sáu hoạt động với hơn 400 lượt học sinh theo học. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận