Đây là một trong 12 dự án thua lỗ yếu kém ngành công thương vẫn chưa có phương án xử lý dứt điểm, do Công ty Đầu tư phát triển giao thông vận tải (TRACODI) làm chủ đầu tư ban đầu, nhưng sau đó gặp vướng mắc, thiếu hiệu quả nên đã được chuyển giao cho Tổng công ty Giấy Việt Nam (VINAPACO) làm chủ đầu tư theo nguyên tắc bàn giao nguyên trạng.
Vay nợ hơn 3.000 tỉ đồng
Tuy vậy, dự án tiếp tục gặp nhiều khó khăn và đã nhiều lần tháo gỡ, xây dựng phương án nhưng đến nay vẫn chưa được xử lý triệt để.
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ Online, dự án bột giấy Phương Nam được đánh giá không thể đưa vào vận hành, không có hiệu quả kinh tế và không khả thi do dây chuyền thiết bị không phù hợp với nguyên liệu đay, không có khả năng ra sản phẩm cuối cùng, cung cấp nguyên liệu không ổn định…
Trong khi đó, dự án gặp khó khăn về tài chính khiến cho VINAPACO đang bị mất cân đối tài chính nghiêm trọng. Thực tế, vốn chủ sở hữu của VINAPACO chỉ khoảng 1.400 tỉ đồng, nhưng nợ vay đã hơn 4.000 tỉ đồng.
Trong đó, số nợ phải trả của dự án bột giấy Phương Nam hơn 3.000 tỉ đồng nên công ty này không thể bố trí nguồn để trả nợ, dẫn đến khả năng âm vốn chủ sở hữu.
Các tài sản của dự án là tài sản thế chấp để vay vốn tại các ngân hàng, nên Nhà nước không thể xử lý tài sản này nếu không có sự đồng ý của các ngân hàng.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, việc xử lý dự án gặp vướng mắc từ hệ thống pháp luật. Cũng bởi, do gánh nặng nợ của dự án quá lớn với VINAPACO khi hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu là hơn 3 lần.
Trong khi đó giá trị dự kiến thu được từ việc xử lý thấp hơn nhiều so với số nợ phải trả, nên khi xử lý sẽ khiến VINAPACO âm vốn, không đúng với quy định về bảo toàn và gia tăng giá trị vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp.
Khó ước lượng giá trị thu được
Bởi các khoản nợ sau khi xử lý sẽ được ưu tiên thanh toán cho các ngân hàng, nên cũng sẽ vướng mắc khi thực hiện việc xử lý dự án phải ưu tiên trả cho các khoản nợ có nguồn gốc nhà nước.
Dẫn tới việc xử lý dự án này sẽ có nguy cơ khiến VINAPACO âm vốn chủ sở hữu, mất khả năng thanh toán, có thể phải tiến hành phá sản hoặc dừng hoạt động, trong khi doanh nghiệp này sở hữu lớn diện tích đất rừng và lao động.
Theo Bộ Công Thương, trong bối cảnh phương án xử lý cho dự án gặp bế tắc, không thể tiếp tục đầu tư hay thu hút các nhà đầu tư, thì việc xác định giá và ước lượng chính xác giá trị thu được khi xử lý cũng khó khăn.
Bởi dây chuyền sản xuất của dự án là sản phẩm duy nhất trên thế giới, lại không thể đưa vào hoạt động, nên không có sản phẩm tương tự để so sánh, đối chiếu khi tiến hành định giá cũng như không có căn cứ thực tiễn để xác định giá trị.
Đến nay gánh nặng tài chính là quá lớn, nên việc xử lý đều rất khó bảo toàn vốn nhà nước. Việc phá sản cũng khó thực hiện do pháp luật không cho phép phá sản với dự án đầu tư mà chỉ thực hiện với doanh nghiệp, nếu thực hiện có thể sẽ phải phá sản cả VINAPACO, song cũng khó có thể đảm bảo thu hồi bảo toàn được vốn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận