![]() |
Mỗi ngày chuẩn bị bốn bữa ăn cho các động vật hoang dã tại trung tâm - Ảnh: Phi Long |
Từ lần cấp cứu đáng nhớ
Nói về lần cứu hộ tám chú gấu và một gấu chó được kiểm lâm Gia Lai chuyển vào năm 2003, anh Lương Văn Hiến - giám đốc trung tâm - cho biết từ trước đó trung tâm chỉ có kinh nghiệm cứu hộ các loài thú như voọc, khỉ, chồn, nai... Thiếu cả nhân lực, phương tiện và kinh nghiệm nên trung tâm đã liên hệ với Tổ chức cứu trợ linh trưởng thế giới Monkey World (Anh) và Trường đại học Jengtung (Đài Loan) nhờ trợ giúp.
Đây là những con vật được bắt giữ khi đang bị vận chuyển trái phép đi tiêu thụ. Những chú gấu khi đến trung tâm đều trong tình trạng nguy hiểm: mất chân, rách thịt, đứt cổ tay, vết thương lở loét... Nhờ kinh nghiệm từ những lần cấp cứu trước, các chú gấu được chữa trị đã không bị biến chứng, tình hình sức khỏe được duy trì tốt cho đến khi các chuyên gia của Anh, Đài Loan sang. Những chú gấu được tiến hành gây mê, xét nghiệm máu, xét nghiệm phân... như những bước tiến hành chữa bệnh cho con người. Chỉ có điều do bị vận chuyển trong điều kiện kém nên chúng rất khó tính và hung dữ.
Việc chữa trị và chăm sóc được thực hiện rất chỉn chu nhưng xem ra công đoạn cho ăn cũng vất vả không kém. Anh Nguyễn Văn Cường cho biết: “Mỗi ngày phải cho ăn đúng bốn bữa, từ cháo, mật ong... đến các loại trái cây như chuối, đu đủ... Để thay đổi khẩu vị, nhiều hôm chúng tôi hầm bí, xương và thịt...”.
Từ lần đó đến nay, hầu như ngày nào trung tâm cũng tất bật với những “bệnh nhân” nhiều nơi gửi đến, từ những chú khỉ đuôi lợn bị gãy tay, con bò rừng hung dữ cho đến những mấy cụ rùa khó tính.
Đến những người giải cứu
Trung tâm Cứu trợ động vật hoang dã nguy cấp Vườn quốc gia Cát Tiên chính thức thành lập ngày 29-3-2005 (đã hoạt động từ trước đó hàng chục năm). Trong tương lai gần, trung tâm sẽ tọa lạc độc lập trên đảo Tiên (gần vườn quốc gia) với diện tích 50ha. Khi đó, nơi đây sẽ là một trung tâm cứu trợ động vật hoang dã hàng đầu VN. Những chú gấu đang trong giai đoạn phục hồi sức khỏe tại trung tâm Ảnh: Phi Long |
Bao nhiêu lần trực tiếp vào rừng sâu để cấp cứu động vật lớn và nguy hiểm bị mắc bẫy là bấy nhiêu lần hiểm nguy rình rập. Để đảm bảo an toàn, yêu cầu đặt ra là nhân viên cứu hộ phải đứng xa con vật ít nhất 20m để thực hiện việc bắn thuốc gây mê. Nhưng đối với các anh, đó là viễn cảnh xa vời vì trung tâm vẫn chưa có loại súng bắn tầm xa.
Đã có lần một con bò rừng bị mắc bẫy trong rừng sâu, cả nhóm phải vào tận nơi để giải cứu. Con bò bị đau tỏ ra lồng lộn rất hung dữ với vết thương khá sâu. Anh em bàn bạc và cuối cùng quyết định... liều: tiến đến gần con bò 10m. Nhớ lại kỷ niệm đó ai cũng cho biết lúc ấy rất sợ nhưng đành phải mạo hiểm vì nếu không con vật sẽ dần kiệt sức mà chết.
Anh Hiến không thể quên lần thả mấy con gấu chó hung dữ về rừng. Anh nói: “Tôi vẫn nhớ như in cảnh chú gấu từ từ bước ra khỏi cửa chuồng và tiến thẳng vào trong rừng. Đi được một đoạn, như sực nhớ điều gì đó nên nó quay lại nhìn chúng tôi như thầm cảm ơn rồi mới đi tiếp”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận