20/09/2011 04:30 GMT+7

Bầu sữa "quỹ phụ huynh"!

LƯU TRANG - VĨNH HÀ
LƯU TRANG - VĨNH HÀ

TT - Rất nhiều kiểu và nhiều mục đóng góp được in công phu, phát đến tay từng phụ huynh theo dạng “lời ngỏ”, “phiếu xin ý kiến phụ huynh”, “đơn cam kết tự nguyện đóng góp”...

7yLZygXK.jpgPhóng to
Học sinh Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm, Q.4, TP.HCM. Năm học này, ban đại diện cha mẹ học sinh ở trường này đề nghị phụ huynh đóng thêm một số khoản - Ảnh: Minh Đức

Kỳ 1:Loạn phí trường tư

Phụ huynh một trường tiểu học ở Q.Gò Vấp, TP.HCM hết sức bất bình khi được đề nghị viết “cam kết tự nguyện đóng góp” nộp cho ban đại diện cha mẹ học sinh kèm số tiền 800.000 đồng để cải thiện cơ sở vật chất nhà trường. Đến khi phụ huynh phản ứng mạnh, nhà trường đành phải làm việc lại với ban đại diện cha mẹ học sinh để tạm hoãn việc thu tiền.

“Cam kết” tự nguyện

Một phụ huynh Trường tiểu học Nguyễn Thượng Hiền bức xúc: “Chúng tôi được thông báo mỗi phụ huynh đóng góp tùy khả năng và không bắt buộc để mua bộ trang thiết bị gần 35 triệu đồng. Tuy nhiên, ban đại diện lại chia bình quân từ 800.000-1 triệu đồng/phụ huynh khiến chúng tôi chới với. Chẳng lẽ một mình tôi không đóng thì con tôi sẽ đến lớp như thế nào!”.

Tại Q.4, TP.HCM, một phụ huynh lớp 2 Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm cho biết: “Nhà trường vừa phát phiếu lấy ý kiến phụ huynh, trong đó ban đại diện cha mẹ học sinh đề nghị chúng tôi hỗ trợ thêm kinh phí 80.000 đồng/tháng để học tiếng Anh với người nước ngoài, thêm 80.000 đồng để lắp bảng tương tác chương trình E-study và nhiều khoản khác. Phụ huynh không đồng ý thì ghi vào phiếu, nhưng hầu như ai cũng ngại khi phải ghi vào ô không đồng ý”.

Phụ huynh tên B., có con học lớp 4 Trường tiểu học Cầu Xáng (huyện Bình Chánh), cũng bức xúc: “Phụ huynh chúng tôi chỉ nghe thông báo thu mà không được giải thích hay hỏi ý kiến thu để làm việc này, việc kia có hợp lý không. Báo cáo thu chi của ban đại diện cha mẹ học sinh năm học vừa rồi khiến chúng tôi rất thất vọng vì có những khoản chi vô lý, không vì lợi ích của học sinh, nhưng năm nay chúng tôi tiếp tục phải đóng tiền”.

Thêm “tiền giữ cô”

Trong khi đó, tại Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, mặc dù là trường được đầu tư rất lớn nhưng theo nhiều phụ huynh, “tiền trường” vẫn nặng nề. Bên cạnh học phí và phụ phí, mỗi học sinh phải nộp 800.000 đồng. Còn quỹ phụ huynh của nhiều lớp thì thu khoảng 1-1,5 triệu đồng/học sinh. Có lớp thu tới 2,5 triệu đồng/học sinh. Một trong những khoản “dự kiến chi” của lớp này là việc chi tiền thưởng cho cán bộ, giáo viên vào các ngày lễ, tết.

Theo ông Nguyễn Vinh Hiển - thứ trưởng Bộ GD-ĐT, từ đầu năm học Bộ GD-ĐT đã đề nghị các tỉnh thành kiểm soát việc lạm thu tiền trường, trong đó nhấn mạnh đến các khoản không được thu bao gồm tiền hỗ trợ dạy và học, tiền thưởng cho giáo viên do phụ huynh đóng góp. Nhưng ở nhiều trường tại Hà Nội, trong các cuộc họp phụ huynh đầu năm đều vẫn bàn đến việc thu quỹ để thưởng cho cán bộ, giáo viên. Ở Trường tiểu học Trung Tự - Hà Nội, có lớp đã thu quỹ phụ huynh 500.000 đồng nhưng ban phụ huynh khi tính toán lại đã gợi ý việc phải thu thêm vì nếu không sẽ không đủ chi. Theo hội trưởng hội phụ huynh một lớp khối 4 trường này, “một năm có tới 5-6 dịp cần phải cảm ơn thầy cô giáo, ngoài ra còn rất nhiều việc phải chi tiêu nên với mức 500.000 đồng/học sinh không thể đủ”.

Chị T., phụ huynh có con học Trường tiểu học Nam Thành Công - Hà Nội, cho biết: “Dù chưa công bố các khoản thu nhưng ngay từ đầu năm học, hội trưởng hội phụ huynh lớp đã “thông báo trước” cho phụ huynh chuẩn bị nâng mức quỹ phụ huynh lên 1 triệu đồng/học sinh”. Theo chị, một trong những khoản chi phát sinh của lớp là “tiền giữ cô”. Vì không muốn cô giáo chủ nhiệm năm trước phải thuyên chuyển nên không chỉ lớp con chị T. mà một số lớp ở trường tiểu học này cũng phát sinh quỹ học sinh để “giữ cô giáo tốt”.

Đôi bên đều khó

Đại diện các trường đều khẳng định “mức thu do phụ huynh tự bàn thảo và tự nguyện”. Nhưng hầu hết việc “tự nguyện và thống nhất cao” đều chỉ mang tính thủ tục. Nhiều phụ huynh không đồng tình nhưng vẫn bị cuốn theo số đông. Thậm chí, tuy danh nghĩa là “phụ huynh bàn” nhưng ở nhiều cuộc họp với đại diện phụ huynh cả trường, nhiều lãnh đạo trường vẫn gợi ý việc thiếu cái này, cần cái kia. Và đại diện cha mẹ học sinh lớp ở vào thế “tiến thoái lưỡng nan”.

Trong khi đó, cô Trần Thị Lan - hiệu trưởng Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm, Q.4, TP.HCM - chia sẻ: “Mình thấy gì tốt cho trẻ thì phải làm liền vì giáo dục không thể chờ đợi. Ví dụ tấm bảng tương tác thông minh hỗ trợ học tập, đợi đến khi có điều kiện lắp hết cho tất cả các lớp thì chắc những em lớp 4, lớp 5 đã ra trường. Vì vậy hội phụ huynh đành huy động phụ huynh một số lớp có điều kiện lắp đặt cho các em”.

Một hiệu trưởng khác phân trần: “Theo quy định, mỗi năm một học sinh tiểu học phải đóng 20.000 đồng tiền cơ sở vật chất. Như vậy, một trường có 2.000 học sinh sẽ thu được 40 triệu đồng. Mức thu cho cơ sở vật chất này thật ra chẳng thấm vào đâu so với tình hình kinh tế hiện nay. Số tiền này chỉ đủ để quét vôi hay sơn mới phòng học. Còn hư một quạt trần, lắp thêm một bóng điện trường đều phải tự lo chứ không thể chờ xin kinh phí từ trên rót xuống. Vì vậy nhà trường trông vào sự giúp sức của hội phụ huynh và cũng là hình thức xã hội hóa giáo dục”.

Quá nhiều khoản thu trong quy định từ 20 năm nay như cơ sở vật chất, vệ sinh phí, học phí, phí bán trú... chỉ vài chục ngàn cho mỗi học sinh đã không còn phù hợp so với thời giá hiện nay. Nhà trường đành phải trông vào quỹ hội phụ huynh. Tuy nhiên, chính vì hoạt động thu chi thông qua quỹ phụ huynh không được kiểm soát, quy định chặt chẽ và công khai đã dẫn đến những biến tướng như lạm thu, thu những khoản không phù hợp, ép buộc học sinh phải đóng. Nếu các cấp quản lý không có chính sách cụ thể, phù hợp, tình trạng trên vẫn tiếp diễn. Người dân vẫn bấm bụng đóng các khoản tiền cho con đi học. Nhà trường vẫn bị kiện cáo, phản ứng mỗi đầu năm học mới.

Nhiều thứ trông vào quỹ phụ huynh

Quỹ phụ huynh lớp trước đây chỉ để sử dụng vào việc thăm hỏi thầy cô giáo, học sinh bị đau ốm, hỗ trợ học sinh nghèo, mua phần thưởng cho học sinh giỏi cuối học kỳ, cuối năm và có thể tổ chức liên hoan nhẹ cho học sinh vào dịp Trung thu, cuối học kỳ, cuối năm học... Nhưng hiện nay, rất nhiều thứ phải chi trông đợi vào quỹ phụ huynh, như trồng thêm cây xanh, mua thêm cái dù (che nắng), bổ sung quạt điện, rèm cửa, máy điều hòa. Các lớp cuối cấp còn lo mua quà tặng nhà trường. Mà phải là những món quà có giá trị sử dụng và theo gợi ý của nhà trường... Có trường tách riêng thành khoản tiền “xã hội hóa” để thu theo hình thức tự nguyện, nhưng để nhanh gọn và “hiệu quả”, nhiều trường gom hết vào quỹ phụ huynh.

LƯU TRANG - VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên