Đến dự hội thảo có cán bộ của phòng pháp luật chính sách, Cục Báo chí, Bộ Thông tin - truyền thông, và trên 50 khách mời là phóng viên nhiều tờ báo trung ương và địa phương tại Hà Nội.
Bà Nguyễn Thúy Vân (giám đốc MEC) cho biết kỳ họp Quốc hội khai mạc ngày 22-10 tới đây dự kiến sẽ thảo luận, thông qua Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Dự thảo luật này có quy định: “Cơ quan báo chí, phóng viên đưa tin về hành vi tham nhũng có trách nhiệm cung cấp thông tin, tài liệu theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền để phục vụ cho việc xác minh, làm rõ hành vi tham nhũng”. Trong khi đó, theo Luật báo chí hiện hành “Báo chí có quyền và nghĩa vụ không tiết lộ tên người cung cấp thông tin nếu có hại cho người đó, trừ trường hợp có yêu cầu của viện trưởng VKSND hoặc chánh án TAND cấp tỉnh và tương đương trở lên cần thiết cho việc điều tra, xét xử tội phạm nghiêm trọng”.
Theo bà Vân, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội trong báo cáo thẩm tra dự thảo luật nêu trên đã có lưu ý đến quy định về vai trò và trách nhiệm của báo chí, theo hướng cần bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, tránh tùy tiện trong việc yêu cầu báo chí, phóng viên cung cấp thông tin về tham nhũng và phòng, chống tham nhũng.
Tại hội thảo, các đại biểu đều nhấn mạnh đến tầm quan trọng của nguồn tin trong hoạt động báo chí, nhất là lĩnh vực phòng, chống tham nhũng. Ông Nguyễn Đình Lộc, nguyên bộ trưởng Bộ Tư pháp, nói: “Nguồn tin là nguồn sống của báo chí”. Bên cạnh đó, bà Hà Kim Chi (trưởng ban kiểm tra, Hội Nhà báo VN) cho rằng bảo vệ nguồn tin không chỉ là vấn đề nóng bỏng đối với các nhà báo mà xã hội cũng rất quan tâm.
Theo nhà báo Bá Kiên (trưởng ban kinh tế báo Tiền Phong), nếu quy định như trong dự thảo luật thì “cơ quan có thẩm quyền” bao gồm một diện rất rộng, có thể được hiểu là công an, thanh tra cho đến UBND các cấp... đều có quyền đến cơ quan báo chí để yêu cầu cung cấp thông tin, tài liệu và trong hoạt động báo chí việc cung cấp thông tin, tài liệu cũng gần như tiết lộ nguồn tin. Điều đáng nói là trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng, nếu người tố cáo tham nhũng (nguồn tin) bị lộ danh tính thì rất dễ gặp nguy hiểm.
Tiếp cận từ góc độ bảo vệ nguồn tin chính là bảo vệ uy tín của cơ quan báo chí, nhà báo Nguyễn Ngọc Năm (VOV), người bị hành hung khi tác nghiệp trong vụ cưỡng chế giải phóng mặt bằng tại Văn Giang (Hưng Yên), cho rằng hiện nay hoạt động báo chí đã có Luật báo chí điều chỉnh, vì vậy dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) không nên ôm thêm quy định liên quan đến báo chí như nêu trên.
Kết thúc hội thảo, tất cả ý kiến đều cho rằng ban soạn thảo dự thảo luật nên xem xét cân nhắc lại quy định liên quan đến việc bảo vệ nguồn tin nói trên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận