10/01/2019 13:58 GMT+7

Bệnh sỏi mật

Nguồn: Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh
Nguồn: Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh

Có nhiều bệnh ở hệ thống mật nhưng sỏi mật là hay gặp nhất. Sỏi mật có thể có những biến chứng rất nguy hiểm nếu không phát hiện và điều trị kịp thời.

Bệnh sỏi mật - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: slideplayer.com

Gan có hệ thống đường mật, là các ống, hình dạng như các cành cây, thân cây và gốc cây, đoạn cuối của đường mật nối với ruột non, được gọi là ống mật chủ. Bên cạnh ống mật có một túi, nối thông với ống mật chủ, gọi là túi mật. Chỗ nối với ống mật chủ gọi là cổ túi mật. Túi mật để dự trữ, cô đặc mật.

Mật do gan sản xuất ra, có tác dụng tiêu hóa chất béo mà chúng ta ăn vào. Mật chảy ra từ trong gan giống như chảy từ ngọn xuống gốc cây rồi chảy vào ruột.

Mật có màu vàng, trộn lẫn với thức ăn nên bình thường khi đi tiêu, phân sẽ có màu vàng. Khi đường dẫn mật bị tắc, không chảy xuống ruột được, màu vàng của mật sẽ tràn ra máu làm cho da người bệnh có màu vàng và phân sẽ nhạt màu.

Túi mật là cơ quan rỗng, có các co bóp, vì vậy, đau do bệnh ở túi mật lúc đầu thường là đau thành từng cơn co bóp.

Hệ thống gan mật và dạ dày nằm sát cạnh nhau, một số thuốc chữa bệnh viêm dạ dày cũng có tác dụng cho hệ thống mật. Thời gian đầu, một số người bệnh tưởng nhầm mình bị bệnh dạ dày thay vì bệnh về mật.

Có nhiều bệnh ở hệ thống mật nhưng sỏi mật là hay gặp nhất. Khi nghi ngờ có sỏi, bác sĩ sẽ làm siêu âm. Phát hiện sỏi mật không khó với bác sĩ siêu âm nhiều kinh nghiệm. Tùy theo vị trí của sỏi mà chia thành sỏi túi mật hay sỏi đường mật và cách chữa trị sẽ khác nhau.

Sỏi túi mật

Một số người mắc bệnh sỏi túi mật nhưng không hề có triệu chứng gì. Phụ nữ bị sỏi mật nhiều hơn nam, người nặng cân, có cholesterol cao trong máu dễ mắc bệnh hơn người ốm. Nguy cơ bị sỏi cũng tăng dần theo tuổi và số lần sinh con.

Biến chứng mà sỏi gây ra là viêm túi mật. Ban đầu chỉ là những cơn đau có thể tự hết sau khi nghỉ ngơi. Cơn đau bụng xuất hiện ở vùng trên rốn, ngay giữa, đau có thể lan ra sau lưng, có người lan lên vai bên phải, có thể kèm theo ói. Nếu tình trạng viêm tiếp tục tăng dần thì cơn đau sẽ lệch dần về bên phải, dưới mạn sườn, có khi sốt. Trong trường hợp viên sỏi nằm kẹt ở cổ túi mật làm tắc hoàn toàn thông nối với ống mật thì các triệu chứng sẽ rầm rộ hơn. Khi đó người bệnh sẽ cần được cấp cứu.

Đa số trường hợp viêm túi mật do sỏi không có triệu chứng vàng da. Chỉ có một số ít viên sỏi to nằm ở gần ống mật, đè vào ống mật sẽ gây vàng da nhẹ. Lúc đó các bác sĩ sẽ phải làm thêm nhiều xét nghiệm như C.T scan và việc chữa bệnh sẽ gặp thêm khó khăn.

Có thuốc uống làm tan sỏi túi mật với thời gian điều trị khá dài, thường là 12 tháng. Tuy nhiên, rất ít người bệnh đủ điều kiện về tiêu chuẩn y khoa và cả về kinh tế để có thể dùng thuốc. Thuốc chỉ có tác dụng 7 - 30% với người có sỏi cholesterol, trong khi đó tại Việt Nam, người có sỏi cholesterol chỉ khoảng 40%.

Các phương pháp tán sỏi túi mật hoặc lấy sỏi túi mật qua nội soi tiêu hóa hiện chưa được áp dụng rộng rãi vì chọn lọc người bệnh khó khăn, liệu trình kéo dài và kỹ thuật phức tạp.

Phẫu thuật là cách điều trị được áp dụng nhiều nhất cho những người bệnh sỏi túi mật bị biến chứng. Người bệnh van tim và bệnh tiểu đường nếu có sỏi túi mật không triệu chứng vẫn nên phẫu thuật vì khi túi mật bị viêm thì sẽ nặng hơn nhiều. Cắt túi mật bằng phẫu thuật nội soi để loại bỏ hoàn toàn toàn nguyên nhân gây bệnh. Chỉ có một số rất ít trường hợp bất khả kháng thì mổ mở hoặc chỉ lấy sỏi mà để lại túi mật.

Hoạt động tiêu hóa của người bị cắt túi mật hoàn toàn bình thường vì mật vẫn đầy đủ do gan tiết ra.

Sỏi đường mật

Sỏi đường mật thường xuất hiện sau những lần nhiễm trùng đường mật, có xác hoặc trứng giun gây kết tủa mật tạo nên sỏi. Người ở vùng vệ sinh môi trường kém, nhiễm ký sinh trùng tiêu hóa, dinh dưỡng kém mắc bệnh sỏi đường mật nhiều hơn.

Sỏi đường mật thường gây biến chứng tắc mật và nhiễm trùng đường mật, đây là lý do làm người bệnh phải tới bệnh viện.

Tắc đường mật là nguyên nhân gây ra nhiễm trùng và làm nặng thêm tình trạng nhiễm trùng ở đường mật. Nhiễm trùng đôi khi rất nặng, có thể nhiễm trùng máu, nguy hiểm tới tính mạng.

Mới đầu tắc mật sẽ gây đau ở trên rốn, đau bên phải, dưới sườn, đau tăng dần. Khi tình trạng nhiễm trùng tăng lên sẽ xuất hiện sốt. Trước khi sốt sẽ có cơn lạnh run rồi sau đó sốt cao. Khi tắc mật kéo dài vài ngày mới thấy rõ tình trạng vàng da, vàng mắt, tiểu vàng sậm như nước trà đặc.

Nguyên tắc điều trị là giải tỏa tắc mật và chống nhiễm trùng.

Chống nhiễm trùng bằng kháng sinh, thường phải chích nhiều loại kháng sinh phối hợp với nhau. Chỉ dùng kháng sinh sẽ ít hiệu quả nếu không làm thông đường mật bị tắc.

Để giải tỏa tắc nghẽn đường mật có rất nhiều cách khác nhau.

Đặt ống hay dùng kim thông vào đường mật để cho mật bị nhiễm trùng chảy bớt ra ngoài là một phương pháp tương đối nhẹ nhàng giúp cho người bệnh qua được giai đoạn nguy hiểm khi cấp cứu. Tuy nhiên, đây chỉ là phương án tạm thời vì nguyên nhân gây bệnh chính là sỏi vẫn còn trong cơ thể người bệnh. Phương pháp này chỉ sử dụng cho những bệnh nhân quá nặng mà chưa thể can thiệp lấy sỏi được ngay. Phương án tốt nhất là lấy sỏi ra khỏi đường mật.

Lấy sỏi đường mật

- Lấy sỏi qua nội soi đường tiêu hóa từ miệng (nội soi mật tụy ngược dòng). Dụng cụ tương tự như ống soi dạ dày nhưng phức tạp hơn, được đưa tới chỗ mật chảy vào ruột. Bác sĩ sẽ đưa dụng cụ vào đường mật lấy sỏi ra hoặc luồn 1 ống nhỏ cho mật chảy ra.

- Phẫu thuật lấy sỏi có thể thực hiện bằng 2 cách: Mổ nội soi vào ống mật chủ để lấy sỏi và làm sạch đường mật hoặc mổ mở lấy sỏi ống mật trong một số trường hợp phức tạp.

- Nội soi lấy sỏi mật qua một khe nhỏ ở thành bụng do bác sĩ chủ động tạo ra khi mổ: Dùng cho những bệnh nhân không thể lấy hết sỏi trong lần mổ trước./.


Nguồn: Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên