Sau 2-3 ngày thấy bớt, anh tiếp tục đi chơi quần vợt. Chơi được một lúc thấy đau nhiều, đánh banh mất lực, anh phải nghỉ chơi. Bạn bè trong sân khuyên anh uống thuốc và nghỉ chơi vài bữa cho hết. Anh đi khám bác sĩ ở phòng mạch tư, mua thuốc giảm đau uống và nghỉ một tuần thì thấy hết đau. Anh lại tiếp tục chơi quần vợt lại, nhưng chơi được vài buổi lại thấy đau lại, anh lại uống thuốc và đeo băng thun giảm chấn khuỷu tay. Thấy hết đau, anh lại chơi tiếp… Sau 2 tháng thì hiện tượng đau tăng lên nhiều, đau cả khi cử động, khi làm việc và anh phải nghỉ chơi quần vợt. Uống thuốc không thấy hết đau, anh đi khám ở khoa Y học thể thao của Bệnh viện Nhân dân 115. Các bác sĩ sau khi khám, chụp phim đánh giá và kết luận anh bị rách gân cơ duỗi tại chỗ bám vào xương lồi cầu phía ngòai khuỷu tay và phải phẫu thuật.
Câu chuyện của anh T. là một trong hơn 1000 trường hợp những người chơi quần vợt, chơi bóng bàn, cầu lông, golf …phải đi khám và điều trị mỗi năm tại các chuyên khoa chấn thương chỉnh hình và y học thể thao, tại các bệnh viện trên địa bàn TPHCM. Mục đích tập thể dục thể thao là để khỏe, nhưng tập luyện không theo đúng bài bản sẽ dễ gây chấn thương (thường là chấn thương ở gối, thắt lưng, cổ chân, vai, háng, cổ tay, khuỷu). Trường hợp sai nhiều sẽ dẫn đến các bệnh mạn tính như viêm khớp, thoái hóa khớp, đau thần kinh tọa, nứt, gãy xương sống.
Đau khuỷu tay vì quần vợt (Hội chứng Tennis Elbow)
Tennis elbow là 1 tình trạng viêm hoặc rách gân cơ duỗi tại chỗ bám vào xương lồi cầu phía ngòai khuỷu tay.
Bệnh này rất hay gặp ở người chơi quần vợt (tỷ lệ 10-50% người chơi tennis mắc phải). Ngoài ra, bệnh này còn xảy ra ở những người chơi thể thao dùng khuỷu tay như: cầu lông, đánh golf, bowling... Nguyên nhân là do các nhóm cơ này bị suy yếu, khi bạn vận động quá mức, nơi bám của các cơ chịu lực căng –kéo quá sức gây ra các vi chấn thương, lâu ngày làm viêm tại chỗ. Bệnh xuất hiện do người chơi không nắm vững các nguyên tắc tập luyện, do tập quá sức, do vợt hoặc quá nặng, lưới đan quá căng, cán vợt quá lớn so với bàn tay, mặt sân quá cứng, không khởi động kỹ, kỹ thuật chưa đúng…
Trong hơn 1.000 bệnh nhân điều trị viêm khuỷu tay do chơi tennis không đúng cách mỗi năm, phần lớn phải mổ trong khi lẽ ra chỉ cần uống thuốc nếu được phát hiện sớm.
Khi mới đau, bệnh nhân thường chủ quan, chỉ nghỉ chơi vài bữa, sau đó lại chơi tiếp. Vì thế, vết thương ngày càng nặng hơn. Theo các nghiên cứu, gần 50% số người tập luyện hằng ngày và 25% số người tập vài lần/tuần mắc bệnh này.
Các bệnh khác
Môn quần vợt không đòi hỏi sức mạnh quá mức nên ngày càng trở nên phổ biến ở mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, chơi quần vợt phải vận động liên tục, nhiều người thường chơi vào buổi trưa ở ngoài trời nên dễ mất nước.
Không riêng gì quần vợt mà với những môn thể thao ngoài trời, nếu chơi giữa trưa nắng thì dễ dẫn đến say nắng, mất nước, rối loạn điện giải. Lâu dài, người chơi chẳng những không tăng thể lực mà càng mệt mỏi thêm. Rối loạn điện giải cũng dẫn đến chuột rút, tổn thương cơ... Những người lớn tuổi, có bệnh về tim mạch sẽ dễ bị ngất, té ngã, chấn thương hay đột quỵ nếu vận động liên tục , nhất là những người hay chơi vào buổi trưa.
Cách nay vài năm, một bác sĩ trưởng khoa của một bệnh viện lớn ở TPHCM, sau khi chơi quần vợt về đã bị đột quỵ do nhồi máu cơ tim. Do đó, chúng ta phải đặc biệt quan tâm đến vấn đề sức khỏe khi luyện tập thể dục thể thao.
[box]
Để phòng tránh chấn thương loại này, bạn nên:
- Điều chỉnh vợt cho phù hợp: kích thước tay cầm, độ căng lưới vợt.
- Khởi động, làm nóng thật kỹ.
- Sửa chữa kỹ thuật cho đúng: đặc biệt là cú trái tay.
- Chơi với lượng thời gian từ từ tăng dần, từng bước hồi phục lại khả năng tập luyện, và không chơi quá sức.
- Đeo băng giảm chấn đúng kỷ thuật.
- Khi có vấn đề về sức khỏe phải đi khám và luyện tập theo tư vấn của bác sĩ
- Nếu đã có bệnh đang điều trị thì nên tránh chơi quá sức hoặc nếu cần phải nghỉ chơi chuyển sang tập luyện môn khác.
[/box]
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận