11/02/2005 09:32 GMT+7

Bảo tồn gen chọi

VŨ THANH BÌNH - DUY THÔNG
VŨ THANH BÌNH - DUY THÔNG

TT - Vừa nuôi gà vừa đá gà để… bảo tồn gà. Đó là nơi gìn giữ những nguồn gen gà chọi quí hiếm - một trại gà cực kỳ hấp dẫn và có một không hai ở miền Trung.

oFSWW26p.jpgPhóng to
Ảnh: Như Hùng
TT - Vừa nuôi gà vừa đá gà để… bảo tồn gà. Đó là nơi gìn giữ những nguồn gen gà chọi quí hiếm - một trại gà cực kỳ hấp dẫn và có một không hai ở miền Trung.

Giữ nguồn gen quí

Trại gà chọi của ông Lê Văn Đấu (Qui Nhơn) đã được Trung tâm Chăn nuôi thú y miền Trung chọn làm cơ sở thực nghiệm nghiên cứu từ năm 2000 đến nay với mục đích thăm dò năng suất tăng trưởng của gà chọi, nghiên cứu các tông gà phát triển như thế nào để bảo tồn những giống gà quí. Hiện giờ có khoảng 200 con gà mái, 15 con cồ (trống) trong cái trại gà rất đặc trưng ở miền Trung này.

Xưa nay thiên hạ đi chọn gà không phải cứ thấy gà đá được là mua ngay đâu, mà người ta còn phải xem tông xem giống nữa. Cái đó gọi là gen đá. Ừ thì có hai con đá có vẻ ngang nhau đó, nhưng con nào rõ nguồn gốc sẽ có giá gấp đôi con kia! 200 con mái của ông Đấu hiện thuộc hai tông chính: Bảy Quéo và ngân hàng.

Tông Bảy Quéo lừng danh từ thời Tây Sơn Nguyễn Huệ, là niềm tự hào vô song của người Bình Định. Còn tông ngân hàng ngày xưa vốn là một loại gà nổi tiếng đá ăn nhiều quá - “gửi tiền vô ngân hàng không xuể”. Sau này chết tên “ngân hàng” luôn.

Ông Đấu chỉ nuôi hai loại đó, sợ nhiều tông quá sẽ pha tạp mệt lắm. Mà với gà chọi tông mẹ phải giữ chuẩn, chỉ gà cồ là có thể lai. Những chú gà tơ Bảy Quéo đá hay giá có thể lên tới 3 triệu đồng/con. Năm nay trại đã bán được hơn 40 con cồ và “Bảy Quéo luôn đắt hơn ngân hàng vì nghe cái tên hay hơn, lại thuộc dòng gà Tây Sơn”- ông Đấu tiết lộ.

Nuôi gà chọi cũng lắm chiêu: cho ăn lúa, ăn xà lách, mắc màn cho ngủ khỏi muỗi... Và khi bồi dưỡng thì mua lươn sống, thịt bò... về. Lâu lâu lại làm một bình trà thật đậm vào buổi sáng, rồi dàn hàng 10 con gà - ra, vừa phơi nắng vừa phun nước trà cho da gà đỏ lên, nhằm tạo thêm vẻ dũng mãnh... Nay Nhà nước chi cho mỗi con gà mái của ông Đấu 28.000đ/con/năm, với gà cồ là 100.000đ.

“Tui bán mái hạn chế lắm, lai giống nhiều thì dễ hãm dòng, mang tiếng ra”- ông Đấu tâm sự. Trại gà được cách ly cẩn mật để tránh dịch, thậm chí gà thịt cũng không mang từ ngoài vào để tránh lây bệnh. Để giữ nguồn gen, trại luôn đảm bảo có đủ số lượng gà như trên, thừa ra mới đem bán.

Trường đá gà đúng điệu

Không chỉ nuôi gà, ông Đấu còn được Phòng Văn hóa - thông tin Qui Nhơn cấp phép mở trường đá gà hẳn hoi, nộp thuế đàng hoàng. Trong trại có hai trường gà với hai vi đá (vòng tròn nơi hai chú gà quần nhau). Cứ mỗi thứ bảy, chủ nhật là hàng xáo (người xem), chủ kê (chủ gà) kéo về.

YPjB8N8p.jpgPhóng to
Vẫn còn nhiều thanh thiếu niên thích xem chọi gà

Vui nhất là những hôm xuất hiện những thần kê (gà tuyệt chiêu) với những cú đá long trời lở đất. 1.000m2 đất trại trở nên quá nhỏ trong những ngày đó. Nhưng giá vé dăm ba ngàn vừa phải, tiền sân bãi 20.000đ/chú gà. Cá độ từ một đến vài chục chai bia. Người ta mang gà đến đây là để thi tài nghệ, nên thậm chí còn lấy băng keo bó cả cựa lại cho bớt sắc đi, chứ không phải như ở Sài Gòn có những tay máu mê còn bồi thêm dao sắc vào cựa cho con đối thủ nhanh chóng rơi đài.

Dân chơi gà đá đúng điệu thì nghèo đấy nhưng luôn chơi rất trung lưu, không theo kiểu mạt hạng. Ăn quịt, thủ đoạn thì đừng hòng lần sau. Trường gà này còn giúp cho gà của ông Đấu luôn có sự cọ xát, thi thố cần thiết để chúng luôn duy trì sự mạnh mẽ của một trại gà chọi thực thụ.

Mê chọi gà từ bé, ông Đấu cho rằng mình thật hạnh phúc vì đã được chứng kiến những trận tỉ thí mang màu sắc thượng võ thật sự, không bị u tối đi bởi bóng đen cá độ. Đó là những trận đấu không ngắn quá - chỉ chưa đến một hồ (20 phút) đã kết thúc vì một con bỏ chạy hoặc lăn ra chết - hoặc kéo dài tới 6-7 hồ (lúc này gà đã mệt, đá không còn hay nữa).

Những trận đấu kéo dài vừa phải sẽ mang đến cho hàng xáo lẫn chủ kê những bữa tiệc mãn nhãn. Nhất là với giống gà Tây Sơn - gà này có ý chí thi đấu mãnh liệt, đấu cho đến chết hoặc khi chủ cho hồ kết thúc chứ không bao giờ bỏ chạy trước đối thủ. Và khi một chú gà nào đó nổi hứng “sanh thế”- ra một thế mới mà ngay chủ kê cũng không biết, làm đòn hay đến mức đối thủ bỗng dưng thua ngược, thì thật là không còn hạnh phúc nào hơn.

Đá gà là một “văn hóa truyền thống nhưng mang tính phức tạp”- có người nói thế. Ông Lê Văn Đấu cũng thấy dè dặt, đến mức nay ông giao cho con trai là Lê Hoài Thanh chăm sóc trại gà mà nhất quyết không cho chơi đá gà. “Nhưng giờ tụi trẻ cũng ít chơi đá gà lắm, chúng nó mê đá banh, cá độ bóng đá hơn, chỉ có người lớn tuổi còn đeo đuổi thôi”.

Chơi gà đá không chỉ cần trình độ thưởng thức mà còn cần bản lĩnh để không chạy theo những ham muốn tầm thường. Ông Đấu đang sưu tập tài liệu để có thể lập nên một gia phả những họ gà đá nổi tiếng ở VN từ trước đến nay.

VŨ THANH BÌNH - DUY THÔNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên