13/12/2006 06:10 GMT+7

Bến Tre

SƠN NAM
SƠN NAM

TTO - Bến Tre là nơi mà nhiều nho sĩ giữ tiết tháo khi Pháp xâm chiếm. Dân ở đây phần lớn là từ miền Trung vào, còn giữ được phong tục tập quán xưa, nhờ vị trí cù lao (ít giao lưu). Ông Đồ Chiểu về đây tránh giặc Pháp, rốt cuộc, Bến Tre mất, cụ đành ở vùng giặc chiếm đóng nhưng không bị mua chuộc, làm thơ, soạn văn tế thương tiếc những người yêu nước.

NeQLVV8t.jpgPhóng to
TTO - Bến Tre là nơi mà nhiều nho sĩ giữ tiết tháo khi Pháp xâm chiếm. Dân ở đây phần lớn là từ miền Trung vào, còn giữ được phong tục tập quán xưa, nhờ vị trí cù lao (ít giao lưu). Ông Đồ Chiểu về đây tránh giặc Pháp, rốt cuộc, Bến Tre mất, cụ đành ở vùng giặc chiếm đóng nhưng không bị mua chuộc, làm thơ, soạn văn tế thương tiếc những người yêu nước.

Bến Tre có phần mộ của Phan Thanh Giản, cụ chào đời nơi đất Ba Tri và cũng được chôn cất nơi sinh quán. Gần đấy, có mộ Võ Trường Toản, từ Sài Gòn cải táng đưa về.

Dân Bến Tre sống không túng thiếu, nhờ huê lợi vườn, nhờ đức tính cần cù. Nhưng óc hài hước được lưu truyền qua những chuyện Ông Ó, ấn hành hồi đầu thế kỷ, có lẽ đã đồn đãi trong dân gian trước đó không lâu.

Ông Ó phải chăng là nhân vật bịa đặt, nhằm chế giễu từng lớp quan lại, giới bóc lột? Nhưng nói chung, những chuyện “nói láo” của ông Ó không ác độc cho lắm, nhằm giải buồn, hiền lành.

Hôm xưa ấy, ông Ó đi chợ làng để mua thịt heo, nhưng với cách ăn mặc lôi thôi của ông, người bán thịt lại khinh khỉnh, nói thách, để ông không mua được, một kiểu “đuổi khách”.

Ông Ó muốn trở về nhà, để khỏi bực mình. Nhìn xuống bến, thấy chiếc xuồng to của anh bán thịt heo ông nói:

- Hôm nay chắc heo lên giá, hèn gì tôi mua không nổi. Ở xóm tôi heo nuôi thiếu gì, ai nấy túng tiền, muốn bán với giá rẻ.

Anh lái heo động lòng tham, đón cơ hội để đầu cơ:

- Nhà ông có nuôi heo không?

- Nuôi heo là nghề ruột của vợ chồng tôi. Mãn mùa, được bao nhiêu lúa tôi không bán, cứ để dành nuôi heo, bây giờ trong nhà nhiều quá, kêu eng éc tối ngày.

Anh bán thịt heo bèn ngỏ ý:

- Ông về nhà bằng gì? Sẵn tôi có chiếc xuồng to, đưa ông về coi heo luôn thể.

Ông Ó vui vẻ, chờ anh nọ. Anh ta hăng hái chèo ghe, ông Ó kêu lên:

- Bà ơi, có người tới mua bầy heo của mình.

Từ lâu biết chồng ưa “nói láo” nên bà đã lanh miệng:

- Bậy quá, phải ông về sớm hơn một lát thì xong. Nhà lúc nãy có người lái heo đi qua, túng tiền, tôi bán hết rồi.

Ông Ó nhìn anh bán thịt heo. Anh nọ như hiểu sự việc, cau mày, tức tối, chẳng biết nói sao. Lập tức ông Ó nhảy lên bờ, nói với lại:

- Cám ơn anh, xin lỗi anh. Tại tôi ham bán heo, thôi thì chờ tôi nuôi lứa sau vậy.

Thêm một chuyện trong hàng chục chuyện để chứng tỏ chuyện ông Ó chỉ là giai thoại cầu vui. Tài “nói láo” của ông được loan truyền tận ngoài Huế, nơi vua đang ngự trị với uy quyền to lớn. Vị thái tử nghe các nịnh thần đồn rằng ở Nam Kỳ có một nhân tài chuyên nói láo, bèn ra lệnh:

- Vậy thì có dịp đưa ra đây cho ta biết mặt.

Cơ hội lại đến, các quan vào Nam tuần tra sẵn ghe thuyền bèn mới ông Ó đi Huế trổ tài. Với bản lĩnh sẵn có và lòng tự tin, ông Ó thấy dịp tốt để đi chơi xa mà không tốn tiền.

Thái tử hay tin nhân tài của xứ Bến Tre đến, nhằm lúc đang cỡi voi đi săn thú dữ. Vừa gặp mặt, ông Ó quì xuống lạy theo nghi lễ. Thái tử hỏi:

- Nghe nói ngươi nói láo giỏi, vậy thì nói láo thử.

- Tâu thái tử, nói chuyện láo như thế nào?

- Nói chuyện gì cũng được, miễn là ngươi gạt được ta.

- Tâu thái tử, thái tử lúc này đang ở lưng chừng, ngồi trên mình voi, “đầu không đụng trời, chân không đụng đất” thì làm sao kẻ hèn này nói láo cho được.

Thái tử ngỡ là thật, bèn lật đật cho quân sĩ đỡ xuống, đứng trên mặt đất và nói:

- Ta đã đụng chân xuống đất rồi. Bây giờ, người nói thử chuyện láo cho ta nghe.

Ông Ó vẫn bình tĩnh:

- Thì tôi đã nói láo rồi đó. Thật tình tôi chẳng có chuyện gì lạ cả nhưng thái tử đã... làm theo lời “nói láo” của tôi.

Qua câu chuyện trên, ta thấy nhưng chuyện dân gian thường là do người nào đó sáng tác ra, không có thật, nhằm châm biếm cho rằng về trí thông minh thì lắm khi người thường dân lại vượt kẻ quyền cao chức trọng.

Bến Tre là đất giồng, được dân ta khai thác sớm, cao ráo, không úng lụt, dễ đào giếng, nhà cửa sạch sẽ hơn nơi sình lầy. Lưu dân từ xứ Quảng Nam, Quảng Ngãi đã đi thẳng vào Bến Tre, với ghe bầu, không cần ghé qua Bà Rịa, Biên Hòa như trường hợp đi theo đường bộ. Nếu cần trở về thăm quê xứ thì họ cũng đi đường biển. Nhờ sự cần mẫn, lần hồi vùng Bến Tre thành hình sớm, so với những cánh đồng xa xôi, nhiều muỗi mòng, nước mặn đồng chua phía Rạch Giá - Cà Mau.

Lúc mới định cư, gặp nhiều khó khăn. Dân ít, ở gom từng xóm nhỏ. Chung quanh còn rừng rậm. Cọp và người tranh chấp nhau từng khu rừng là chuyện đã phổ biến ở Nam Bộ. Riêng về vùng đất giồng ở Bến Tre, nay là vườn dừa xanh mướt, thời xưa cây gừa, cây sộp mọc loạn xạ, với những bộ rễ lòng thòng, lớn như cột nhà, làm hang trú ẩn cho cọp sinh sôi nẩy nở. Người địa phương cũng như mọi người Việt thuở ấy xem cọp như kẻ thù nhưng hạn chế việc sát sinh, tránh gây chuyện lớn, miễn là cọp ăn nai, ăn heo rừng, còn con người thì lo làm ruộng rẫy, chăn nuôi gia súc. Nhưng khi cọp sinh đẻ, trở thành số đông thì có người đã nghĩ ra mưu kế: rình khi cọp mẹ đi ăn xa, lén vào hang, ăn cắp vài con cọp con, giết kín đáo để hạn chế.

Ta đã nghe nhiều chuyện về bà mụ Cọp, bà mụ giúp cọp cái trong cơn đẻ khó rồi được cọp nhớ ơn thưởng con heo rừng. Ở Bến Tre, còn chuyện Nghĩa Hổ, tức là con cọp có nghĩa, đâu thời Tự Đức, ở làng Vang Quới.

Người họ Võ, đậu tú tài, làm quan ở trong huyện, gia đình đơn chiếc, chỉ có vợ và một đứa con trai sống thanh bạch. Người hàng xóm gặp con cọp nhỏ, đem về tặng ông tú tài: “Nuôi từ nhỏ bé thì tới lớn lên, nó hiền như con chó vậy thôi. Hồi ở Quảng Nam, tôi thấy nhiều người nuôi như vậy để giữ nhà”.

Ông và bà tú tài thấy cọp nhỏ dễ thương bèn nuôi nấng trong nhà. Cọp dạn dĩ, ăn cơm, ăn cá, chỉ có tật là thỉnh thoảng như hăng hái,chạy tới chạy lui quào móng chân vô cục đá, lu nước, tóm lại là món gì cứng. Ông tú tài hiểu là cọp mọc móng và mài móng cho bớt ngứa ngáy. Ông dạy: “Đừng hung hăng, khách ra vào không được hầm hừ với bất cứ ai!”. Ban đêm, cọp nằm ngay dưới chân giường mà canh chừng. Trong xóm, thấy cọp con hiền lành, ai cũng khen ngợi.

Nhưng đến năm nọ, ông tú tài được lệnh ra Huế lãnh phận sự mới. Cả nhà buồn rầu, nhất là cọp như đoán trước việc ra đi là khó khăn, ngày về còn xa.

Ông tú tài đi theo đường trạm, có phu khiêng võng, qua trạm khác thì đổi phu, đường diệu vợi, lên đèo xuống ải, lắm nơi không một bóng người, lại phải đi đến chiều tối. Cọp ở nhà cứ nhìn ra cửa, gặp bà tú tài, cọp như nôn nóng. Bà nói:

- Muốn đi thăm “cha” phải không? Đường xa xôi lắm, đi thì nên giữ mình rồi trở về. Ở nhà chẳng còn ai, “mẹ” buồn lắm. Anh Hai của “con” (con trai ông tú tài) suốt ngày làm lụng vất vả.

Hôm ấy như thường lệ, ông tú tài nằm ngủ lim dim trên võng, mấy người phu trạm như mệt mỏi, leo dốc đá, hai bên đường là rừng già, chim kêu vượn hú. Bỗng nhiên mấy người phu trạm kêu lên:

- Cọp, thưa ông.

- Ở đâu?

- Bọn tôi khiêng võng như vầy từ nhiều năm, cọp trên núi nhìn xuống là sự thường. Nãy giờ có con cọp chạy theo tụi tôi khi ẩn khi hiện như rượt theo.

Sực nhớ con cọp nuôi ở nhà, ông tú tài bèn ra lệnh:

- Dừng lại, chẳng có gì lạ. Để ta xem.

Quả thật là con cọp từ Bến Tre đã đánh hơi, dò đường để “thăm ông”. Cọp dạn dĩ chạy đến, quì xuống kêu rống. Ông tú tài vỗ về nó:

- Tội nghiệp “con” quá chừng. Dọc đường chắc cực khổ lắm, ở nhà ai nấy mạnh giỏi hả?

Cọp bỗng đưa chân lên, xòe móng ra, ông tú tài nhận ra mấy viên thuốc, dọc đường, có lẽ nhờ quen các vị thuốc thảo mộc, cọp đã tìm những cây lá thích ứng với nơi sơn lâm chướng khí mà ông tú tài chưa quen. Cảm động vô cùng, ông tú tài nhận mấy viên thuốc núi, nào lá cây, vỏ cây rừng mà cọp đánh hơi, theo linh tính cho rằng bổ khỏe. Ông vỗ đầu cọp, rơm rớm nước mắt rồi an ủi:

- Lòng hiếu thảo của “con”, “cha” biết rồi. Thôi ráng mà về nhà, chăm sóc sức khỏe của “mẹ” và “anh Hai”. Coi chừng dọc đường bọn thợ săn rình rập.

Vài năm sau ông tú tài mang bệnh mà mất tại Huế. Nhờ tính tình hiền lành, liêm khiết lúc làm quan nên các bạn đồng liêu thương tình, bố thí được một chiếc ghe bầu, lần hồi quan tài ông được đưa về nhà. Cả nhà khóc lóc, người hàng xóm thương tiếc. Quan tài quàng tại nhà, cọp rống lên từng chập nhưng khách đến phúng điếu đã quen, biết rằng cọp thương tiếc người “cha”. Nó nằm phủ phục bên quan tài, nhịn ăn. Rồi đám táng diễn ra, cọp chạy theo, đến huyệt, trở về cọp cứ nhịn ăn. Vài hôm sau, cả nhà thấy vắng bóng cọp, truy hô lên, người hàng xóm rủ nhau tìm kiếm, ngỡ rằng cọp về rừng. Nhưng khi ra đến phần mộ ông tú tài ai nấy đều ngậm ngùi cảm động, thấy cọp đã đập đầu vào tấm mộ bia mà chết, trên đầu còn nhiều vết thương. “Thi hài” cọp được chôn cất bên phần mộ ông tú tài. Từ đó, trong địa phương rồi cả vùng loan truyền chuyện con cọp có nghĩa. Người đời thêm thắt chi tiết, gọi là chuyện Nghĩa Hổ, con cọp có nghĩa.

Chuyện được nhắc nhở về lâu về dài, sự thật như thế nào, khó kiểm chứng. nhưng phải chăng người xưa muốn nhắc nhở con người nên giữ lòng hiếu thảo với cha mẹ, bằng không thì thua loài vật.

Rời những vườn dừa xanh mát, đến vùng Ba Tri, gần biển, du khách có thể viếng mộ Nguyễn Đình Chiểu, gọi thân mật là ông Đồ Chiểu, quê ở Sài Gòn nhưng mất tại đây, tản cư nơi xa vời để không sống chung với giặc ngoại xâm. Tuy mù lòa nhưng ông vẫn theo dõi tình hình đất nước trong những năm tháng đen tối nhất. Ông hưởng ứng cuộc khởi nghĩa của Trương Định, rồi buồn rầu khi thấy cuộc khởi nghĩa thất bại. Pháp quí trọng tiết tháo và tài văn chương của ông, tập thơ Lục Vân Tiên, đồng bào gọi là “Thơ Vân Tiên” được phổ biến mạnh ở mọi giới Nam Bộ, nhắc nhở đạo đức, trai thì trung hiếu, gái giữ tiết hạnh. Pháp muốn ban bố chút ít bổng lộc nhưng ông từ chối. Sống với đồng bào ở Bến Tre. Ông thấy đầy đủ và hạnh phúc rồi. Rời Bến Tre, du khách vượt sông Cửu Long, tức là sông Tiền, con sông nơi đây khá rộng, nhờ chiếc bắc đưa qua lại. Giữa sông có cồn Phụng nổi danh là thắng cảnh, gió mát, nước trong lành, tàu bè qua lại tấp nập. Bến Tre có nhiều cảnh đẹp tiêu biểu cho miền quê Nam Bộ, rất tiếc là đường đi lại khó khăn.

SƠN NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên