Quá trình cổ phần hóa cảng Quy Nhơn có sai phạm, dù đã chuyển sang công ty cổ phần nhưng vẫn phải hoàn trả cổ phần đã giao dịch - Ảnh: NG.DŨNG
Trao đổi với Tuổi Trẻ, PGS.TS Võ Trí Hảo - trọng tài viên VIAC, trưởng khoa luật ĐH Kinh tế TP.HCM - cho rằng Nhà nước phải xử nghiêm cán bộ, công chức của mình, một số trường hợp phải bồi thường hậu quả cho dân, doanh nghiệp để "bảo hành" cho dịch vụ công của mình khi bị lỗi.
PGS.TS Võ Trí Hảo nói: "Theo nguyên tắc bảo vệ niềm tin công dân, việc thu hồi, hủy bỏ các quyết định chuyển nhượng, mua bán; hợp đồng kinh tế; sổ đỏ đã cấp... hay không thu hồi sổ đỏ cần phải đánh giá một cách rất thận trọng.
Nhưng quan trọng Nhà nước phải xử nghiêm cán bộ, công chức của mình, một số trường hợp phải bồi thường hậu quả cho dân, doanh nghiệp để "bảo hành" cho dịch vụ công của mình khi bị lỗi. Ngược lại, nếu khăng khăng không thu hồi, trật tự pháp luật và giá trị công sẽ bị ảnh hưởng; vô hình trung kích thích vi phạm ở quy mô lớn hơn".
Bảo vệ niềm tin nền công vụ
* Nguyên tắc bảo vệ niềm tin công dân nên hiểu thế nào, thưa ông?
- Một công dân được bảo vệ theo nguyên tắc bảo vệ niềm tin công dân khi công dân đó thực hiện hành vi vô tư khách quan, không gian lận, hối lộ và tưởng rằng đó là hành vi đúng pháp luật.
Nhà nước có nhiều cách để bảo vệ niềm tin công dân, với các tiêu chí, điều kiện, quy trình chặt chẽ. Ví dụ vụ Mường Thanh, việc Nhà nước nên thu hồi hoặc không thu hồi sổ hồng của dân cần được phân tích chi tiết.
* Tại sao vụ Mường Thanh không chọn cách không thu hồi sổ hồng của dân?
- Nếu một đất nước có kỷ luật công vụ cao, tình trạng tham nhũng thấp và công chức liêm chính, tôi ủng hộ ngay việc không thu hồi. Nhưng bối cảnh kỷ luật công chức, kỷ luật công vụ ở Việt Nam hiện đang có vấn đề, không thu hồi sẽ không quy rõ trách nhiệm công chức để xảy ra sai phạm.
Nếu lập tức công nhận giá trị pháp lý sổ hồng được cấp trái pháp luật, việc xử lý công chức sẽ bị bỏ qua hoặc chậm trễ, đi ngược lại mong muốn của công chúng. Bởi đa số người dân đều tin rằng nếu như không có những lợi ích nhất định trong dự án, các công chức liên quan đủ trình độ biết rằng đây là vi phạm pháp luật. Và nếu không có lợi ích liên quan, có lẽ họ không sẵn lòng đặt bút ký cấp sổ hồng cho một hồ sơ vi phạm.
Như vậy, bảo vệ niềm tin công dân cần hiểu rộng, không chỉ với từng người dân cụ thể trong các dự án Mường Thanh mà còn là niềm tin của công chúng đối với toàn bộ nền công vụ nói chung.
Hợp đồng bán khu đất 32ha (xã Phước Kiển, Nhà Bè) giữa Công ty Tân Thuận và Công ty Quốc Cường Gia Lai đã bị hủy bỏ - Ảnh: Q.Đ.
* Còn những vụ giao kết hợp đồng chuyển nhượng đất đai; mua bán cổ phần, tài sản... giữa doanh nghiệp và cơ quan nhà nước bị cơ quan công an khởi tố vụ án mới đây, áp dụng nguyên tắc bảo vệ niềm tin công dân như thế nào?
- Nguyên tắc bảo vệ niềm tin công dân không áp dụng đại trà mà có điều kiện. Cụ thể, nguyên tắc chỉ được áp dụng khi các bên vô tình và thực sự vô tư khách quan, không có dấu hiệu vụ lợi. Nếu chỉ cần có một chút vụ lợi, bất kể phía Nhà nước hay công dân, ngay lập tức sẽ không được hưởng quyền bảo vệ của nguyên tắc đó nữa.
Thêm vào đó, với những hợp đồng chuyển nhượng nhà đất; mua bán cổ phần công ty, tài sản... trong các vụ án vừa qua, một công ty khi ký sẽ có đội ngũ tư vấn pháp lý, không thể đơn giản khẳng định họ không biết chuyện mua bán sai phạm.
Mặt khác, công chúng nghi ngờ rằng những chủ thể liên quan không thực hiện hành vi một cách vô tư mà có dấu hiệu vụ lợi. Và thực tế có những trường hợp vụ lợi rõ ràng đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Giải quyết vụ việc quan trọng nhất là tạo sự răn đe để các vụ việc tương tự không lặp lại. Những vụ việc sai phạm, việc cơ quan chức năng cần áp dụng chế tài thu hồi, ít nhất là tạm thời để xử lý kỷ luật trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, cá nhân đã "thò" bút ký vào hồ sơ, quyết định, hợp đồng bất hợp pháp. Khi những cán bộ, công chức liên quan bị xử lý nghiêm và bắt buộc Nhà nước bồi thường thì cơ quan liên quan cũng như cán bộ, công chức sẽ thận trọng hơn trong xử lý hồ sơ trong tương lai.
PGS.TS Võ Trí Hảo
Khởi tố vụ án là cần thiết
* Người dân trong những vụ việc như Mường Thanh phải làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình?
- Người dân nên khởi kiện vụ án hành chính khi thấy quyền lợi bị ảnh hưởng. Từ đó, nếu thấy việc vi phạm không gây hậu quả nghiêm trọng, cơ quan nhà nước sau khi thu hồi sổ hồng thì yêu cầu các bên liên quan làm lại hồ sơ một cách đúng luật để xem xét cấp lại sổ cho dân.
Còn xét thấy vi phạm gây ra hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến cấu trúc dân cư, ảnh hưởng quy hoạch giao thông, PCCC thì kiên quyết thu hồi, đồng thời cơ quan nhà nước phải bồi thường cho dân bằng tiền theo Luật trách nhiệm bồi thường nhà nước.
* Còn những doanh nghiệp bị hủy quyết định, hủy hợp đồng chuyển nhượng, mua bán?
- Theo luật, nếu các doanh nghiệp thấy việc nhận chuyển nhượng nhà đất thực sự vô tư, đúng quy định thì có quyền khởi kiện vụ án dân sự để đòi quyền lợi.
Tuy nhiên, đối với những vụ việc này có thể thấy rằng việc khởi tố vụ án hình sự là rất cần thiết, chưa nhất thiết phải khởi tố bị can ngay. Bởi ở nhiều nước, một thẩm phán tòa dân sự có đủ quyền để thu thập chứng cứ làm rõ giao dịch đó vô tư khách quan hay có tư lợi.
Pháp luật của họ có quy định tội khinh tòa, nếu như thẩm phán gửi giấy triệu tập mà cá nhân được mời không đến hoặc đến mà khai không đúng sẽ phải đi tù. Bởi vậy họ không cần khởi tố vụ án hình sự mà vẫn tìm được sự thật khách quan.
Nhưng ở Việt Nam, thẩm phán dân sự có quyền năng thu thập chứng cứ trên thực tế hẹp hơn rất nhiều so với các nước nên chỉ khi khởi tố vụ án, áp dụng các biện pháp thu thập chứng cứ của tố tụng hình sự lúc đó chứng cứ, lời khai mới đầy đủ, góp phần cho việc xét xử vụ án dân sự khách quan, chính xác hơn.
Nếu không áp dụng tố tụng hình sự trước để thu thập chứng cứ thì việc xét xử vụ dân sự dựa trên những chứng minh hiện có sẽ không khách quan, không đúng sự thật. Và khi đó, bản án dân sự đó có thể hợp pháp nhưng không phản ánh đúng bản chất sự thật khách quan.
* Lâu nay có tình trạng nhiều doanh nghiệp, người dân đặt cơ quan nhà nước vào thế đã rồi và đẩy cơ quan nhà nước đến việc phải nới rộng quy định, bổ sung ngoại lệ để hợp thức hóa cho những sai phạm. Cách giải quyết này có đảm bảo nguyên tắc bảo vệ niềm tin công dân?
- Khi xử lý những vụ việc sai phạm liên quan đến các lĩnh vực quản lý tài sản công phải đặt trong những bối cảnh "rất Việt Nam". Thứ nhất, nghị quyết Đảng đã kết luận tình trạng tham nhũng vẫn ở mức cao, một bộ phận công chức không liêm chính và cần phải đấu tranh xử lý tiếp. Điều này có nghĩa tỉ lệ các giao dịch có khả năng không vô tư khách quan là cao; nếu hợp thức hóa nó, khả năng rất nhiều giao dịch vi bất chính sẽ được hợp thức hóa theo.
Thứ hai, nếu những hành vi sai phạm được hợp thức hóa vô hình trung sẽ bảo vệ và khuyến khích những hành vi vi phạm tiếp theo của toàn dân, trên toàn quốc.
Thứ ba, khi chấp nhận hợp thức hóa cho tồn tại sai phạm, những người liên quan được hưởng lợi rất nhiều.
Khi lợi ích đạt được lớn hơn rủi ro, hoặc mặc dù xử phạt nặng nhưng xác suất bị phát hiện xử lý thấp, thì họ sẽ làm tiếp. Chỉ khi lợi nhuận đạt được thấp hơn rủi ro và xác suất bị xử phạt lớn hơn xác suất không bị phát hiện, họ mới ngưng vi phạm và chuyển hướng sang kinh doanh lành mạnh, hành xử tử tế.
* GS.TS Nguyễn Thị Cành (giảng viên cao cấp Trường ĐH Kinh tế - luật, ĐH Quốc gia TP.HCM):
Phải khắc phục nhanh hậu quả
Tùy từng sai phạm trong việc ký kết những hợp đồng, quyết định chuyển nhượng, mua bán nhà đất, tài sản, cổ phần doanh nghiệp của Nhà nước trong các vụ án bị khởi tố, cơ quan chức năng quyết định hủy bỏ, thu hồi hoặc truy thu bổ sung nghĩa vụ tài chính.
Những sai phạm đều liên quan tài sản công nên việc nhanh chóng khắc phục hậu quả rất quan trọng, đảm bảo tài sản công không bị lãng phí. Muốn như vậy, cơ quan có thẩm quyền cần phải chỉ rõ vướng mắc trong quá trình xử lý sai phạm để cùng tháo gỡ.
Nếu doanh nghiệp, cá nhân cho rằng họ không sai và không hợp tác thì hướng dẫn họ kiện ra tòa. Nếu vướng mắc về quy định pháp luật, cơ quan chức năng phải nhanh chóng đề xuất điều chỉnh, bổ sung. Tránh trường hợp có sự cố tình tạo ra những khó khăn, vướng mắc tưởng tượng để kéo dài việc xử lý vi phạm.
* Luật sư Trần Công Ly Tao (Đoàn luật sư TP.HCM):
Hợp thức hóa sai phạm dẫn đến "lờn luật"
Việc cơ quan thẩm quyền mạnh tay thu hồi, hủy bỏ các quyết định, hợp đồng chuyển nhượng nhà đất; mua bán tài sản công... trong các vụ án liên quan đến sai phạm của cán bộ, doanh nghiệp, cá nhân là cần thiết. Động thái này thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật.
Lâu nay, chính sự nương nhẹ, hợp thức hóa những sai phạm đã tạo những khe hở để một số cán bộ, doanh nghiệp, người dân cố tình vi phạm, chịu một khoản phạt rồi hợp thức hóa phần sai phạm hưởng lợi. Không loại trừ trong đó có tham nhũng, cấu kết để trục lợi.
Những biện pháp xử lý nghiêm minh cũng là thông điệp để các cán bộ, doanh nghiệp và người dân cân nhắc khi có ý định thực hiện hành vi sai phạm, bởi rủi ro, thiệt hại của việc làm đó sẽ lớn hơn lợi ích họ nhận được.
T.L. ghi
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận