10/12/2015 03:43 GMT+7

“Bầy sói” quả cảm Wolfsburg

HUY ĐĂNG (huydang@tuoitre.com.vn)
HUY ĐĂNG (huydang@tuoitre.com.vn)

TT - Chiến thắng ngoạn mục 3-2 trước Manchester United (M.U) vào rạng sáng 9-12 (giờ VN) đã giúp đội bóng Đức Wolfsburg lần đầu tiên giành vé vào vòng 16 đội ở đấu trường danh giá nhất châu Âu.

Naldo (bìa trái) vui mừng cùng đồng đội sau khi ghi bàn cho Wolfsburg - Ảnh: Reuters
Naldo (bìa trái) vui mừng cùng đồng đội sau khi ghi bàn cho Wolfsburg - Ảnh: Reuters

Đây là thành tích hoàn toàn xứng đáng với những nỗ lực của “bầy sói” (biệt danh của Wolfsburg) trong suốt thời gian qua, mà biểu hiện rõ nhất là ở trận đấu rạng sáng 9-12.

Trái ngược hoàn toàn với nhận định trước trận của ông Van Gaal: “Wolfsburg sẽ không tấn công vì họ chỉ cần một trận hòa là đi tiếp” - Hãng tin Reuters dẫn lời, thầy trò HLV Dieter Hecking khiến đối thủ phải bất ngờ khi chủ động dâng cao chơi tấn công ngay từ đầu trận. Chính lối đá cởi mở này của Wolfsburg đã khiến họ dễ dàng thủng lưới ở phút 10 và cũng nhanh chóng tìm được bàn gỡ không lâu sau đó.

Khi đã có lợi thế, các cầu thủ Wolfsburg vẫn không thay đổi phong cách của mình dù chính M.U chứ không phải họ mới là đội cần chơi tấn công. M.U vùng lên thế nào thì Wolfsburg cũng “chiều” theo thế ấy. Cả trận, M.U có 4 cú sút trúng đích thì Wolfsburg cũng làm được điều tương tự. Các cầu thủ M.U chạy cả thảy 109,5km thì Wolfsburg còn nhiều hơn với 110km (theo thống kê của UEFA). Đó là một tinh thần thi đấu không khoan nhượng mang đúng hình ảnh “những chú sói” như biệt danh của họ.

Một trong những ví dụ cho tinh thần thi đấu tột cùng của Wolfsburg là hai bàn thắng của trung vệ Naldo (gỡ hòa 1-1 và ấn định tỉ số 3-2), người thường xuyên lên tham gia tấn công bất chấp thực tế đội bóng của anh cần phòng ngự hơn. Naldo năm nay 33 tuổi, tuy dày dạn kinh nghiệm nhưng cũng giống như phần lớn các đồng đội của anh, ít tên tuổi hơn hẳn những đối thủ ở M.U. Cụ thể, tổng giá trị đội hình của Wolfsburg chỉ có 135 triệu bảng Anh (theo trang web chuyển nhượng Transfermarkt), với người giá trị nhất Julian Draxler cũng chỉ là một cầu thủ 22 tuổi. Đội bóng này mùa hè vừa qua đã phải chia tay ngôi sao số một của mình là Kevin De Bruyne.

Bất chấp sự thua kém về nhân sự, ông Hecking vẫn chỉ đạo các học trò chơi không khoan nhượng trước M.U, đội bóng có giá trị đội hình gấp đôi (273 triệu bảng Anh). Tinh thần đó gợi nhớ đến Dortmund dưới thời HLV Jurgen Klopp, cũng là một đội bóng “sống mòn” với ngân sách eo hẹp nhưng luôn ngẩng cao đầu trước mọi đối thủ lớn. Dortmund mùa giải này vắng mặt ở Champions League sau một mùa giải bết bát năm ngoái nhưng những khán giả yêu chuộng sự dũng mãnh của người Đức có lẽ đã tìm được cho mình một đội bóng đáng xem khác.

Nhìn vào sự quả cảm của Wolfsburg, các CĐV M.U có lẽ lại càng thấy chạnh lòng cho đội nhà. M.U rạng sáng qua đã đá tấn công, nhưng chỉ bởi tình thế bắt buộc và các học trò của ông Van Gaal mau chóng lộ ra khuyết điểm khi rời khỏi lối chơi phòng ngự quen thuộc. Dễ hiểu khi các CĐV “quỷ đỏ” tỏ ra mất kiên nhẫn sau trận đấu và hàng loạt yêu cầu đòi sa thải ông Van Gaal xuất hiện dày đặc trên các trang diễn đàn của những hội CĐV M.U.

Theo đó, trên diễn đàn redcafe.net, 89% người đòi sa thải ông Van Gaal, trong đó có 28% là muốn sa thải ngay lập tức. Thăm dò của trang Dailystar.co.uk cũng cho thấy 87% độc giả đòi sa thải ông này.

Hàng loạt kỷ lục được lập

Dù không còn nhiều ý nghĩa nhưng lượt trận cuối bảng A vẫn chứng kiến những kỷ lục cá nhân đặc biệt của Cristiano Ronaldo (Real Madrid) và Zlatan Ibrahimovic (PSG).

Với Ronaldo, 4 bàn thắng ghi được trong chiến thắng 8-0 trước Malmo FF của Real Madrid giúp anh có được 11 bàn thắng sau giai đoạn vòng bảng, vượt qua kỷ lục cũ 9 bàn thắng do anh và Luiz Adriano nắm giữ. Còn bàn thắng ấn định chiến thắng 2-0 của Ibrahimovic trong trận PSG thắng Shakhtar Donetsk 2-0 cũng giúp tiền đạo người Thụy Điển trở thành chân sút số một của đội bóng Pháp ở đấu trường châu Âu với 17 bàn, nhiều hơn huyền thoại George Weah 1 bàn.

Cựu tuyển thủ Trần Minh Chiến bình luận:

M.U sa sút vì đánh mất bản sắc

Khi còn dẫn dắt Manchester United (M.U), HLV Alex Ferguson luôn chỉ đạo học trò tràn lên tấn công với lối đánh phủ đầu, dồn dập trên diện rộng để gây sức ép dữ dội về phía khung thành đối thủ. Sức ép luôn được gia tăng như vậy thì sớm hay muộn cũng khiến hàng thủ đối phương bộc lộ sơ hở.

Thế nhưng M.U dưới thời ông David Moyes thì lại chuyển sang lối chơi thiên về phòng ngự số đông, gây nên sự nhàm chán. Chính vì sự nhàm chán ấy đã khiến cho cầu thủ M.U dần đánh mất động lực, thiếu tự tin với chính mình. Sang đến thời HLV Van Gaal, lối chơi của M.U cũng không khởi sắc hơn là mấy.

Xem M.U đá, rất dễ nhận ra tư tưởng chủ đạo của HLV Van Gaal là sau mỗi đợt tấn công, ông luôn buộc cầu thủ lùi sâu về phần sân nhà để hỗ trợ hàng phòng thủ. Việc lùi quá sâu như vậy vô tình mở ra những khoảng trống giữa sân, tạo cơ hội cho đối phương phản công. Dù không “đè” được M.U, nhưng các đội bóng được đánh giá là dưới cơ vẫn đủ khả năng làm chao đảo khung thành M.U trước lúc đánh bại được đoàn quân áo đỏ.

Có người cho rằng thất bại trước Wolfsburg là do M.U mất nhiều trụ cột và các cầu thủ trẻ chưa đủ năng lực để chinh chiến ở Champions League. Điều này đúng nhưng không phải là nguyên nhân chính. Thất bại của M.U là hệ quả của cả một quá trình kéo dài, khi họ tự làm suy yếu chính mình vì đánh mất bản sắc vốn từng một thời giúp họ làm mưa làm gió ở Premier League cho đến Champions League. Bỏ sở trường để chuyển sang sở đoản thì thất bại là điều hiển nhiên...

S.H. ghi

HUY ĐĂNG (huydang@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên