27/01/2011 12:24 GMT+7

Bánh tráng Hòa Đa vào mùa tết

Bài & ảnh: NGÔ PHƯỚC TUẤN
Bài & ảnh: NGÔ PHƯỚC TUẤN

TTO - Bánh tráng Hòa Đa thuộc xã An Mỹ, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên từ lâu đã được người dân Phú Yên cũng như cả nước biết đến với chất lượng thơm ngon, dẻo dai và ngọt bùi.

Những ngày cận Tết Tân Mão, làng bánh tráng như nhộn nhịp hẳn lên. Những gian bếp nghi ngút khói, bên hiên nhà, hàng rào… tràn ngập màu trắng của bánh. Cả làng như rộn ràng trong mùa tết đến.

OlxhRW67.jpgPhóng to

Bánh tráng ngập mọi ngôi nhà thôn Hòa Đa

Đã nghe tiếng làng bánh tráng Hòa Đa, song những ngày vừa qua tôi mới có dịp ghé thăm làng bánh này. Từ TP Tuy Hòa, dong xe theo quốc lộ 1A chừng 4km về phía bắc sẽ thấy một cổng chào mang tên “xã An Mỹ”.

Trên con đường bêtông vào làng, hương vị của bánh tráng từ nếp gạo quê nhà như phảng phất khắp nẻo đường, góc hẻm của mọi gia đình trong thôn. Người tráng, người phơi, người đóng gói… khiến không khí tết thêm háo hức trong vòng xoay tất bật của làng nghề ăn theo mùa tết này.

Cứ mỗi mùa tết đến, người Phú Yên dù giàu hay nghèo đều luôn có bánh tráng bên mâm cỗ ông bà, bên những bữa cơm gia đình như một truyền thống văn hóa xưa nay. Chính vì vậy nhiều làng làm bánh tráng có từ lâu lắm rồi, người ta không nhớ là khi nào.

Cô Nguyễn Thị Sen (51 tuổi) từ nhỏ khi sinh ra đã biết làm bánh do bà ngoại truyền lại, đến nay có thâm niên hơn 30 năm nghề này và con cháu bà cũng điều biết làm bánh. Việc gắn bó với nghề từ bao đời nay khiến bà vẫn luôn trăn trở làm sao để hương vị bánh quê mình bay xa hơn ra ngoài cái khuôn viên “ao làng” như xưa.

Theo các bậc cao niên của trong làng, nguồn gốc bánh tráng ở Phú Yên có thể được xuất phát từ nhu cầu tìm món ăn có thể giữ lâu dài theo những lần di cư Nam tiến của người Việt.

pKlpmKzI.jpgPhóng to
Bên hiên nhà chị Trần Thị Bích tràn ngập sắc trắng của bánh tráng

Để chuẩn bị mùa tết năm nay, từ những ngày đầu tháng chạp người làm bánh Hòa Đa đã chuẩn bị nào là gạo, chất đốt, lòng xoay, bếp lửa… Chị Trần Thị Bích vừa tráng bánh trên bếp vừa khuấy thau bột gạo cho đều, nói: “Dù làm nghề này quanh năm nhưng cứ mỗi lần xuân về, tết đến thì mật độ sản xuất bánh được đẩy mạnh hơn với năng suất có thể gấp đôi để đáp ứng nhu cầu tết của thị trường”.

Anh Trần Văn Bính những ngày này sản xuất lên đến cả ngàn cái bánh. Do gặp trời mưa nhiều ngày nay nên lò sấy của anh hoạt động hết công suất, còn chiếc “máy tráng” vẫn để vậy do sợ sấy không kịp nên anh phải làm tay thủ công như mọi gia đình khác. Những em học sinh tranh thủ thời gian nghỉ học cũng giúp bố mẹ, ông bà phơi bánh, ép bánh và đóng gói bánh.

VIAaGiMH.jpgPhóng to
Bà Nguyễn Thị Sen với thâm niên làm bánh hơn 30 năm ngày ngày vẫn bên gian bếp tráng bánh của mình
VY20mbqb.jpgPhóng to
Vợ chồng anh Trần Văn Bính mỗi ngày cận tết thế này làm được 1.000 cái bánh tráng
NAGrRE4q.jpgPhóng to
Trẻ em nhỏ thường giúp bố mẹ đóng gói và ép bánh

Để cho ra đời một chiếc bánh tráng ngon thì khâu chọn gạo và ngâm gạo được xem là quan trọng nhất. Sau khi xay gạo và tráng bánh là giai đoạn phơi với thời gian chừng 30 phút, nếu trời mưa thì dùng máy sấy. Một chiếc bánh ngon là chiếc bánh dày vừa, nướng ăn thơm, nhúng nước không dính. Ngoài bánh nướng thì bánh tráng Hòa Đa còn hay dùng để ăn với thịt heo luộc cùng ít rau sống.

Bài & ảnh: NGÔ PHƯỚC TUẤN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên