![]() |
Bé N.M.U. bị ói 82 lần trong 19 giờ được nhập viện cấp cứu sáng 13-11 tại khoa tiêu hóa Bệnh viện Nhi Đồng 2 - Ảnh: L.T.H. |
Mẹ bé U. vừa bế con vừa mang theo thau nhỏ và ca nhựa lớn để sẵn sàng hứng dịch ói.
19 giờ ói 82 lần
“Nhật ký của bé” (sổ theo dõi tình trạng ói do bệnh viện phát) cho thấy chỉ trong 19 giờ bé U. ói đến 82 lần. Cách đây chưa đến một tháng, bé U. nhập viện tại khoa tiêu hóa cũng vì ói nhiều lần trong ngày. Bé được các bác sĩ chẩn đoán bị mắc “hội chứng ói chu kỳ”.
Ngoài bé U., tại khoa tiêu hóa còn bốn bệnh nhi khác cũng bị ói nhiều lần đang nằm điều trị. Các bé đều có triệu chứng bệnh giống nhau là trước khi ói có biểu hiện biếng ăn, nằm sấp bụng xuống giường, mông chổng lên. Ngày đầu tiên vào chu kỳ ói, có bé ói 45-50 lần.
Ngày thứ hai khoảng 35 lần. Ngày thứ ba khoảng 25 lần. Ngày thứ tư khoảng 15 lần. Ngày thứ năm dưới 10 lần. Qua ngày thứ sáu hết ói. Hầu như các bé này đều đã ra vào khoa tiêu hóa nằm cấp cứu rất nhiều lần trước đó vì ói.
Báo chí nước ngoài vừa đưa tin một phụ nữ người Anh là bà Sharon Wilson mắc một chứng bệnh hiếm gặp khiến bà bị ói hơn 100 lần mỗi ngày. Bà Sharon Wilson mang hội chứng ói theo chu kỳ gần mười năm cho tới khi được chẩn đoán bệnh. Mỗi khi bà phấn khích lại khởi phát một đợt ói dữ dội. |
Chị Phạm Thị Đoan Trang - mẹ bé B.X.L. (16 tháng tuổi, ngụ tại Q. Bình Thạnh, TP.HCM) - kể bé L. bắt đầu bị ói vài chục lần trong một ngày khi mới 12 tháng tuổi. Trước khi vào chu kỳ ói, bé biếng ăn 1-2 ngày. Nếu càng cho ăn uống, bé càng ói nhiều.
Những ngày đầu bé ói ra dịch màu vàng, sau đó chuyển sang màu xanh. Đến ngày thứ năm, thứ sáu bé hết ói và thèm ăn, đòi ăn uống liên tục. Về nhà nửa tháng, bé lại vào một chu kỳ ói khác, phải quay vào bệnh viện cấp cứu. Theo chị Trang, cứ 15 ngày bé L. bị một chu kỳ ói kéo dài năm ngày. Sau mỗi lần ói là ngủ li bì, thức dậy ói tiếp.
Lúc đầu đến khám tại một bệnh viện nhi, bác sĩ chẩn đoán bé bị rối loạn tiêu hóa. Lần khám sau đó lại chẩn đoán bé bị xoay ruột bất toàn và phải phẫu thuật. Sau mổ, tình trạng bé bị ói vẫn lặp đi lặp lại mỗi nửa tháng. Chỉ đến khi vào khoa tiêu hóa, được bác sĩ chẩn đoán bé bị hội chứng ói chu kỳ và giải thích tình trạng bệnh của bé chị Trang mới thật sự yên tâm.
Chị Đỗ Thị Lệ Thu - mẹ bé N.H.T.N. (25 tháng tuổi, ngụ Q. Bình Tân, TP.HCM) - cũng kể khi bé N. 14 tháng tuổi thì bắt đầu có biểu hiện ói chu kỳ. Bé được đưa đi nhiều bệnh viện, nhiều bác sĩ nhưng nơi bảo rối loạn tiêu hóa, nơi nói bé bị hẹp cuống thực quản, dạ dày bị giãn... Uống thuốc hoài bé vẫn ói đi ói lại không hết.
Nguyên nhân chưa rõ
Bác sĩ Phạm Thị Ngọc Tuyết - trưởng khoa tiêu hóa Bệnh viện Nhi Đồng 2 - cho biết thời gian qua bệnh viện đã tiếp nhận, theo dõi điều trị 16 bệnh nhi bị hội chứng ói chu kỳ. Trước khi vào mỗi chu kỳ ói, các bệnh nhi thường có các dấu hiệu như biếng ăn, mặt buồn bã, bỏ chơi, người mệt mỏi, ngủ nhiều, sốt, nhức đầu, đau bụng, chảy nước dãi.
Theo bác sĩ Ngọc Tuyết, hội chứng ói chu kỳ là một rối loạn chức năng mãn tính chưa rõ nguyên nhân, được mô tả đầu tiên ở Pháp năm 1806. Tuy nhiên, một số nghiên cứu ở nước ngoài cho là do nguyên nhân thần kinh, tâm lý và một vài yếu tố khác do môi trường tác động. Bệnh có đặc trưng bởi các đợt ói dữ dội, tái diễn giống nhau, xen kẽ với các giai đoạn ngắt quãng có sức khỏe hoàn toàn bình thường.
Các đợt nôn ói dữ dội kéo dài 1 giờ tới 10 ngày. Hội chứng ói chu kỳ xảy ra nhiều ở bé gái hơn bé trai (tỉ lệ 5-1). Tuổi trung bình lúc khởi phát là 4,8 tuổi. Tuy nhiên, bệnh có thể xảy ra ở trẻ nhỏ mới sáu ngày tuổi và người già ở tuổi 73. Hội chứng ói chu kỳ kéo dài trung bình 2,5-5 năm. Trẻ có thể hết bệnh ở tuổi thanh thiếu niên. Tuy nhiên, khoảng 1/3 số trẻ bị hội chứng ói chu kỳ tiếp tục có triệu chứng đến tuổi trưởng thành và chuyển sang biểu hiện khác là đau bụng, nhức đầu ở khoảng 18 tuổi.
Khi khám bệnh, làm các xét nghiệm, chẩn đoán cận lâm sàng các bé đều không có bệnh thực thể trên đường tiêu hóa. Đa số bệnh nhi phải ra vào bệnh viện liên tục và thường bị chẩn đoán là rối loạn tiêu hóa, ăn không tiêu. Mỗi khi vào đợt ói chu kỳ các bé đều phải nằm cấp cứu, truyền dịch vì tình trạng mất nước, không ăn uống được.
Bác sĩ Ngọc Tuyết cho biết do nguyên nhân bệnh chưa rõ nên việc điều trị còn theo kinh nghiệm. Thường các bác sĩ sẽ hướng dẫn người nhà bệnh nhân biết cách tránh các yếu tố gây khởi phát (tránh các thức ăn gây khởi phát như sôcôla, phômai và bột ngọt), dùng thuốc phòng ngừa, điều trị ói, chăm sóc nâng đỡ trong các đợt cấp và hỗ trợ tâm lý.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận