Phóng to |
Đây là một ốc đảo giữa lòng thành phố được bao bọc bởi các con kênh đào và nối với thành phố bằng mấy cây cầu mà cầu lớn nhất có ba nhánh là cầu Chữ Y. Nội tôi kể Chánh Hưng những năm trước thập niên 1930-1940 là đồng ruộng, sình lầy. Khoảng thập niên 1950 - 1960, chính quyền Sài Gòn lúc đó cho xáng thổi lấy đất bùn dưới sông sâu lấp bằng các vùng sình lầy đó để xây dựng những dãy phố ngay hàng từng lô thẳng tắp, còn được gọi là dãy nhà “lô”.
Riêng tôi chỉ thật sự biết Chánh Hưng khi ba má tôi dọn nhà về ở hẳn với nội tôi, khoảng năm 1957 hay 1958 và sau đó cất hẳn một ngôi nhà kế bên nhà của nội, còn được gọi là nhà từ đường, nhà hương hỏa. Ngôi nhà được xây từ đời ông cố của tôi, cách đến nay cũng hơn trăm năm có lẻ. Nhà nằm trên đường Chánh Hưng, mé phải sát một con lạch nhỏ chảy ra kênh Tàu Hủ, phía trước chếch về bên phải là chùa An Phú không lớn nhưng trang nghiêm, sau này được sửa sang lại khang trang rất đẹp, từng là nơi hành hương của cố nghệ sĩ Thanh Nga lúc sinh tiền cũng như nhiều nghệ sĩ cải lương nổi tiếng khác.
Chung quanh vùng tôi ở có rất nhiều đình, miếu, thời tôi còn nhỏ mỗi năm các đình, miếu thường có lệ cúng lễ kỳ yên. Những lần lễ lộc, ban hội tề đình, miếu lại mời các đoàn hát bội hoặc các gánh cải lương nho nhỏ về hát chầu và tôi cũng như đa số những đứa trẻ trong xóm thường chen vào đình, đứng sau cánh gà xem hát một cách say sưa. Những buổi hát chầu như vậy đã thấm vào tâm hồn thơ dại của tôi bao nhiêu tuồng tích, bao văn vẻ bình dị như một dấu ấn theo tôi đến mãi tận bây giờ.
Ngôi trường đầu đời của tôi là Trường tiểu học Chánh Hưng. Trường nằm trên ngả quẹo ra bến Ba Đình, mặt trước và phía hông trái ngó ra kênh Tàu Hủ, phía sau giáp đình Ông, hông phải có một trại chằm lá của ông bà Năm Sắm, nơi lá dừa nước từ lục tỉnh chở lên được chằm để lợp nhà. Từ nhà tôi đến trường phải đi ngang qua chợ Chánh Hưng và ngã ba bến Ba Đình. Tôi thích ngã ba này vì nơi đó có quán ông Tiều bán nước đá nhận mà tôi thường ghé mua từng viên đá bào nhận chặt có chan xirô và một chút nước chanh muối trên mặt thơm ngon vô cùng.
Trong suốt mấy năm học tiểu học, ghi dấu mãi trong tôi là hình ảnh một ngày tan học năm cuối cùng. Hôm đó như thường lệ, tiếng trống tan trường vừa dứt, bọn học trò chúng tôi túa nhau ra về. Bỗng phía trước tôi có tiếng la lớn “Thằng chỏng chết trôi, thằng chỏng chết trôi tụi bây ơi”. Lúc đó nước cạn, lòng sông lộ hẳn bùn sình, một xác chết trôi sông phình to đang phơi mình nửa trên bãi cạn, nửa dưới nước sâu. Đó là lần đầu tiên trong đời tôi thấy một xác người chết và cũng là lần đầu tiên tôi biết thế nào sự khác biệt giữa sống và chết. Tôi còn nhớ hôm ấy về nhà tôi không nuốt được bữa cơm trưa.
Giữa hè nhà tôi và hè nhà ông Ba hàng xóm có hàng rào xương rồng ngăn đôi. Ở đó tôi thường bắt gặp chị Tỏ, con gái út của ông bà Ba, ngồi thì thầm với chị Đỗ Ngọc Trinh, con bác Tư Lô trong xóm. Không biết hai chị bàn tán điều gì, nhưng mỗi lần thấy tôi tò mò đứng nghe hai chị thường cười và khoát tay bảo tôi đi nơi khác chơi, đừng để ý chuyện người lớn, tôi cũng cười phụ họa và lảng đi nơi khác vì nghĩ rằng hai chị chắc đang nói chuyện bồ bịch với nhau. Nhiều năm sau này tôi mới rõ ra là hai chị bàn chuyện vô bưng với cách mạng, nhưng cuối cùng chỉ có chị Trinh thực hiện được mơ ước đó.
Sau ngày 30-4-1975, chị Trinh trở về Sài Gòn lúc tôi đã sang Ý, thư từ người thân gửi qua bảo rằng chị có thời giữ chức thứ trưởng, còn chị Tỏ lập gia đình và cùng chồng nghe nói hình như đã đi định cư tận phương xa. Bạn bè tôi, bạn học hoặc bạn cùng xóm tôi có khá nhiều. Thân quen nhau qua trò chơi con trẻ, qua những đêm trăng thu rước đèn khắp xóm, những ngày nắng hạ hớt cá, thả diều. Sau này lớn lên, những thằng bạn trai có đứa thành danh đỗ đạt, có đứa đã vùi thân trong chiến tranh.
Còn những cô bạn gái đa số giữ việc tề gia, chồng con, nội trợ, rất hiếm thấy các bạn gái của tôi thành nhân đỗ đạt, có lẽ vì vậy má tôi vẫn thường hay bảo “Con gái Chánh Hưng sinh ra để làm vợ hiền, dâu thảo mà thôi”.
Người Chánh Hưng thuở đó hiền hòa, cục mịch, giận hờn không giấu giếm, thương ghét chẳng đậy che. Mắng chửi nhau hôm trước, hôm sau cúng giỗ đã thấy bánh rượu, trà mời. Cửa không khóa, sân không đóng, tin nhau như tin người thân ruột thịt, tiền của không nhiều nhưng tình nghĩa mênh mông.
Bên kia cầu Chữ Y là thế, một ốc đảo xanh màu, màu xanh của những dòng kênh, màu xanh của cỏ cây và màu xanh của lòng người hướng vọng tương lai. Vậy mà tôi đã bỏ mà đi, đi khi chưa làm được một điều gì ích lợi cho nơi đã nuôi nấng tôi thành người, khi nước kênh Đôi chưa cạn và những con đò vẫn tiếp tục ngày hai buổi nối Chánh Hưng với Chợ Lớn - Sài Gòn. 21 năm dài sống đời viễn xứ, đã bao lần tôi thở dài “chiều chiều ra đứng ngõ sau, trông về xóm cũ ruột đau chín chiều”.
Năm 1995 tôi đã một lần trở lại, Chánh Hưng ngày tôi về với bao “thương hải tang điền” nhưng ngôi nhà của cha ông vẫn còn đó và từ đấy đến nay tôi vẫn ước ao thêm một lần trở lại. Tin tức người thân từ VN gửi qua cho biết Chính phủ đã xây cầu Nguyễn Tri Phương nối hai bên bờ kênh Tàu Hủ như một thôi thúc tôi sớm trở về để thấy sự đổi thay trọng đại đó. Và hơn thế nữa, nếu quê hương là hình ảnh mẹ cha, thành phố Sài Gòn mang bóng dáng người tình thì Chánh Hưng thương nhớ là bạn tri kỷ với tôi mà trong chúng ta có mấy ai bỏ được người tri âm, phải không các bạn?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận