18/08/2007 12:28 GMT+7

Bếp lửa hồng trong tim

HỒNG KHUÊ
HỒNG KHUÊ

TTO - Năm đứa con, ba rể, một dâu, chín đứa cháu nội ngoại, đó là tất cả tài sản còn lại của ba má tôi, trải qua bao thăng trầm của một cuộc đời không lấy gì làm may mắn.

Thương yêu tặng ba má, các thành viên của đại gia đình 128/G

oEXuxzr5.jpgPhóng to
Ảnh do tác giả cung cấp
TTO - Năm đứa con, ba rể, một dâu, chín đứa cháu nội ngoại, đó là tất cả tài sản còn lại của ba má tôi, trải qua bao thăng trầm của một cuộc đời không lấy gì làm may mắn.

Bà nội là tiểu thư con gái địa chủ, ông nội là tá điền của ông cố. Năm ba tôi lên tám thì ông nội mất, bà nội bỏ nhà đi kháng chiến. Hai năm sau bà tái giá, đến năm ba tôi mười lăm tuổi thì bà đột ngột qua đời. Ngay sau đêm chôn cất bà, ba đã sợ hãi bỏ nhà ra đi, để lại toàn bộ gia sản cho người cha dượng hà khắc. Từ đó, ba thành con mồ côi, lang bạt kỳ hồ. Số phận run rủi, năm 23 tuổi, ba gặp má.

Còn má, tuổi thơ của má gắn liền với những mẻ bánh đổ lúc nửa đêm của bà ngoại, với những đêm trốn ông ngoại lén học bài trong… chuồng heo, với những trận đòn roi kinh hoàng của người cha trọng nam khinh nữ… Ham học và học giỏi, nhưng má phải ngậm ngùi chia tay sách vở, làm bạn với mẹt bánh bán rong khi vừa xong lớp 9, vì đó là giới hạn tối đa của tri thức mà ông ngoại dành cho con gái. 22 tuổi, má yêu ba.

Hai năm sau đó, ba má nên vợ nên chồng, mặc cho ông ngoại quyết liệt cản ngăn.

Một năm sau, những đứa con của tình yêu lần lượt ra đời. Bốn con gái, một con trai. Và cũng từ đó, ba má bắt đầu cuộc chiến đấu dài nhất, gian lao nhất đời mình: tay trắng nuôi con ăn học thành người.

Có những chuyện kể ra thật đau lòng, nhưng đó lại là động cơ để ba má vượt qua gian khó, để chúng tôi phấn đấu học hành. Đó là những khi chúng tôi đau ốm, đến vay tiền ông ngoại, đã không cho, ông còn bảo: "Nhắm nuôi con không nổi thì bóp mũi cho nó chết đi!" "Đã nghèo còn bày đặt học với hành, cho chúng đi bán vé số kiếm tiền mà sống!"… Ba mươi năm sau, nhớ lại vẫn cứ nghẹn ngào.

Chúng tôi lớn lên bằng những cuốc xích lô ba còng lưng chở khách, mưa gió bốn mùa không vắng buổi nào. Chúng tôi có cơm ăn áo mặc từ công sức má tảo tần hôm sớm buôn gánh bán bưng, một giờ khuya đã trở dậy đi đón mua cá tươi về bán, ngồi mải miết đến 7-8g đêm mới quày quả quay về với đàn con há mỏ chờ mẹ như lũ chim chờ mồi.

Chúng tôi lớn lên thiếu thốn đủ thứ, những chiếc áo sờn vai vá đi vá lại chuyền từ đời chị sang đời em, cặp da cũng chuyền, giày dép cũng chuyền nốt. Đói ăn nên đứa nào cũng gầy gò, nhưng đôi chân lại dẻo dai do phải đi bộ suốt mười hai năm học từ nhà đến trường gần năm cây số…

Nhưng bù lại, chúng tôi rất giàu tình thương yêu, giàu sự quan tâm, chăm sóc, dạy dỗ của ba má.

Nhờ gia sản đó mà năm đứa thì hết ba đứa tốt nghiệp Đại Học, riêng thằng Út nắm trong tay ba bằng cử nhân: kinh tế, luật, ngoại ngữ, hai đứa đậu cao đẳng ra làm cô giáo, nhiều năm liền là giáo viên giỏi, được đề bạt đến chức hiệu phó của trường. Bốn trong năm đứa đã là Đảng viên. Bầy cháu của ba má tôi, đứa nào cũng học giỏi, đứa nào cũng ngoan, thân thiết với nhau, chị chị em em, yêu thương nhau như ruột thịt.

Bầy chim non của ba má khi lớn khôn bay đi mỗi đứa một phương, bỏ lại hai ông bà dưới quê hiu quạnh, thui thủi cùng nhau, suốt năm chỉ trông chờ dịp Tết đến, con cháu khắp nơi trở về đông đủ, ồn ào náo nhiệt một góc xóm. Như một quy ước ngầm, ba ngày Tết, dù ở đâu, dù làm gì, dù trai hay gái, dâu hay rể, đều nôn nao quay về nhà để đón năm mới với nhau.

Những ngày đầm ấm đó, bếp lửa nhà tôi cháy suốt ngày không tắt. Khắp nhà trên xuống nhà dưới, đâu đâu cũng rộn rã tiếng cười.

Bếp lửa hồng hạnh phúc ấy, tôi biết, sẽ mãi cháy sáng trong tim mỗi người chúng tôi.

HỒNG KHUÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên