05/12/2006 13:34 GMT+7

Bệnh... văn phòng

BS ĐÀO XUÂN DŨNG
BS ĐÀO XUÂN DŨNG

TTO - Môi trường làm việc hiện nay ở các văn phòng rất đa dạng, có nơi nhỏ hẹp, chỉ khoảng 20 chục mét vuông mà có đến 10-15 bàn máy vi tính san sát nhau nhưng cũng có nhiều văn phòng rộng rãi, tiện nghi, có hệ thống điều hoà không khí cho cả toà nhà…

uc2WZnKv.jpgPhóng to

Sự khác biệt về môi trường và điều kiện làm việc khiến cho những người làm việc văn phòng đối diện với nhiều nguy cơ sức khoẻ khác nhau.

Thách thức sức khoẻ đầu tiên là môi trường không khí ở văn phòng: máy hút ẩm không có tác dụng làm sạch không khí mà chỉ làm cho không khí ấm hay mát hơn và không làm cho da, mũi, họng bị khô nhất là trong những tháng mùa đông khi không khí được sưởi ấm. Máy hút ẩm cũng có thể giúp những người bị cảm hay đau họng hít thở dễ dàng hơn chứ không chữa khỏi được bệnh.

Cải thiện môi trường nơi làm việc cũng là một trong những yếu tố để tăng tuổi thọ, do đó điều cần hơn đối với những nơi có môi trường không khí ô nhiễm là máy lọc không khí – cần cho những người bị hen và dễ bị dị ứng nặng (loại máy này đắt, có thể tới gần chục triệu). Những người làm việc ở môi trường không thông thoáng hay ô nhiễm nên dành thời gian vận động ngoài trời.

Nhiều người muốn đặt nhiều chậu hoa trong văn phòng để hút dioxide (CO2) và các chất gây ô nhiễm khác nhưng không có tác dụng vì chưa có bằng chứng khoa học để bảo vệ cho quảng cáo của một số công ty kinh doanh cây cảnh khi đưa ra một danh sách những loại cây có thể nâng cao chất lượng không khí trong nhà.

Máy tạo ozone không làm thuần khiết không khí cũng không làm mất bụi và những thành phần như phấn hoa gây dị ứng có trong không khí. Vậy để bầu không khí trong văn phòng bớt ô nhiễm thì vẫn phải có hệ thống thông khí tốt, máy hút bụi và giảm sử dụng các chất tẩy rửa độc hại.

Dị ứng ở môi trường làm việc: rất dễ xảy ra ở những văn phòng mới xây dựng hay không thông thoáng hay có hiện tượng ẩm mốc, đặc biệt với những người mẫn cảm. Khi tiếp xúc với chất lạ (kháng nguyên) như thức ăn, đồ uống, bụi bặm, phấn hoa, lông chó, lông mèo, thảm trải sàn, sơn tường, véc-ni… khi đó cơ thể sẽ sản sinh ra chất chống lại chất lạ đó (kháng thể).

Cuộc chiến giữa kháng nguyên và kháng thể ở những người mẫn cảm rất mãnh liệt, dẫn đến rối loạn, làm cho các histamin, ở trạng thái tự do, được phóng thích ra nhiều. Histamin tự do khi được phóng thích sẽ gây ra các hiện tượng dị ứng như: ngứa ngáy, nổi mẩn, mề đay, phù, sổ mũi, ngạt mũi, chảy nước mũi, khó thở, viêm kết mạc, đỏ mắt, ngứa mắt… và nhiều biểu hiện khác ở hệ tiêu hoá, tim mạch. Đặc biệt khi histamin tự do phóng thích ra quá nhiều có thể dẫn đến dị ứng rất nặng, gọi là sốc phản vệ, nếu không cấp cứu kịp thời, rất dễ tử vong. Khi histamin tự do nằm ở dạ dày, sẽ làm dạ dày tiết nhiều axít, dễ gây viêm loét dạ dày, tá tràng.

Dị ứng với chất liệu xây dựng: nhiều toà nhà sử dụng chất liệu đa năng có sợi abestos chống ồn, chống cháy, ngăn cách (ốp tường)… nhưng phơi nhiễm lâu dài với các sợi asbestos có nguy cơ gây ra những vấn đề nghiêm trọng cho sức khoẻ như ung thư phổi, dính phổi (abestosis), ung thư màng lồng ngực. Càng hít nhiều sợi abestos thì càng dễ mắc bệnh. Hút thuốc làm tăng cơ may mắc các bệnh liên quan đến asbestos (rất may là các văn phòng thường không cho phép hút thuốc trong nhà). Tuy nhiên chỉ những vật liệu bị hư hỏng, rách mới làm bung ra các sợi abestos.

Nếu có biểu hiện dị ứng khi làm việc trong văn phòng nên đi khám để có chẩn đoán chính xác hơn về nguyên nhân và được điều trị.

Làm việc nhiều giờ liền với máy vi tính: thường xuyên làm việc với máy vi tính được xem là một yếu tố gây stress tái diễn (repetitive stress injury). Hiện tượng này xảy ra khi một số cơ hay dây chằng phải làm việc quá nhiều hay ở trong tư thế không thuận lợi. Để phòng ngừa, đòi hỏi sự chú ý đến cách ngồi và các động tác làm việc: cần có một ghế ngồi làm việc thoải mái, có độ cao thích hợp giúp cho đùi ở tư thế ngang, 2 bàn chân đặt trên sàn nhà và phần sau của gối hơi cao hơn mặt ghế. Lưng ghế cần trở thành điểm tựa của phần thắt lưng.

Nên thỉnh thoảng ngả lưng và co chân trong vài giây. Vai thoải mái với cẳng tay và cánh tay tạo thành góc vuông, cổ tay và bàn tay như trên một đường thẳng. Bấm phím như chơi piano, chỉ cử động các ngón tay, không dùng khớp cổ tay lầm điểm tựa để bấm phím chữ ngoài rìa. Con chuột trên cùng mặt phẳng với bàn phím, dùng cả cánh tay để di chuyển con chuột, không nên chỉ dùng cổ tay.

Sau mỗi giờ làm việc trước máy tính, nên dành 5-10 phút để thở sâu. Ảnh hưởng của bức xạ điện từ máy vi tính (giống như với lò vi sóng, điện thoại di động và cả điện cao thế) đến sức khoẻ chưa được xác định vì nhiều nghiên cứu còn có những kết luận mâu thuẫn nhau. Để bảo vệ mắt, đôi lúc ngừng làm việc để mắt được nghỉ ngơi; tránh ánh sáng chói và phản chiếu, giảm ánh nắng chiếu vào màn hình. Tránh bị mỏi mắt do màn hình đặt cao quá tầm mắt. Thỉnh thoảng xoa bóp nhẹ nhàng vùng mắt, má, trán…để giúp máu đến mắt nhiều hơn và các cơ được thư giãn.

Hội chứng đau bao khớp cổ tay: có đặc trưng là sưng đau, tê bì hay cảm giác nhoi nhói ở cổ tay… Có thể xảy ra với người phải viết nhiều trên máy vi tính, khớp cổ tay không được nghỉ ngơi và hệ quả là chất nhờn không kịp tiết ra. Bệnh phát sinh do có sự đè ép vào thần kinh giữa (dẫn truyền thông tin cảm giác và những kích thích vận động từ ngón đến các cơ của bàn tay). Khi thần kinh giữa bị chèn ép và có thể bị teo thì ảnh hưởng đến cử động của ngón cái và 3 ngón đầu tiên làm cho chức năng của bàn tay suy giảm.

Vitamin B6 có thể giúp làm dịu các triệu chứng và dấu hiệu đau bao khớp, nhất là với những người có nguy cơ cao thiếu vitamin B6 như phụ nữ có thai hay đang dùng viên thuốc uống tránh thai, liều lượng từ 50-100mg mỗi ngày trong ít nhất mỗi tháng. Ngoài ra, còn dùng từ thuốc giảm đau cho đến can thiệp phẫu thuật.

Ngồi vắt chân – một tư thế đôi khi có hại: tư thế ngồi có tính phản xạ của cả nam lẫn nữ nhưng có thể có hại trong một số trường hợp khi những bộ phận có liên quan đến tư thế ngồi này đã yếu, làm cho xương chậu không có tư thế đúng và cột sống bị vẹo. Với khớp gối: ở tư thế ngồi vắt chân, xương bánh chè phải dựa tối đa vào xương đù. Khi thôi không ngồi vắt chân nữa, phần trước của khớp gối có thể bị đau, nhất là với những người có sụn xương bánh chè đã thoái hoá hoặc bị bệnh hư khớp.

Với thần kinh toạ: thần kinh bị đè ép, gây ra cảm giác kiến bò ở bàn chân và bụng chân, đôi khi có rối loạn cảm giác. Khi đó nên dứng dậy và đi lại. Với tuần hoàn máu: máu có xu hướng bị ứ đọng ở chi dưới, hậu quả là nề mắt cá chân, cảm giác nặng nề ở 2 cẳng chân. Còn có thể có nguy cơ tạo cục máu ở tĩnh mậch cẳng chân, gây viêm tĩnh mạch…Cuối cùng, tư thế ngồi vắt chân càng thuận lợi để gây ra chuột rút.

Cần biết những tác hại khi sử dụng máy vi sóng: làm việc ở văn phòng thường phải sử dụng máy vi sóng để pha trà, cà phê hay hâm nóng thức ăn, vì thế cần biết những tác hại khi không sử dụng đúng máy vi sóng. Bức xạ do lò vi sóng có chất lượng tốt phát ra gọi là tần số bức xạ, được coi là an toàn vì không gây iông hoá. Để tránh bị bức xạ khi lò vi sóng hoạt động, nên đứng xa lò ít nhất 1 – 2 mét. Như thế bức xạ sẽ chỉ còn là 1% của lượng tối đa được coi là an toàn.

Hâm sữa bằng lò vi sóng không ảnh hưởng đến thành phần protein nhưng không nên dùng chất dẻo để bọc trực tiếp lên thức ăn khi hâm vì ở nhiệt độ cao những hoá chất đã được sử dụng để tăng tính mềm mại cho chất dẻo có thể thấm vào thức ăn và có thể ảnh hưởng đến cân bằng hormon trong cơ thể, từ đó có thể gây ung thư, dị tật bẩm sinh và những khó khăn về sinh sản khác…

Hội chứng mỏi mệt mạn tính: môi trường và cường độ làm việc ở văn phòng có thể có nhiều nguy cơ sức khoẻ như đã nói ở trên. Từ lâu, y học đã mô tả hội chứng gọi là “hội chứng mỏi mệt mạn tính”. Do chưa hiểu rõ về hội chứng này nên có thời kỳ nhiều thầy thuốc đã coi như một “bệnh tưởng”. Chẩn đoán xác định là hội chứng mỏi mệt mạn tính khi phải kéo dài ít nhất 6 tháng, khởi phát đột ngột, nghỉ ngơi cũng không đỡ và kèm ít nhất 4 triệu chứng trong số các triệu chứng sau: suy giảm trí nhớ hoặc khả năng tập trung, đau họng, sưng hạch, đau cơ, đau khớp, nhức đầu, ngủ không ngon giấc, cảm giác khó chịu và kiệt sức sau khi gắng sức.

Người ta nhận thấy hội chứng này có nhiều bất thường sinh học: thần kinh trung ương bị ảnh hưởng (giảm trí nhớ, kém tập trung tư tưởng, mất thăng bằng, sợ ánh sáng, rối loạn cảm giác…). Có nhiều nguyên nhân gây ra hội chứng này như nhiễm khuẩn, trầm cảm, rối loạn chuyển hoá đường, thiếu máu, thiểu năng tuyến giáp, ung thư và cả làm việc quá sức, nhất là với phụ nữ.

BS ĐÀO XUÂN DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên