![]() |
Ảnh minh hoạ |
Việc ghi nhận lời góp ý của cô rằng nên kèm cặp thêm cho con ở nhà, vì như thế sẽ giúp con theo kịp các bạn (dù con và bạn mới đang học lớp chồi và vẫn còn một năm học... lớp lá!). Ở bên ngoài cổng trường, con đứng chờ mẹ để... giải thích "vấn đề" cô giáo vừa phàn nàn về con, còn mẹ thận trọng nghĩ xem nên nói với con những gì.
- Mẹ ơi, mẹ nói với cô rằng bàn tay con còn nhỏ nên chưa cầm viết tô màu đẹp được! - con xòe bàn tay chứng minh.
- Vậy sao các bạn làm được? - mẹ thắc mắc.
- Nhưng con biết nặn hình mà! - bé cố chứng tỏ mình không như cô nhận xét
- A, con nặn hình gì nào?
- Con nặn con rắn khổng lồ, nó to lắm! - bé dang hai cánh tay diễn tả.
Thì ra là con nặn hình con rắn (chỉ có con nghĩ nó là con rắn, mẹ nhìn nó không ra hình thù gì cả, huống hồ là cô giáo)
- Mà con có nói với cô đó là con rắn hay không? - mẹ bật cười.
- Con nói rồi, nhưng bị cô ta, cô bảo đó là... quả chuối!
- Lần sau, trong giờ học hay chơi con phải nghe theo sự chỉ dạy của cô thế mới là bé ngoan, con hiểu không?
- Dạ con hiểu rồi.
Dù nói thế, nhưng trong lòng mẹ thấy con thơ thật đáng thương. Một đứa trẻ 4 tuổi đã phải chịu sự xấu hổ khi nghe cô giáo phàn nàn về mình. Lứa tuổi hồn nhiên này chỉ có thể học mà chơi, chơi mà học. Thông qua trò chơi, các bé sẽ ghi nhận những sự vật xung quanh và kích thích trí tưởng tượng phong phú của trẻ.
Sự vụng về của trẻ nhỏ là một điều hết sức bình thường, đó không phải là lý do để cho rằng trẻ không theo kịp các bạn (có nghĩa là kém thông minh). Nếu bé cứ "bị" nghe nhận xét như thế trong trí óc non nớt, bé sẽ cảm thấy mình “quá tệ". Về lâu dài trẻ sinh ra mặc cảm và không tự tin vào chính mình khi lớn lên. Ngày mai mẹ sẽ gặp cô giáo, để thay bé tâm sự cùng cô.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận