Phóng to |
Son buồn rầu, lo lắng khi nghĩ về cuộc sống sau này - Ảnh: B.ÂN |
Nội dung thư cho biết ngày 23-2-2011, Nguyễn Thị Son (19 tuổi) bị chiếc máy bằm bọc nilông cắt đứt lìa chân trái đến hết đùi nhưng đến nay vẫn chưa nhận được khoản tiền bồi thường nào từ chủ cơ sở. Không có tiền về quê, Son cùng mẹ đành tá túc trong một cái chòi cạnh nghĩa địa TP Vũng Tàu.
Do không hiểu luật?
Bà Huỳnh Thị Hảo, mẹ Son, kể do gia đình ở Bạc Liêu quá nghèo nên hai mẹ con dắt díu nhau lên Vũng Tàu tìm việc làm. Theo lời người quen giới thiệu, họ vào làm cho một cơ sở tái chế hạt nhựa (tại Phước Thắng, P.12, TP Vũng Tàu) do ông Hoàng Minh Thao làm chủ với mức lương thỏa thuận miệng là 1,8 triệu đồng/người/ tháng, bao cơm.
Sau khi tai nạn xảy ra với Son, ông Thao chỉ lo viện phí, thuốc thang và đề nghị gia đình đừng thưa kiện hay báo công an gì cả, khi nào vết thương lành rồi tính và ông sẽ đền bù cho Son thỏa đáng. Nghe vậy Son yên tâm điều trị, nhưng sau đó ông Thao tự viết “bản tường trình hòa giải” yêu cầu bà Hảo cùng Son và một số người khác làm việc tại cơ sở ký vào. Bà Hảo mù chữ, Son mới học hết lớp 5, không hiểu rõ nội dung bản tường trình ông Thao viết thế nào nhưng nghe lời ông Thao họ cũng ký vào.
Ông Thao còn tự ý viết ý kiến của ông Lành (cha Son) trong “bản tường trình hòa giải” như sau: “Tôi không bắt buộc anh Thao phải đền bù và không đòi hỏi anh Thao phải lo cho con tôi. Sau này khoảng một năm, tôi chỉ cần anh Thao đưa con tôi tới Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM mua một cái chân giả cho con tôi đi. Sau khi đã lắp đặt chân giả cho con tôi, tôi không bắt buộc anh Thao phải hỗ trợ khoản nào hết”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Minh Thao thừa nhận đã chủ động viết “bản tường trình hòa giải”. Theo ông Thao, do không hiểu biết pháp luật nên nghĩ gia đình Son đồng ý ký vào bản tường trình hòa giải là không còn ý kiến gì nữa. Sau đó, tìm hiểu về Luật lao động thì ông biết mình phải có trách nhiệm đền bù cho Son chứ không phải chỉ trả viện phí là xong. Tuy nhiên, ông Thao lại thoái thác: “Giờ cơ sở tôi đang khó khăn nên không thể đền bù được...”.
Phải bồi thường
Trao đổi về trường hợp của Son, ông Lê Hồng Mến, chánh thanh tra Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết: “Chúng tôi sẽ giúp đỡ, hướng dẫn người nhà làm đơn và hoàn tất các thủ tục liên quan để Sở LĐ-TB&XH tỉnh có căn cứ xác minh vụ việc, phối hợp với các đơn vị liên quan bảo vệ quyền lợi của Son”. Còn ông Nguyễn Trung Ngạn, phó trưởng ban chính sách - pháp luật của Liên đoàn Lao động tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, xác định trong trường hợp này chủ cơ sở đã vi phạm pháp luật vì cơ sở xảy ra tai nạn lao động mà không khai báo.
Theo ông Ngạn, dù người sử dụng lao động và người lao động không ký hợp đồng lao động bằng văn bản mà chỉ thỏa thuận miệng, thì mối quan hệ lao động này vẫn được xác định. Tai nạn xảy ra với Son là tai nạn trong quá trình lao động, nên Liên đoàn Lao động tỉnh sẽ phối hợp với thanh tra lao động giám sát, bảo vệ quyền lợi người lao động. Ngoài ra, căn cứ vào đơn thư gửi đến, Liên đoàn Lao động tỉnh sẽ gửi văn bản đề nghị các cơ quan chức năng giải quyết vụ việc này.
Theo luật sư Đỗ Như Lưu (TP.HCM), trong trường hợp nói trên, khi có tai nạn lao động xảy ra người lao động vẫn được đền bù. Việc xác định mức đền bù căn cứ vào thiệt hại của người lao động trong giờ làm việc theo luật định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận