13/05/2007 08:30 GMT+7

Bí mật vườn Lệ Chi với suất diễn 71: Trăm năm tùng vẫn tươi xanh

CÁT VŨ
CÁT VŨ

TT - Vậy là sau gần năm năm bị “chết lâm sàng”, tuần qua, vở Bí mật vườn Lệ Chi của Công ty Thái Dương (sân khấu IDECAF) đã được hồi sinh. Và có lẽ từ rất lâu rồi mới có một vở kịch không mang yếu tố hài mà ngay khi chưa ra mắt vé đã bán hết cho cả tuần. Điều gì đã làm nên sự kỳ diệu ấy?

hM3MqcAS.jpgPhóng toNS Hữu Châu trong vai Nguyễn Trãi TT - Vậy là sau gần năm năm bị “chết lâm sàng”, tuần qua, vở Bí mật vườn Lệ Chi của Công ty Thái Dương (sân khấu IDECAF) đã được hồi sinh. Và có lẽ từ rất lâu rồi mới có một vở kịch không mang yếu tố hài mà ngay khi chưa ra mắt vé đã bán hết cho cả tuần. Điều gì đã làm nên sự kỳ diệu ấy?

Cuộc thăng hoa giữa tùng và phong lan

Đó là một vở kịch mà người diễn lẫn người xem đều có chung cảm giác như được thoát ra khỏi những tục lụy đời thường, được bay vào một cõi mênh mông vô tận của tâm linh, cho dù những gì đang diễn ra trên sân khấu vẫn là những điều bắt nguồn từ cuộc sống. Bản án tru di tam tộc có một không hai trong sử Việt dành cho Nguyễn Trãi cách đây gần 600 năm, bỗng chốc được gọi dậy để nhắc lại cho hậu thế những ý tưởng nhân bản của một nhân cách lớn trong thiên hạ.

Xuất chúng về sự thông tuệ và hơn người về lòng trung chính, Nguyễn Trãi đã biến cái sống lẫn cái chết của mình trở thành một thông điệp về nghệ thuật giữ nước. Vở kịch Bí mật vườn Lệ Chi đã tái hiện những giờ khắc đầy bi tráng trước lúc khép lại phận người ngắn ngủi nhưng dạt dào lòng trung quân ái quốc của một hiền tài. “Con thú có thể cắn chết con người nhưng vẫn là con thú. Con người mang lẽ phải có thể bị sát hại vì lẽ phải, nhưng bảo vệ lẽ phải mãi mãi vẫn là thiên chức con người” (lời kịch).

Chọn hai gam màu trắng đen từ trang phục cho đến cảnh trí làm chủ đạo với ý chỉ một cuộc đối đầu không khoan nhượng giữa thiện và ác, giữa chính trực và gian tà và với cách tiết chế ánh sáng đến tối đa, hòa cùng những âm thanh khi bổng khi trầm, lúc nhẹ nhàng thổn thức, lúc kêu ré bi thương, pha trộn giữa âm nhạc và tiếng động như ẩn chứa nhiều điều cảnh báo, không khí của Bí mật vườn Lệ Chi như một cuộc đại tang tiễn đưa người công chính.

Người xem như “cuồng si” theo mạch diễn, trái tim bỗng bị căng ra cùng Nguyễn Trãi khi ông, trong giây phút cận kề cái chết, vẫn dõng dạc chỉ ra cho kẻ muốn giết mình năm kế sách để trị quốc bình thiên hạ (mà nhà cầm quyền nào cũng cần có). Và ứa nước mắt với cảnh cậu lính hầu trẻ khẩn khoản xin được ông nhận làm cháu nội. Bản án tru di tam tộc có thể giết đi những đứa cháu ít ỏi của ông trong dòng tộc, nhưng không thể xóa hết những đứa cháu tuy không cùng máu mủ nhưng chung một tấm lòng như anh lính trẻ kia. Những đứa cháu này sẽ tồn tại mãi với thời gian, qua nhiều thế hệ tiếp nối.

Người xem cũng đớn đau cùng ông về cuộc chia ly vĩnh viễn một người phụ nữ dịu dàng suốt 15 năm gối chăn chồng vợ mà ông đã ví như “tùng và phong lan - thanh gươm và tiếng hát”. Cô gái “bán chiếu gon” ông gặp thời “trăng tròn lẻ” nay đã là một Lễ nghi đại học sĩ , đã “cầm sắt” cùng ông cho đến hơi thở cuối cùng.

Cuộc tái sinh trong khải hoàn

SKInzw6r.jpgPhóng to
Poster của vở
Vở kịch Bí mật vườn Lệ Chi đã từng được sân khấu IDECAF dựng từ năm 2000. Sau 70 suất diễn, vở được Chương trình Nhà hát truyền hình VTV chọn đưa lên sóng trực tiếp truyền hình tại Nhà hát TP vào tháng 11-2002. Nhưng thật bất ngờ, khi tất cả đã sẵn sàng cho đêm diễn này, bỗng có lệnh ngưng từ cơ quan chức năng vì có ý kiến cho rằng nội dung vở có vài chi tiết chưa ổn về nhân vật Nguyễn Thị Anh theo lịch sử. Nhưng chỉnh sửa sao cho đúng và chừng nào vở mới được diễn lại thì sân khấu IDECAF không hề nhận được một văn bản nào, và phải chờ đến gần năm năm mới có câu trả lời bằng... miệng!

Việc ngưng đột ngột dành cho một vở kịch đã qua 70 suất diễn, với sự đánh giá cao về chất lượng từ công luận khiến những người làm vở không thể không bị tổn thương và rất đông khán giả chưa kịp xem tiếc nuối. Vì vậy, sự trở lại lần này của Bí mật vườn Lệ Chi được xem là một sự tái sinh trong khải hoàn, không chỉ của những người làm vở mà là của chung tất thảy những ai tâm huyết với sân khấu.

Điều đáng nói là trong ngần ấy thời gian chờ đợi, tuy không biết chừng nào vở mới được “giải oan” nhưng đạo diễn Huỳnh Anh Tuấn, giám đốc sản xuất, đã đưa toàn bộ phục trang, cảnh trí của vở về kho cất giữ chăm sóc cẩn trọng như mới cho đến ngày vở tái ngộ khán giả.

So với bản dựng cũ, lần trở lại này, như kẻ “nằm gai nếm mật” chờ ngày vùng dậy, Bí mật vườn Lệ Chi đã lột xác, trở nên thanh xuân hơn với bàn tay chỉnh sửa của chính đạo diễn Thành Lộc khiến vở sắc gọn và đạt hiệu quả mạnh mẽ hơn trước. Ngoài dàn diễn viên phụ được thay hoàn toàn bằng lớp diễn viên mới, Hồng Ánh tiếp nối Tú Trinh vào vai Thị Lộ đã đem lại cho vai diễn nét tươi tắn, trẻ trung, xinh đẹp, cho dù người xem khó tính có thể đòi hỏi cao hơn nữa ở cô về độ “chững” cần có của một Lễ nghi đại học sĩ.

Nghệ sĩ Thanh Thủy trong vai Nguyễn Thị Anh vẫn giữ được sức hấp dẫn trong lối thể hiện “ngọt nhạt” theo từng tình huống khá bản lĩnh. Tuấn Khôi lần này “làm vua” có vẻ ra dáng và Mỹ Duyên (cung nữ trẻ) cũng đã có nhiều tiến bộ về đài từ, tiếng nói sân khấu của cô đã diễn cảm hơn.

Nghệ sĩ ưu tú Hữu Châu trong vai Nguyễn Trãi thì có lẽ không còn từ nào để diễn tả chính xác hơn chữ tuyệt vời. Cả khi còn sung sức ở 70 suất diễn trước kia lẫn bây giờ khi tuổi đời đã chồng thêm năm mùa xuân dài, anh vẫn khiến người xem “mê đắm” với Nguyễn Trãi. Nói như ông Hoàng Hữu Đản, tác giả văn học của Bí mật vườn Lệ Chi, sau này liệu có còn ai diễn Nguyễn Trãi được như Hữu Châu!

Ở suất diễn 71 vào tối 10-5 vừa qua tại số 7 Trần Cao Vân, Bí mật vườn Lệ Chi đã biến cả không gian sân khấu lẫn khán phòng trở thành đúng nghĩa một thánh đường trang nghiêm, khi vở diễn được “cử hành” mang dấu ấn thiêng liêng như một đạo trời.

NSƯT Thành Lộc: Tôi hạnh phúc!

1JeMPm9i.jpgPhóng to
NSƯT Thành Lộc trong vai thái giám Tạ Thanh
* Điều gì khiến anh trăn trở nhất khi dựng lại vở này sau gần năm năm lãnh “án treo"?

- Ngày trước khi nhận được “lệnh miệng” tạm ngưng diễn, bản thân tôi cảm thấy rất ức vì đây là một tác phẩm đã gom hết bao nhiêu tâm huyết của anh em nghệ sĩ, được công chúng và giới chuyên môn đánh giá cao khi công diễn. Lý do được đưa ra là “có một vài chi tiết không đúng với lịch sử”, cụ thể là trong nguyên tác của tác giả Hoàng Hữu Đản thì thái tử Ban Cơ, con của thần phi Nguyễn Thị Anh, không phải là giọt máu của nhà Lê.

Thực hư thế nào thì lịch sử vẫn chưa thể khẳng định được. Tôi suy nghĩ về chi tiết này rất nhiều và cuối cùng quyết định sẽ không “động chạm” đến vấn đề này nữa, cũng là cách để không làm tổn thương tới vong linh của một người đàn bà đã khuất một khi chính mình vẫn còn hoài nghi. Tuy nhiên, thú thật là tôi thích giả định của Hoàng Hữu Đản hơn vì nó thú vị, có cao trào, gây sốc, mà nghệ thuật thì cần những “cái để xem” như thế. Thật ra ở một mức độ nào đó, nghệ thuật có quyền được soi lại hiện thực qua lăng kính muôn màu của nó.

* Vậy thì đâu là dấu ấn của Thành Lộc trong tác phẩm mới?

- Suốt năm năm qua, tôi đã trằn trọc về chuyện sửa hay không sửa. Nếu sửa rồi thì có đánh mất mình hay không, có tự phủ nhận chính mình hay không! Nhưng tôi nhận ra một điều, chúng ta sống trên đời cần phải biết lắng nghe. Người nghệ sĩ lại càng phải biết nghe nhiều hơn. Và tôi đã nghe theo những điều mà bản thân tôi cho là hợp lý.

Còn “dấu ấn Thành Lộc” à? Từ này nghe có vẻ “to” quá! Thật ra ở lĩnh vực đạo diễn tôi chỉ là người mới, chưa có tên tuổi gì đáng kể và phải đang tự mày mò từng bước. Nhưng lần này, tôi tâm đắc nhất lớp diễn của thái giám Tạ Thanh và thái hậu Nguyễn Thị Anh khi họ khóc với nhau trước lúc hành quyết Nguyễn Trãi. Đó chính là sự dằn vặt của cái ác, sự sám hối đau đớn của những con người thủ ác. Tôi nghĩ người ta sinh ra vốn không phải ác bẩm sinh nhưng chính những qui luật nghiệt ngã, “tôi thừa biết anh đúng, tôi thừa biết tôi sai, nhưng tôi buộc phải tiêu diệt anh để tôi tồn tại”, đã khiến họ trở thành nô lệ của cái ác.

* Ồ, vậy cảm xúc của anh bây giờ thế nào?

- Một đứa con ngủ đông vừa được hồi sinh và tôi thấy hạnh phúc vô cùng!

Bí mật vườn Lệ Chi - cái đẹp thấm đẫm và ngân dài...

CÁT VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên