02/11/2013 00:15 GMT+7

Bị buộc thi hành án giùm người khác

DUY THANH
DUY THANH

TT - Một phạm nhân đã thi hành án phần nghĩa vụ dân sự xong cách đây ba năm, nhưng giờ lại bị Cục Thi hành án dân sự tỉnh Khánh Hòa ra quyết định cưỡng chế kê biên tài sản để thi hành án giùm người khác.

Năm 2009, ông N.T.T. ở xã Suối Hiệp (huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa) bị TAND tỉnh Khánh Hòa tuyên phạt 8 năm tù. Tòa buộc tám bị cáo trong vụ án liên đới chịu trách nhiệm bồi thường cho hai người bị hại tổng số tiền 1,36 tỉ đồng, trong đó phần ông T. phải bồi thường 60 triệu đồng. Năm 2010, TAND tối cao tại Đà Nẵng xét xử phúc thẩm do có ba bị cáo kháng cáo, tòa tuyên giữ nguyên bản án sơ thẩm phần trách nhiệm dân sự.

Cuối tháng 4-2010, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Khánh Hòa ra quyết định thi hành án đối với các bị cáo trong vụ án. Bà T.T.M.H. - vợ ông T. - đã vay mượn để ngày 7-5-2010 nộp đủ án phí và 60 triệu đồng cho cơ quan thi hành án. “Không ngờ ngày 21-3-2013, chấp hành viên Nguyễn Xuân Thắng của Cục Thi hành án dân sự tỉnh Khánh Hòa ký quyết định cưỡng chế kê biên, xử lý tài sản là nhà và đất của vợ chồng tôi.

Ngày 28-3, chấp hành viên này ký tiếp văn bản cho biết ngày 4-4 cưỡng chế nhà đất chúng tôi và chi phí cưỡng chế hơn 13 triệu đồng. Tôi thấy thật vô lý vì chồng tôi bồi thường xong, sao giờ lại phải gánh hơn 1,2 tỉ đồng của hai người phạm tội “đầu trò” của vụ án?” - bà H. bức xúc. Dù bà H. làm đơn khiếu nại nhiều lần, nhưng việc cưỡng chế vẫn diễn ra.

Bà H. tiếp tục khiếu nại, tháng 5-2013 cục trưởng Cục Thi hành án tỉnh ra quyết định bác toàn bộ khiếu nại của bà sau khi viện dẫn quy định tại thông tư liên tịch số 14 ngày 26-7-2010 của Bộ Tư pháp, Viện KSND tối cao, TAND tối cao: “Nếu người có nghĩa vụ liên đới không có điều kiện thi hành án thì cơ quan thi hành án yêu cầu những người có điều kiện thi hành án thực hiện thay phần nghĩa vụ của người đó.

Người đã thực hiện thay phần nghĩa vụ thi hành án có quyền yêu cầu người có nghĩa vụ liên đới khác thanh toán lại phần nghĩa vụ mà người đó đã thực hiện thay cho họ theo quy định tại điều 298 của Bộ luật dân sự”.

“Tôi là người dân, am hiểu pháp luật hạn chế, nhưng tôi rất ức và buồn cười khi Cục Thi hành án dân sự tỉnh Khánh Hòa áp dụng thông tư liên tịch 14 để giải thích việc cưỡng chế kê biên, xử lý nhà đất của chúng tôi. Tôi hoàn tất nghĩa vụ bồi thường của chồng từ tháng 5-2010, còn thông tư này ra đời vào cuối tháng 7-2010 và có hiệu lực vào ngày 15-9-2010. Sao lại lấy thông tư ra đời sau đem áp dụng cho việc đã xong rồi?” - bà H. nói.

Sau khi bà H. có đơn khiếu nại, Tổng cục Thi hành án dân sự đã cử đoàn công tác vào Khánh Hòa làm việc và mới đây đã có văn bản yêu cầu cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Khánh Hòa thu hồi hai quyết định thi hành án, một quyết định giải quyết khiếu nại; chỉ đạo chấp hành viên thu hồi quyết định cưỡng chế kê biên, xử lý tài sản liên quan đến việc thi hành án của ông N.T.T.; có biện pháp tổ chức thi hành vụ việc theo đúng quy định pháp luật, báo cáo tổng cục trước ngày 30-10.

Ông Trương Minh Hưng - cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Khánh Hòa - cho biết đã chỉ đạo chấp hành viên tham mưu xử lý các yêu cầu của tổng cục về vụ việc này.

Không nên áp dụng luật một cách máy móc

Thẩm phán Nguyễn Công Đường, chủ tọa phiên xét xử sơ thẩm vụ án mà ông T. là bị cáo, nói: “Đối với những vụ án mà phần trách nhiệm dân sự phức tạp, tòa không thể phân xử nghĩa vụ bồi thường từng bị cáo thì một trong số các bị cáo có điều kiện thi hành án phải thi hành thay cho những người không có điều kiện để đảm bảo thi hành án.

Tuy nhiên ở vụ án này, tòa đã phân định rõ nghĩa vụ bồi thường của từng bị cáo, nghĩa là nếu ai đã bồi thường đầy đủ là đã hoàn tất trách nhiệm dân sự. Nếu cơ quan thi hành án dân sự khó khăn trong việc hiểu bản án thì có công văn gửi tòa để được giải thích, không nên áp dụng luật máy móc khiến người dân bức xúc”.

DUY THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên