07/08/2016 10:26 GMT+7

“Bí kíp” dạy con của người Nhật

LAM ĐIỀN
LAM ĐIỀN

TTO - Một bộ sách được xem là “bí kíp” dạy con của người Nhật Bản vừa được ra mắt bạn đọc Việt Nam nhờ vào nỗ lực của một nhóm các bà mẹ là những trí thức đang hoạt động trong nhiều lĩnh vực tại Việt Nam.

Dịch giả Nguyễn Thu Hương đang giới thiệu bộ sách tại buổi ra mắt - Ảnh: L.ĐIỀN
Dịch giả Nguyễn Thu Hương đang giới thiệu bộ sách tại buổi ra mắt - Ảnh: L.ĐIỀN

Phép ứng xử dành cho trẻ em gồm năm tập, được dịch từ nguyên tác tiếng Nhật Kodomo no manaa zukan, lời và tranh của Minemura Ryoko, hướng đến những “bạn đọc” từ lúc chưa biết đọc - tức độ tuổi mầm non, và mở rộng đến cả các em thiếu niên.

Điều thú vị này được ba dịch giả Nguyễn Thu Hương, Nguyễn Đỗ An Nhiên và Lê Thị Lan Hương chia sẻ tại cuộc giao lưu ra mắt sách vào sáng 6-8.

Theo các dịch giả, người dân Nhật Bản được cả thế giới biết đến về tính kỷ luật, hành vi ứng xử văn minh dù trong những hoàn cảnh khó khăn nhất, những điều này không phải tự nhiên có được mà phải trải qua thời gian nuôi dưỡng, vun trồng tính cách.

Cho nên, việc giáo dục con trẻ từ độ tuổi mầm non đến khi bắt đầu biết đọc sách, học tiểu học là giai đoạn giáo dục rất quan trọng.

Người Nhật có thừa kinh nghiệm kiểu này, và bộ sách Phép ứng xử dành cho trẻ em là một trong những “bí kíp” theo phương châm một câu ngạn ngữ Nhật: “Tính cách được hình thành từ những việc thường nhật”.

Nhóm dịch giả cũng đưa ra lời khuyến khích giới phụ huynh Việt Nam nên cùng đọc và đọc cho các con năm tập sách này, để qua đó những bài học về phép ứng xử thường ngày, ứng xử khi ăn uống, ứng xử khi ra ngoài, ứng xử khi giao tiếp, ứng xử trong lễ hội, sự kiện mỗi năm... sẽ là những bài học, những tiêu chuẩn mà cả phụ huynh và các bé đều “thống nhất” với nhau.

Dịch giả Nguyễn Thu Hương (phó trưởng khoa Nhật Bản học - Đại học KHXH&NV TP.HCM) cho biết tác giả sách khéo léo đưa ra các tình huống và cách xử lý nhằm giúp trẻ con tư duy và tự nhận ra đâu là đúng đâu là sai.

Cách giáo dục này khác với cách dạy theo kiểu “dặn” rằng con không được làm cái này, chỉ được làm cái kia... ít nhiều mang tính áp đặt như cách của những phụ huynh Việt Nam lâu nay.

Với năm tập của bộ sách này, cả phụ huynh và các em thiếu nhi sẽ được dịp “hệ thống” lại các cách ứng xử của mình sao cho ổn nhất: từ chuyện nhỏ như đi đứng trên phố, chào hỏi người lớn, cách cư xử khi ăn uống ở nhà và ở nơi công cộng..., đến cách đến nhà bạn, đi thư viện, đi công viên, cách gọi điện thoại, đi đám tang, đi đám cưới, chào hỏi hàng xóm...

Chẳng hạn trong phần hướng dẫn cách ứng xử khi đi chơi công viên, các bé được hướng dẫn cả cách báo với nhân viên khu vui chơi nếu gặp trẻ lạc; hay như những việc cần biết khi mời bạn đến chơi ở nhà mình thì phải như thế nào để vừa vui vừa lịch sự với bạn...

Nói như dịch giả Nguyễn Đỗ An Nhiên rằng trường học Nhật Bản là nơi tạo điều kiện cho các em tự lập, tự khám phá cuộc sống xung quanh và cùng với trợ giúp của người lớn, các bé sẽ tự nhận ra thế nào là nên và thế nào là không nên.

Nhiều thế hệ người Nhật Bản đã trưởng thành từ “những việc thường nhật” như vậy.

Và bây giờ, một nhóm năm bà mẹ trí thức Việt Nam trong dự án KID’S BOOKS đang có kỳ vọng đem những trang sách tinh hoa ấy về phổ biến cho cộng đồng, bắt đầu từ thiếu nhi Việt Nam.

LAM ĐIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên