![]() |
Barbara cùng chồng sắp cưới trên đường phố Sài Gòn |
Một năm nếm trải những cảm xúc, những niềm vui nỗi buồn chưa từng biết tới tại một đất nước xa lạ tưởng như chỉ là thêm sắc màu cho thời tuổi trẻ, ai ngờ đó lại là bước ngoặt của cả đời người.
Đi tìm những trải nghiệm mới
Năm 2004, sau gần hai năm làm trong ngành quảng cáo tại Úc, Barbara quyết định thực hiện một sự thay đổi trong đời. Vạch ra kế hoạch sẽ vừa làm, vừa đi du lịch nên cô tham gia một khóa đào tạo giáo viên dạy tiếng Anh. Khi nhận được lời mời đến dạy học tại TP.HCM, Barbara đã đón ngay lấy cơ hội. Cô đã mơ ước được đến Việt Nam từ lâu và cũng được sự động viên của người mẹ trước đây cũng đã từng đi du lịch rất nhiều.
Cô nói: “Trước khi đến Việt Nam, tôi không biết gì nhiều về đất nước này. Tất cả những gì tôi biết là các món ăn Việt Nam khá phổ biến ở Melbourne và từ một vài Việt kiều Úc. Nhưng thú thật, tất cả những thứ ấy đều rất “Úc” chứ không giống như những gì tôi có được ở Việt Nam”.
TP.HCM hiện ra trong mắt Barbara nhiều điều bỡ ngỡ nhưng cũng rất thú vị. Ngay khi vừa đặt chân đến sân bay, cảm nhận luồng không khí ấm nóng và những khuôn mặt người Việt Nam xung quanh, cô đã rất háo hức và cảm thấy cuộc đời của mình đang rẽ sang một ngả mới. Trước mắt cô là cả một kế hoạch xây dựng cuộc sống mới ở một đất nước xa lạ, cái gì cũng mới lạ, hấp dẫn. Yêu thích việc dạy học, đứng trên bục giảng, bắt gặp ánh mắt trong veo của các em học sinh, cô thấy mình bỗng trở nên quan trọng hơn. Các học trò cũng làm cô giáo trẻ ấy biết kiên nhẫn và sáng tạo hơn, nhưng quan trọng nhất là tự tin hơn.
Trong một chuyến dã ngoại của trường đến đảo khỉ Cần Giờ, những con khỉ tinh nghịch đã lấy hết nón của học trò của Barbara. Cô giáo trẻ đang lúng túng chưa biết làm gì thì bỗng một con khỉ nhảy vào lòng Barbara. Các em học sinh nhỏ lập tức kêu to: “The monkey kisses Miss Barbara!” (Con khỉ hôn cô Barbara!) bằng tiếng Anh thật chuẩn làm cô không nhịn được cười. Đấy là những kỷ niệm rất dễ thương về Việt Nam mà Barbara lúc nào cũng nâng niu, trân trọng.
Sau một năm sống và làm việc tại Việt Nam, cô tổng kết: “Tôi đã có một năm thật tuyệt vời: học thêm được một ngoại ngữ mới, biết chạy xe máy, biết cách ăn các món Việt Nam đúng kiểu và cũng biết đi hát karaoke, ngồi quán cà phê như bất kỳ người Sài Gòn nào. Tôi đã có một năm làm hết sức và chơi hết mình, có thêm nhiều mối quan hệ, tốt có xấu có nhưng có hề gì nếu trong số đó tôi đã tìm ra những người bạn mà tôi yêu mến không khác những người bạn từ thuở ấu thơ tại quê nhà. Quan trọng hơn cả là tôi đã được học nhiều bài học lớn về cuộc sống”.
Hợp đồng dạy học kết thúc, Barbara đón em gái Sarah từ Úc qua để cùng làm một cuộc “chinh phục” Đông Dương. Trong gần hai tháng, hai chị em đã đến thăm Đà Lạt, Buôn Mê Thuột, Nha Trang, Quy Nhơn, Kon Tum, Hội An, Huế, Hà Nội, Vịnh Hạ Long, Sapa, sau đó sang Lào và Campuchia. Chuyến đi đã cho Barbara thấy nhiều cảnh đẹp của Việt Nam, hiểu thêm về văn hóa, lịch sử, kinh tế, địa lý của đất nước và góp phần làm dồi dào thêm vốn tiếng Việt của cô.
Barbara nhớ kỹ từng kỷ niệm và phát âm rành rọt mỗi địa danh đã đi qua, kể cả những kỷ niệm buồn. Một lần dừng chân ở Nha Trang, cô tìm đến một tiệm ăn ở cách xa khu khách du lịch, nhưng bước vào quán mà không nhận được sự đón tiếp nào. Sau đó cô nói bằng tiếng Việt với người phục vụ để hỏi xin thực đơn và phải chờ mãi mới nhận được một thực đơn bằng tiếng Anh có nhiều lỗi đến mức cô không thể hiểu gì. Khi cô với tay lấy tấm thực đơn bằng tiếng Việt ở gần đó thì lại bị ngăn lại. Người phục vụ một mực gạt tấm thực đơn khỏi tay Barbara và nói “Cannot!” (Không được). Cô đã quyết định không ăn gì ở đó.
Barbara bày tỏ: “Những chuyện như vậy không làm tôi suy giảm tình yêu đối với đất nước này. Tôi nhận ra đó là điều tôi phải chấp nhận nếu muốn ở lại đây”. Barbara khám phá ra là dù ngôn ngữ khác biệt, văn hóa khác biệt, phong tục tập quán thói quen cũng không giống nhau, nhưng tất cả mọi người đều có thể dễ dàng hiểu một nụ cười.
Cô cho rằng cuộc sống ở Sài Gòn quanh quẩn bên các tiện nghi, công việc, tiệc tùng dễ làm cho người ta mắc kẹt vào một nhịp độ đều đặn và dễ có ảo tưởng là mình đã hiểu hết về Việt Nam, nhưng đi xa, tới các địa phương khác mới thấy đời sống ở đất nước này thật phong phú. Dù trên đường đi, hai chị em có những lúc thấy mệt mỏi, chán nản vì những chuyện không may, nhưng nghĩ lại Barbara thấy mừng vì mình đã không phải là… một chú ếch ngồi đáy giếng!
Và nỗi nhớ không ngờ…
Sau chuyến đi, Barbara trở về Úc với mong muốn quay lại học chương trình thạc sĩ và xây dựng sự nghiệp tại quê nhà. Đối với cô, một năm rong chơi ở Việt Nam thế là đủ. Nhưng trở lại Úc, cuộc sống công nghiệp với những vòng quay chóng mặt làm cô ngộp thở và nhớ Sài Gòn ghê gớm. Tự hỏi mình tại sao không nghe theo những điều trái tim mách bảo. Năm 2006, Barbara quay lại TP.HCM với một quyết tâm mới về công việc tại đây. Cô nhìn thấy sự phát triển nhanh chóng trong lĩnh vực truyền thông - quảng cáo và tìm được một công việc yêu thích.
Lần này, Barbara không chỉ đi có một mình… Sát cánh cùng Barbara là một anh Việt kiều Mỹ cũng quyết định trở lại Việt Nam để xây dựng tương lai cho cả hai người. Quen chàng Việt kiều từ khi đến Việt Nam lần trước, rồi tình yêu từ lúc nào cứ lặng lẽ đơm hoa kết trái giữa hai trái tim, Barbara hạnh phúc báo tin: “Đám cưới của chúng tôi sẽ được tổ chức vào cuối tháng 11 này”. Gia đình chú rể vẫn còn giữ nhiều truyền thống và phong tục Việt Nam. Cô dâu phương Tây tâm sự rằng không thấy có khó khăn gì để theo những truyền thống ấy.
Barbara chia những người nước ngoài sinh sống tại Việt Nam mà cô biết thành các nhóm: nhóm đến để làm kinh doanh hoặc làm giàu thực sự và coi công việc là cuộc sống của họ, nhóm đến đây để dạy học, đi du lịch và tận hưởng cuộc sống tiệc tùng, vui vẻ, và sau cùng là nhóm đến chỉ vì tình yêu. Cô cười rạng rỡ: “Tôi thuộc về nhóm cuối. Tôi đến Việt Nam làm việc, kết bạn, lấy chồng và ở lại đây vì tình yêu và duyên số của tôi với mảnh đất này”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận