17/05/2007 03:15 GMT+7

Bí mật vườn Lệ Chi - cái đẹp thấm đẫm và ngân dài...

Đạo diễn MINH NGUYỆT
Đạo diễn MINH NGUYỆT

TT - Ai đó đã nói vở diễn hay có độ ngân dài. Để có độ ngân dài, vở diễn phải xuất thần từ khâu kịch bản, sau đó đạo diễn sẽ cùng diễn viên thổi hồn hòa quyện cùng cảnh trí - âm nhạc - âm thanh - ánh sáng - phục trang và ngay cả với hậu đài... Nói chung, một sự xuất thần từ chi tiết đến tổng thể.

Bí mật vườn Lệ Chi với suất diễn 71: Trăm năm tùng vẫn tươi xanh

zjzQj24w.jpgPhóng to
Hữu Châu đã sống trọn vẹn với vai diễn của mình - Ảnh: H. Sơn
TT - Ai đó đã nói vở diễn hay có độ ngân dài. Để có độ ngân dài, vở diễn phải xuất thần từ khâu kịch bản, sau đó đạo diễn sẽ cùng diễn viên thổi hồn hòa quyện cùng cảnh trí - âm nhạc - âm thanh - ánh sáng - phục trang và ngay cả với hậu đài... Nói chung, một sự xuất thần từ chi tiết đến tổng thể.

Tôi thật sự xúc động bởi một độ ngân đang thấm đẫm tâm hồn sau khi xem vở Bí mật vườn Lệ Chi của sân khấu IDECAF. Dù đã xem vở diễn cách đây năm năm, nhưng lần này cảm xúc của tôi tươi nguyên và cô đọng hơn hẳn. Có lẽ sau năm năm chiêm nghiệm, dồn nén, trưởng thành... đạo diễn đã chăm chút sắc nét hơn và diễn viên đã diễn tinh tế hơn những ngóc ngách sâu thẳm nhất trong tâm hồn của từng nhân vật.

Cảnh thái giám Tạ Thanh và thái hậu Nguyễn Thị Anh sám hối trước khi hành quyết Nguyễn Trãi là một lớp diễn tuyệt vời mà, theo tôi, nếu không là NSƯT Thành Lộc và NS Thanh Thủy thì khó chuyển tải được hết ý đồ của tác giả cũng như đạo diễn. Nhất là Hữu Châu, một nghệ sĩ tài năng, đã khiến người xem không còn khái niệm diễn - mà là sống, đang sống - cho dù Nguyễn Trãi không còn hiện diện trên cõi đời đã 600 năm...

Đúng như nhà báo Cát Vũ đã viết trên Tuổi Trẻ (13-5) - người xem như “cuồng si” theo mạch diễn và trái tim bỗng căng ra cùng Nguyễn Trãi khi ông trong giây phút cận kề cái chết, vẫn dõng dạc chỉ ra cho kẻ giết mình năm kế sách trị quốc bình thiên hạ. Chao ôi! Không chỉ riêng tôi... mà tất cả khán phòng đêm ấy cùng được chiêm ngưỡng một vẻ đẹp lộng lẫy của trí tuệ và nhân cách, quên bẵng đôi hài bẩn của chính mình đã lâu lắm chưa được đặt trước ngưỡng cửa thánh đường...

Tôi khóc... Không chỉ bởi cái đẹp mà khóc bởi hạnh phúc khi thành phố chúng ta, khán giả chúng ta, những người làm nghề trong chúng ta đã nhận chân được giá trị của cái đẹp đang rất cần thiết trong cuộc sống con người.

Cảm ơn tác giả Hoàng Hữu Đản đã trăn trở với phẩm cách của bậc làm quan qua cấu trúc kịch và từng lời thoại, để khán giả được uống cạn say ly rượu ngon trong một đêm tiệc tinh thần. Cảm ơn NSƯT Thành Lộc - người được mệnh danh “phù thủy sân khấu” trong diễn xuất và lần này cả trong vai trò đạo diễn.

Cảm ơn NS Hữu Châu, NS Thanh Thủy cùng tập thể diễn viên và các bộ phận khác đã làm nên một vở diễn mà sự thăng hoa đã níu giữ được người làm nghề và khán giả mộ điệu. Cảm ơn “ông bầu” Huỳnh Anh Tuấn, người mạnh dạn đầu tư một vở “gai góc” để cuộc đời được hưởng thụ một vở diễn xuất thần.

Nhưng giá mà... một vở diễn như thế được tổ chức trong một nhà hát trung tâm, sang trọng và rộng lớn như Nhà hát thành phố để hằng đêm một suất diễn không chỉ có vài trăm khán giả mà là rất nhiều, nhiều hơn thế nữa cùng chiêm nghiệm, cùng đồng hành, cùng cảm nhận... Sống thế nào, góp phần cho cuộc đời ngày càng tốt đẹp hơn lên!

Đạo diễn MINH NGUYỆT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên