05/11/2013 07:00 GMT+7

Bão lòng

 ĐINH THÙY HƯƠNG (Phú Thọ)
 ĐINH THÙY HƯƠNG (Phú Thọ)

AT - Gió. Mưa ràn rạt. Cây cối oằn mình trong ánh chớp nhoang nhoáng. Bão đã về. Mẹ thở dài. Bố cựa mình rồi trở dậy, ra góc nhà với cái áo mưa ông dặn với lại: “Tôi ra xem ruộng thế nào”.

Mẹ vục dậy: “Thôi ông à, mưa to thế này, nhỡ ra…”. Câu nói của mẹ lửng lơ giữa trời mưa bão. Tiếng bố gần như chìm hút trong tiếng mưa: “Tôi phải ra tháo nước không thì ruộng ngập mất”… Vừa dứt lời tiếng chân bố đã lẹp nhẹp ngoài sân. Cây ổi phía ngoài đập đập cánh tay gầy vào cửa sổ. Gió rít lên nghe kinh người. Trời lúc này, có lẽ như một cái túi nước khổng lồ bị bục. Nước trút xuống không ngừng nghỉ, không mệt mỏi.

Asult9Vm.jpgPhóng to
Minh họa: La Nguyễn Quốc Vinh

Tôi nghe ngoài đường loáng thoáng như có tiếng người gọi nhau. Sao mọi người lại kéo nhau ra đường giữa trời mưa bão như thế này? Mẹ ngóng ra. Tiếng ai đó thất thanh: Ngập hết cánh đồng Bưởi rồi! Mọi người chạy lũ trong mịt mù nước xối. Tôi với cái áo mưa quáng quàng chạy ra cổng, mẹ gọi giật lại nhưng vô ích, tôi đã phóng ra đường. Tôi phải ra tìm bố. Bố tôi ra cánh đồng Bưởi. Mưa gió bão bùng, người ta chạy đi còn bố tôi lại lao tới. Tôi phải đi tìm ông về. Nước xối ào ào, gió rít ầm ầm, trời sấm đùng đùng. Hệt như những bộ phim kinh dị tôi đã từng xem… Ai đó đã giật tôi lại. Ai đó nói những gì như quát. Và ai đó cứ lôi tôi xềnh xệch đi. Không ai được lên cánh đồng Bưởi, lũ đang đổ về cuồn cuộn. Tất cả đều phải sơ tán ngược đồi tránh lũ. Mờ sáng, nước từ cái túi bục của trời vẫn xối xả chảy. Ngập ruộng, ngập vườn rồi ngập lút những ngôi nhà. Bước chân chạy đâu cũng nhèm nhẹp trong nước. Nước dưới chân, nước trên đầu. Cả nước mắt ứa ra bất lực. Bố tôi không trở về đêm ấy. Mọi kiếm tìm đều rơi vào vô vọng. Nước mắt mấy mẹ con tôi chảy ra như nước lũ. Đôi vai gầy của mẹ cứ rung lên rồi chết lặng. Cơn bão đã xộc thẳng vào lòng mẹ quật một trận tơi bời. Mẹ không chồng từ đấy. Chúng tôi mồ côi cha từ đấy.

Nhà không đàn ông trăm bề cực khổ. Cái mái ngói lâu năm dột tứ tung không người dọi hộ, những ngày mưa mẹ con lại nép vào nhau. Tôi lớn nhưng là con gái. Thằng út lại quá nhỏ để có thể đảm nhiệm vai trò của đàn ông trong nhà… Tất tật trăm công đổ đầu mẹ. Đôi vai gầy mỏng manh xốc vác tất những việc nặng mà trước kia cha làm. Nỗi nhớ cha của tôi chảy ngược vào trong. Mọi tủi hờn của mẹ cũng vón cục, nghẹn đắng không còn thốt được nên lời. Bố mất nhưng mấy mẹ con tôi thì vẫn phải sống. Và với mẹ thì phải sống đúng, sống thẳng để cha nơi chín suối vui lòng. Từ đấy, cứ đến mùa bão lũ, nhà tôi làm giỗ cha. Đám giỗ lặng lẽ. Nấm mộ giả đắp lên cho đỡ tủi, lần nào cũng thắp hương lên, gió nghĩa địa cũng hun hút, hoang sơ… Và cứ mỗi năm, mùa bão, nghe tiếng gió rít, thấy cây cối oằn mình trong làn mưa mờ mịt là tôi lại một lần thêm đau. Tiếng cha ơi không còn thốt lên nổi đầu môi được nữa.

Mẹ là người tự trọng, nên sự vất vả đè nặng hơn một chút. Thà thế mà lòng mình thanh thản còn hơn. Cái quan trọng là mình luôn đứng vững được trên đôi chân mình các con ạ, chứ dựa dẫm quen rồi, khi mất đi chỗ dựa là ngã ngay… Tôi và Út thấm thía bài học của mẹ, bài học được rút ra từ sự mất tích đột ngột của cha. Quan trọng là vẫn phải giữ được thăng bằng mà sống thẳng. Tôi ngưỡng mộ mẹ điều ấy. Ý chí của mẹ thật phi thường.

Tôi vào đại học, ngược xuôi mẹ chạy đủ nghề. Cấy hái đồng trên. Bắt ốc mò cua suối dưới. Tới mùa gặt thuê, hết mùa phụ hồ… Tất tật những công việc chính đáng mà có tiền, mẹ đều lăn xả. Thỉnh thoảng về thăm nhà tôi cầm tay mẹ, bàn tay chai sần, xù xì mà lòng tôi cứ nghẹn lại. Mẹ thì cười: “Chị cứ cầm tấm bằng đại học về đây cho mẹ là mẹ hạnh phúc rồi”. Tôi vâng mà lòng đau đớn. Những ngày tôi nhàn tản trên giảng đường, mồ hôi mẹ không thôi rơi cả những ngày mùa đông rét buốt. Năm thứ hai tôi xin được việc làm thêm, dù mẹ không muốn, nhưng tôi nói giờ ra trường cần có kinh nghiệm mới dễ xin việc. Với lại cũng phải va chạm ở ngoài cho quen mẹ ạ… Nghe có lý, mẹ thôi không càu nhàu. Thực tế có thể khác nhưng tôi muốn mẹ không quá phải gồng lên nữa. Tôi muốn chung sức san sẻ gánh nặng trên đôi vai gầy. Mẹ còn nuôi thằng út nữa. Vả lại, sống trọn được phần mình đã là khó, nữa là mẹ còn phải gánh thêm phần cha để lại trên đời. Và thế nên dù đi làm thêm có thiếu ngủ, thời gian có thiếu trước hụt sau, tôi cũng thấy được an ủi mẹ phần nào.

Sang năm thứ ba, bạn bè tấp tới yêu đương gần hết. Tôi ngại ngần trong những mối quan hệ. Phần vì hoàn cảnh, phần vì thiếu một sự đồng cảm. Mẹ thì luôn dặn dò: Mẹ không cấm cản con điều gì. Nhưng con phải sống sao để mẹ có thể ngẩng cao đầu với mọi người. Nói thì dễ nhưng làm thì khó biết bao nhiêu. Tôi lại là cô gái, có lẽ cũng ưa nhìn nên nhiều anh chàng theo đuổi. Và cuối cùng thì họ bảo tôi kiêu. Có anh chàng thành phố bảo: Nhà quê mà chảnh. Ờ thì nhà quê cũng có cái giá của nhà quê chứ. Tôi khép trái tim mình trong sự đa nghi hết thảy. Bạn bè thân thiết thì nói tôi ngốc, cơ hội nhiều mà không chớp lấy, cứ lăn lưng làm thêm để làm gì? Chẳng biết nói sao, nói chung tất cả đều xuất phát từ quan điểm sống khác nhau thôi mà. Tôi chọn thế vì tôi thấy thoải mái. Còn biết bao người đủ đầy, đâu chắc đã có hạnh phúc?

Cuối năm thứ ba. Trái tim tôi bắt đầu lỗi nhịp. Anh chàng cùng chỗ làm. Cũng nhà quê giống như tôi. Tôi gọi anh là ngốc. Mà ngốc thật, ngốc kiểu dễ thương là lạ. Cũng bạn bạn - bè bè, cũng anh anh - em em, thêm đôi lần cà phê cà pháo, chuyện trò xôm tụ. Nhưng rồi tôi lặng lẽ chuyển chỗ làm. Trái tim nảy lên một nhịp đau khi chứng kiến anh xua một thằng bé đánh giầy, đang tái người vì đau bụng như xua tà ma ra khỏi cổng nhà trọ, để rồi may mắn thằng bé được một người xe ôm tốt bụng xốc lên xe đi viện. Chẳng nhẽ tình người ở anh hiếm hoi đến vậy? Tôi tặc lưỡi quay gót. Từ đấy không bao giờ tôi gặp anh chàng ngốc mà tôi từng thấy dễ thương nữa. Có thể đôi khi, người ta cố tình ngụy tạo một cái vỏ ngốc vì mục đích nào đó.

Ơn trời, chỗ làm mới của tôi tiện hơn, đi lại ít và công việc cũng không còn quá vất vả. Tôi có thời gian nhiều hơn để về với mẹ với út. Về với những bình yên máu mủ của lòng mình. Chuyến xe trở về bao giờ tôi cũng đi cùng Hoàng, thằng bạn thân cùng học thời cấp ba. Bô lô ba la đủ thứ chuyện. Và cuối cùng bao giờ cũng đọng lại ở chuyện nó tán con bé nào đó. Đứa thì nó kết vì xinh, đứa thì dễ nhìn, đứa thì nói chuyện duyên… nói chung nó là thằng dễ thích, đơn giản và xốc nổi. Mỗi một lần kể xong bao giờ nó cũng chun mũi: “Tóm lại yêu mấy em ấy, chỉ tán là thú vị chứ yêu vài hôm là chán òm”. Có lần tôi dọa: “Mày sẽ phải trả giá cho cái sự đa tình đấy”. Nó tít mắt cười, kiểu trẻ con và hồn nhiên quá đỗi. Nhưng dù thế tôi vẫn thân với nó. Trong cái xô bồ của cuộc sống sinh viên ở phố phường, nó vẫn là một đứa bạn trong sáng không bao giờ tính toán vụ lợi điều gì. Tôi quý điều ấy. Nhất là giữa chốn thị thành đầy cám dỗ. Cũng thế mà lần này khi tôi bảo: "Chả hiểu mẹ tao điện về làm gì, thấy giọng mẹ lạ lắm, tao thấy lo quá", nó bảo: "Vớ vẩn, chả có gì đâu, tao sẽ về cùng mày"… Và chuyến xe cuối ngày rời bến có nó ngồi bên tôi cũng thấy vững lòng.

Bốn năm chẳng có gì nhiều so với đời người. Bốn năm nỗi đau về cha đã tạm lắng, nhường cho nỗi lo toan về vật chất choán hết. Bốn năm, căn nhà của ba mẹ con tôi đã xập xệ, rêu phong. Bốn năm không chồng mẹ trăm bề khổ cực. Có nỗi buồn thành hình qua tiếng nấc mỗi đêm, nhưng cũng có nỗi buồn trong lòng mẹ không thể nào cất lên được. Tôi cũng thế. Nỗi đau đã tạm lắng thì giờ nó bật ngược trở ra khi tôi bước vào nhà, ba lô rơi phịch xuống nền đất ẩm. Cha ngồi đó. Lặng lờ. Ông nhìn tôi ngơ ngác. Tôi lao vào ông, tiếng cha nghẹn lại không thốt lên được. Nhưng như có một phản lực đẩy bật tôi ra, bên cha là một người phụ nữ lạ, bà nhìn xuống đất tránh cái nhìn của tôi. Một người đàn bà cũng tiều tụy, dáng khô gầy…

Cả họ xôn xao. Cả làng cũng nhao lên vì câu chuyện cha tôi đã trở về cùng người đàn bà lạ. Mẹ vốn dĩ kiên nghị là thế mà giờ nằm bẹp. Hỏi gì cũng lắc, nước mắt ứa ra lúc nào gối cũng ướt. Bốn năm cha đã mất trong tâm thức mẹ con tôi. Nhưng thực tế thì lại khác. Cha vẫn tồn tại, ông sảy chân trong cái đêm mưa lũ đùng đoàng. Trôi miết, trôi miết rồi được cứu, được cưu mang. Nhưng đáng thương thay trí nhớ ông bị xóa trắng hoàn toàn. Hỏi gì không nhớ, đến cái tên mình cũng lúc gật, lúc lắc. Sự cưu mang của người lạ tốt bụng cũng có giới hạn khi tình thương còn nhưng vật chất đã cạn kiệt. Họ để cha gá ghép với người đàn bà quá lứa cuối xóm. Hai người lửng lơ neo vào nhau tồn tại. Thời gian cũng lơ lửng trôi qua… Chỉ đến khi ký ức cha bỗng một ngày mở lách ra một khe nhỏ. Ông nhớ ra tên vợ mình, con mình, nhà mình. Rồi lại u u, mê mê. Và rồi ông ngoạn mục trở về. Ba mẹ con tôi đau thêm một lần nữa.

Thằng út hỏi: Bố có nhớ con không? Ông gật rồi lại lắc lắc ngơ ngác. Mái tóc đã bạc đi phủ mấy sợi lòa xòa trước trán trông đến thương. Trông cha tiều tụy quá. Mẹ nằm trong giường, đôi vai gầy rung lên theo tiếng nấc. Ký ức của cha đang dần trở lại. Nhưng lúc nhớ lúc quên, lúc tỉnh lúc lẩn. Chỉ có đôi mắt ông là u buồn không thay đổi. Nhìn đủ biết bốn năm qua, ông cũng chẳng sung sướng gì. Thằng Út ào ra nấm mộ giả, tay không đào từng nắm đất lên khóc ồ ồ. Tiếng khóc của thằng con trai mới lớn thật đau lòng. Hoàng xốc tôi lên: Mày cần phải bản lĩnh lên. Dù sao bố mày cũng đã trở về cơ mà? Tôi khóc òa. Đúng rồi bố tôi đã trở về.

Họp gia đình. Cô dì chú bác tụ lại đủ cả. Tôi cười cay đắng. Lúc mẹ con tôi gian nan nhất, chỉ có vài người lo lắng. Giờ nhà tôi oái oăm thế này lại nhiều người xúm vào thể hiện trách nhiệm. Mẹ ngồi như pho tượng. Bác cả trịnh trọng lắm, nhưng chưa ai kịp nói thì người đàn bà ngồi bên cha giơ tay:

- Em xin phép được nói…

Phía sau mọi người xì xào, xì xào nhưng bác cả giơ tay ngăn lại:

- Để cô ấy nói!

Người đàn bà đứng lên, vẻ mặt rất bình thản:

- Chắc nhiều người nghĩ em về đây cướp công, cướp của… Không, nghĩ thế thì em đã chả về. Anh Nam lúc khó khăn thì em giúp. Nói thật lúc đấy, anh ấy sống còn chả chắc, nói gì thiết tha lấy em làm vợ? Cũng là chẳng còn chỗ nào cho anh ấy trú chân nữa thôi… Mà thực ra anh sống với em trong thời gian đâu phải người tỉnh? Giờ anh ấy đã nhớ ra được chút ít, em nghĩ rằng đưa về sống với gia đình thì trí nhớ sẽ phục hồi tốt hơn… Còn người là quý. Anh Nam gặp nạn đã đáng thương rồi, mọi người có nên họp hành để trách móc, phán xử như thế này không?

Nước mắt bắt đầu rơi. Sao ai đó bảo bà ấy ghê gớm lắm mà, sao bảo là bà ấy lúc về đòi chia đất? Sao bảo là… Có thật là nên trông mặt để bắt hình dong? Người đàn bà trông vô cùng lam lũ, quê mùa ấy làm cuộc họp toàn những người quan trọng trong dòng họ tắc tịt. Mẹ tôi quỳ xuống chân người phụ nữ ấy nức nở.

Có cơn bão lòng ùa qua...

UZMErvMi.jpgPhóng to

Áo Trắng số 20 ra ngày 1/11/2013 hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

 ĐINH THÙY HƯƠNG (Phú Thọ)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên