TT - Phát biểu trên tờ Marca, Michael Laudrup - huyền thoại bóng đá Đan Mạch - cho rằng Barcelona thời Messi sáng chói hơn Barcelona thời Johan Cruyff.
Thật khó để có lời kết làm hài lòng mọi người về nhận xét này, bởi không có gì khập khiễng bằng so sánh những ngôi sao bóng đá khác thời kỳ rằng ai giỏi hơn ai! Nhưng có một điều chắc chắn rằng Barcelona sẽ mãi mãi ghi ơn “thánh” Cruyff. Tại sao?
Johan Cruyff có năm năm khoác áo Barcelona (1973-1978). Năm 1988, ông trở lại CLB này với tư cách HLV và có tám năm ngồi ở ghế “thuyền trưởng” của Barca. Trong 13 năm phụng sự cho Barcelona, dù ở bất cứ cương vị nào ông Cruyff cũng mang lại cho Barca những thành tích rực rỡ. Nhưng quan trọng hơn cả, chiến thắng của Barcelona trước M.U vào rạng sáng chủ nhật rồi, một chiến thắng mà cả thế giới hâm mộ bóng đá đều phải ngả mũ trước thầy trò Pep Guardiola - đã mang đậm dấu ấn của Johan Cruyff.
Xưa nay thế giới bóng đá chia làm hai trường phái: 1- Kiểu Nam Mỹ đậm chất kỹ thuật nhưng mong manh. 2- Không đẹp nhưng mạnh mẽ và chính xác kiểu châu Âu. Trước Tây Ban Nha vô địch Euro 2008, World Cup 2010 và nay là Barcelona, người ta chưa thấy đội bóng nào hội tụ cả hai trường phái Nam Mỹ và châu Âu. Nhưng trong một con người thì đã thấy. Đó là Johan Cruyff, một người châu Âu có đôi chân ma thuật như cầu thủ Nam Mỹ!
Trong tám năm dẫn dắt Barcelona, Cruyff đã bắt tay vào thực hiện một đội bóng hội đủ hai yếu tố trên. Lối đá mà ông thổi hồn vào Barcelona ngày ấy là lối chơi chuyền bóng liên tục với tốc độ rất nhanh và bất ngờ để “bẻ lưng” đối phương. Mỗi khi mất bóng, từng nhóm ba cầu thủ lập tức bao vây đối thủ, với một người tham gia tranh cướp và hai người chực chờ bên ngoài. Muốn áp dụng lối đá này đòi hỏi các cầu thủ phải vừa có kỹ thuật thật cao, đồng thời phải có ý thức chiến thuật thật tốt.
Và lối đá này đã được nhà báo nổi tiếng của Tây Ban Nha Andres Montes đặt tên là Tiki Taca (mô phỏng từ tiếng tíc tắc của đồng hồ, giống như lối chơi chuyền bóng ngắn liên tục mà Cruyff yêu cầu). Nhưng cho dù đó là thời của Cruyff hay sau đó là Rijkaard cũng chưa bao giờ Tiki Taca được áp dụng một cách hoàn hảo như tuyển Tây Ban Nha năm 2008, 2010 và nay là Barcelona. Đơn giản bởi muốn làm gì đi nữa thì phải có con người. Bóng đá Tây Ban Nha trước đây chưa hội tụ đủ những nhân vật có tài năng lớn để áp dụng lối đá đó.
Nói đến chuyện con người cũng là nói đến công lao của Cruyff với Barcelona nói riêng và bóng đá Tây Ban Nha nói chung. Khi phần lớn ngôi sao hiện tại của bóng đá Tây Ban Nha như Xavi, Iniesta... và thậm chí cả Messi đều được đào tạo tại La Masia (tên gọi của trung tâm đào tạo cầu thủ trẻ Barcelona), mà nơi đây chỉ thật sự phát triển từ năm 1988 khi Cruyff đến làm HLV.
Hơn ai hết, chính Barcelona hiểu tầm quan trọng và công lao của Johan Cruyff nên năm 2010 người ta mới dành cho người Hà Lan này một vinh dự: chủ tịch danh dự của Barcelona. Những người hâm mộ bóng đá đẹp có lẽ cũng phải cảm ơn Cruyff vì ông đã đặt nền móng xây dựng nên một đội bóng tuyệt hảo, kết hợp hai trường phái Nam Mỹ - châu Âu cho thế giới thưởng lãm.
TRƯỜNG HUY
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận