Câu hỏi 1): Tôi bị đứt dây chằng đầu gối. Thú thật là tôi đang gặp khó khăn về chi phí giải phẫu. Một số người nói, nếu không tiếp tục vận động mạnh, không giải phẫu cũng không sao. Ý kiến của bác sĩ về vấn đề này thế nào?
Lê Quang Thành (Gò Vấp, TPHCM)
Trả lời:
Khớp gối cấu tạo bởi đầu dưới xương đùi (gồm 2 lồi cầu đùi) và đầu trên xương chày (mâm chày) của cẳng chân. Hai mảnh sụn chêm trong và ngoài được gắn trên mâm chày để giảm bớt lực tải trên sụn khớp. Khớp gối là một khớp lớn của cơ thể và chịu sức nặng khi đi, đứng, chạy nhảy. Các lực tải lên khớp gối rất lớn, gấp 2-3 lần trọng lượng cơ thể lúc đi và lên đến 5-6 lần trọng lượng cơ thể khi chạy hoặc leo cầu thang hay lên dốc cao.
Khi vận động, khớp gối vừa gập/duỗi, 2 lồi cầu đùi vừa xoay trên mâm xương chày. Khớp gối được giữ vững chắc nhờ hệ thống dây chằng-bao khớp. Hai dây chằng bên trong và bên ngoài giữ gối vững theo bình diện bên. Hai dây chằng chéo trước và chéo sau giữ gối vững theo chiều trước sau. Khi gối bị chấn thương, xương có thể bị gãy và một hoặc nhiều dây chằng nói trên có thể bị đứt hoặc dãn. Khi dây chằng bị đứt, gối sẽ bị lỏng (mất vững). Tùy trường hợp cụ thể mà cách điều trị sẽ khác nhau.
Tôi chỉ trả lời về trường hợp đứt dây chằng đơn thuần, không kèm theo gãy xương hoặc các tổn thương khác.
- Nếu đứt dây chằng bên trong hoặc bên ngoài: có thể phẫu thuật khâu nối lại nhưng đơn giản hơn là bó bột đùi bàn chân hoặc đùi cổ chân trong 6 tuần lễ. Bệnh nhân phải tập gồng cơ dưới bột để tránh teo cơ.
- Nếu đứt dây chằng chéo (trước, sau hoặc cả hai) thì tốt nhất là nên phẫu thuật tái tạo lại dây chằng bị đứt trừ những trường hợp chống chỉ định (như bị bệnh nội khoa nặng quá không mổ được…) hoặc không cần thiết (ví dụ bệnh nhân già, ít nhu cầu đi lại…).
Khi dây chằng chéo bị đứt thì mâm chày không được giữ vững nữa nên dễ bị trượt ra trước (đứt dây chằng chéo trước) hoặc ra sau (đứt dây chằng chéo sau) quá mức so với lồi cầu đùi lúc khớp cử động, dẫn đến hậu quả:
- Mất sự vững chắc khi khớp vận động, dễ bị té ngã, khó hoặc không thực hiện được các động tác phức tạp trong sinh hoạt cũng như trong hoạt động thể dục thể thao…
- Gây tổn thương thứ phát các thành phần khác trong khớp gối như rách sụn chêm, bong tróc bề mặt sụn khớp, dãn các dây chằng còn lại và dãn bao khớp.
- Hư hại sụn khớp và thoái hóa khớp do sự phân phối lực tác động trên xương bị thay đổi
- Teo cơ đùi do khớp gối bị hạn chế cử động
Vì những lý do trên, theo tôi, anh/chị nên phẫu thuật tái tạo dây chằng bị đứt, thời gian thích hợp nhất là sau khi dây chằng bị đứt 1 tuần đến 2 tháng. Hai vấn đề quan trọng nhất khi quyết định phẫu thuật là:
- Chọn phẫu thuật viên và cơ sở điều trị tốt về lĩnh vực nội soi khớp
- Chọn kỹ thuật viên và cơ sở tập phục hồi chức năng tốt sau mổ để giúp “dây chằng mới” được máu nuôi sống tốt và chắc, khỏe, đủ sức giữ vững khớp gối. Không tập luyện đúng phương pháp, “dây chằng mới” sẽ bị chết, xơ hóa, thoái hóa nên gối vẫn tiếp tục bị lỏng. Cuộc mổ xem như thất bại, phải mổ lại (như trường hợp của Ronaldo đôi tuyển bóng đá Brazil năm xưa).
Trong khi chờ đợi mổ, anh/chị cần băng thun giữ vững gối, đi chậm, tập vận động co duỗi gối nhẹ nhàng và tránh các hoạt động mạnh như chạy, nhảy, leo dốc, leo cầu thang nhiều lần trong ngày…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận