Được báo chí nước ngoài ví như Edvard Munch của Hà Nội, trong những năm tháng chiến tranh chống Mỹ (1964-1975), tại Hà Nội, người nghệ sĩ ấy đã vẽ như để bày tỏ nỗi buồn thương phận người trong chiến tranh.
Vì thế, hội họa là nơi ông giãi bày nỗi niềm chất chứa trong lòng với hình ảnh những đứa trẻ lang thang và đói ăn; hình ảnh người đàn ông ôm mặt khóc trong giáo đường như thể sám hối; những người đàn ông, đàn bà ngồi thiền, lần tràng hạt... Đó là mô-típ thường thấy trong tranh Trung Tín. Ngoài ra còn có hình tượng các nữ chiến sĩ cầm súng và hoa, những ngôi nhà đổ nát và những mảnh đời mất mát, những miêu tả đầy dịu dàng về người tình, người mẹ và những tinh thần nổi loạn.
Sinh ra ở miền đồng bằng sông Cửu Long, Trần Trung Tín tham gia kháng chiến chống Pháp từ năm 12 tuổi và chiến đấu trên mặt trận Campuchia. Từ năm 1954, ông hành nghề diễn viên điện ảnh và viết kịch bản. Sau cuộc gặp định mệnh với cố danh họa Bùi Xuân Phái, người nghệ sĩ đa tài quay sang vẽ tranh và chính thức bước vào làng hội họa.
Để rồi sau đó tranh của ông đi dự nhiều cuộc triển lãm quan trọng trên thế giới, bao gồm cả những triển lãm cá nhân của ông tại bảo tàng nghệ thuật Singapore và bảo tàng Anh quốc tại London.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận