11/06/2008 10:30 GMT+7

Bạo hành trẻ em, vì sao?

TRUNG CƯỜNG
TRUNG CƯỜNG

TT - Tại buổi tọa đàm "Bạo hành trẻ em - trách nhiệm thuộc về ai?" (báo Tuổi Trẻ tổ chức sáng 10-6), Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thị Thu Hà cùng đại diện Ủy ban Dân số - gia đình & trẻ em, Sở Lao động - thương binh & xã hội, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Quĩ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF), các chuyên viên tâm lý, luật sư... đã có nhiều ý kiến phân tích thực trạng trẻ em bị bạo hành.

CPRFWZ0g.jpgPhóng to
Bé Hồ Thị Bông bị bắt đi ăn xin suốt bốn năm, nếu bữa nào xin không đủ số tiền thì bị kẻ tự nhận mẹ nuôi hành hạ dã man, thậm chí có lúc đổ nước sôi lên người. Bé Bông được Công an P.19 (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) cứu ngày 30-11-2007 tại khu vực chợ Thị Nghè

Trách nhiệm của ai?

"Đây là câu hỏi dễ trả lời nhất và cũng khó trả lời nhất" - ông Hồ Tâm, phó chủ nhiệm Ủy ban Dân số - gia đình & trẻ em TP.HCM, nhìn nhận. Và nói như ông Lê Chu Giang, phó phòng xã hội Sở Lao động - thương binh & xã hội: "Trách nhiệm đó thuộc về chúng ta. Mỗi sở, ngành đều có trách nhiệm".

Tuy nhiên, chuyên viên tư vấn tâm lý Nguyễn Thị Tâm lại không đồng tình: "Nếu nói vậy thì trách nhiệm ấy như một quả banh. Ai muốn đá đi đâu thì đá. Tôi nghĩ trách nhiệm đầu tiên phải thuộc về cha mẹ. Khi sinh con ra đời, anh phải biết cách giáo dục và chuẩn bị hành trang cho con vào đời. Gia đình cũng là nơi trẻ sống nhiều nhất. Vì vậy, đa số vụ bạo hành trẻ em xảy ra từ gia đình". Cùng quan điểm với bà Tâm, nghệ sĩ ưu tú Kim Xuân cho rằng: "Không thể nói trách nhiệm một cách chung chung. Tôi cho rằng việc giáo dục ý thức công dân từ bé rất quan trọng. Không chỉ trong gia đình mà còn cả ở nhà trường".

S61KQrip.jpgPhóng to
Nạn nhân Nguyễn Thị Bình (Hà Nội) bị chủ quán phở hành hạ từ bé, kéo dài suốt nhiều năm liền mà chính quyền địa phương không biết

"Công tác quản lý địa bàn còn nhiều bất cập. Thậm chí, nhiều vụ bạo hành xảy ra trong một thời gian dài, lại ở gần UBND phường nhưng lãnh đạo phường không biết, dân ở gần đó biết cũng không lên tiếng. Trong nhiều vụ, chính quyền đi sau báo chí” - ông Nguyễn Văn Minh, phó Ban văn hóa xã hội HĐND TP.HCM, nêu thực trạng. Trong khi đó, Phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP Lê Hiếu Đằng nói: "Nguyên nhân chính là môi trường xã hội không lành mạnh. Nếu không giải quyết căn cơ thì nạn bạo hành trẻ em còn tiếp tục xảy ra".

Theo ông Đằng, "nền giáo dục của ta còn nặng về chính trị mà thiếu việc dạy làm người từ nhỏ. Hệ thống chính trị ở cơ sở không hiệu quả, bạo hành xảy ra không ai chịu trách nhiệm. Tôi nghĩ trách nhiệm cao nhất vẫn thuộc về Đảng và Nhà nước". Ông Trần Công Bình, cán bộ dự án bảo vệ trẻ em của UNICEF, có cùng quan điểm: "Chúng ta tự hào là nước đầu tiên của châu Á và thứ hai trên thế giới ký vào công ước quốc tế. Vì vậy nếu xét về chuẩn mực quốc tế, trách nhiệm đầu tiên thuộc về Nhà nước".

Có nên "thương cho roi cho vọt"?

Vấn đề chuyên viên tư vấn tâm lý Nguyễn Thị Tâm nêu ra khiến nhiều đại biểu tranh luận nhất: "Trong gia đình, cha mẹ nên đánh hay không đánh con?". Theo bà Tâm, thói quen giáo dục con kiểu "thương cho roi cho vọt" là nguyên nhân sâu xa của thói quen bạo hành. Việc giáo dục con cái bằng cách đánh đập khiến tâm hồn của trẻ bị tổn thương sâu sắc. Những đứa trẻ bị bạo hành từ nhỏ sẽ trở nên lì lợm và trở thành thủ phạm bạo hành người khác sau này.

Đồng quan điểm với bà Tâm, ông Nguyễn Văn Minh nói: "Phần đông người lớn nghĩ răn dạy trẻ con bằng việc đánh đập là chuyện bình thường nên nhiều người dân biết chuyện trẻ em bị hành hạ kéo dài vẫn không lên tiếng. Đơn cử như vụ bé Bình bị chủ quán phở hành hạ ngay giữa khu dân cư ở thành phố đến hơn chục năm mới có người lên tiếng".

Ra mắt Hội Bảo vệ quyền trẻ em VN

Sáng 10-6 tại Hà Nội, Hội Bảo vệ quyền trẻ em VN tổ chức đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất (nhiệm kỳ 2008-2012). Đây cũng là lễ ra mắt của Hội Bảo vệ quyền trẻ em VN. Trước đó ngày 8-4-2008, Bộ Nội vụ đã có quyết định cho phép thành lập hội dưới sự quản lý Nhà nước của Bộ Lao động - thương binh & xã hội.

Nhiệm vụ của hội nhằm góp phần ngăn chặn những hành vi vi phạm quyền trẻ em như hành hạ, ngược đãi, bỏ rơi, bóc lột sức lao động... Đại hội bầu bà Trần Thị Thanh Thanh - nguyên bộ trưởng chủ nhiệm Ủy ban Bảo vệ và chăm sóc trẻ em VN - làm chủ tịch hội. Hiện nay hội có 250 hội viên.

Dù vậy tại buổi tọa đàm, ông Hồ Tâm vẫn cho rằng: "Tôi e chúng ta Âu hóa trong việc giáo dục con cái. Tôi nghĩ việc giáo dục con theo cách "thương cho roi cho vọt" cũng là một cách không xấu. Miễn sao roi vọt ấy không gây tổn thương về thể xác và tinh thần cho trẻ”.

Giải pháp

Theo ông Trần Công Bình, để bảo vệ, ngăn chặn việc trẻ em bị lạm dụng, bóc lột và xâm hại, cần sớm hoàn chỉnh chiến lược quốc gia về bảo vệ trẻ em. Chiến lược này là "xương sống", là một hệ thống bảo vệ trẻ em thống nhất. Muốn phòng ngừa hành vi xâm hại trẻ cần củng cố mạng lưới chăm sóc trẻ em tại cơ sở, và qui trách nhiệm cao nhất là chính quyền địa phương. Đặc biệt phải nâng cao nhận thức, năng lực cộng đồng để người dân khi nghi vấn, phát hiện một vụ bạo hành biết cách nối kết với cơ quan chức năng nhanh nhất để giải quyết và hỗ trợ trẻ bị xâm hại.

"Công tác phòng chống nên nhắm đến các đối tượng có nguy cơ bị xâm hại" - ông Bình khuyến nghị. Bên cạnh đó, cần công nhận, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhóm tình nguyện, cơ sở trợ giúp, nuôi dưỡng trẻ em... hoạt động. "Khi trẻ em chưa được tôn trọng và lắng nghe thì trẻ vẫn còn bị xâm hại" - ông Bình nhấn mạnh.

Bà Nguyễn Thị Thu Hà cho biết trước thực trạng ngược đãi trẻ liên tiếp xảy ra với chiều hướng gia tăng, UBND TP đã triển khai chỉ thị 05 yêu cầu các sở - ngành có chương trình kế hoạch và các giải pháp cụ thể để bảo vệ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn nói chung và trẻ em bị xâm hại nói riêng. Chỉ thị này bước đầu triển khai xây dựng mạng lưới bảo vệ trẻ em dựa vào cộng đồng như tuyên truyền, giáo dục pháp luật và nâng cao nhận thức cho cha mẹ và cộng đồng trong việc bảo vệ trẻ em... Bà Hà còn nói trong thời gian tới sẽ nhanh chóng xác minh, kiến nghị xử lý kịp thời các vụ việc có liên quan tới các vụ xâm hại, ngược đãi trẻ.

Ông Lê Chu Giang cho biết phòng đang tiến hành điều tra khảo sát trẻ em lao động trong môi trường độc hại trên địa bàn thành phố để kiến nghị cơ quan chức năng xử lý các cơ sở vi phạm. Ở góc độ pháp lý, luật sư Lê Quang Y nhấn mạnh: cần có những hình phạt nặng hơn trong việc xử lý các hành vi vi phạm quyền trẻ em vì luật hiện nay chưa đủ sức răn đe. Ông Y nói trên mặt trận phòng ngừa, bảo vệ trẻ em cần phát huy vai trò của báo chí để tác động đến dư luận.

Các vụ trẻ bị bạo hành gần đây

1.200

Là số trẻ ở TP.HCM bị thương tích do bạo lực trong gia đình và xã hội phải nhập viện trong hai năm (từ 1-10-2005 đến 1-10-2007).

(Báo cáo của Ban chỉ đạo phòng chống tai nạn - thương tích trẻ em TP.HCM)

- Bé Đỗ Ngọc Bảo Trân, học sinh mẫu giáo, bị giáo viên dán băng keo vào miệng. Do bị ngạt quá lâu nên Trân đã rơi vào tình trạng hôn mê sâu, chết não và sau gần một tháng thì tử vong.

- Vì nghi ngờ học sinh Huỳnh Thị Ngọc Trâm (10 tuổi) lấy 47.800 đồng, hiệu trưởng Trường tiểu học An Hiệp 2, Châu Thành (Đồng Tháp) đã giao em cho Công an xã An Hiệp hỏi cung làm em hoảng loạn, không nói chuyện được.

- Em Nguyễn Thị Bình bị vợ chồng chủ quán phở trên đường Nguyễn Trãi, Q.Thanh Xuân, Hà Nội đánh đập hơn 10 năm.

- Em Hồ Thị Bông (9 tuổi), TP.HCM bị mẹ nuôi bắt đi ăn xin. Do không kiếm đủ số tiền như qui định, Bông bị bà mẹ này đổ nước sôi lên người làm phỏng nặng.

- Em Hồ Phi Hiền, học lớp 6 Trường THCS Trần Quang Diệu (xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn, Đắc Lắc), sau khi bị đưa lên công an xã để làm rõ một vụ mất trộm tiền đã uống thuốc diệt cỏ tự tử.

- Do bị nghi ngờ tham gia trong một trò chơi đánh nhau, bốn học sinh lớp 9 của Trường THCS Trần Phú (quận 10, TP.HCM) bị dân quân tự vệ phường 15 đánh đập.

TRUNG CƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên