Phóng to |
Kỹ thuật gói bánh tét cốm dẹp ngày Tết tốn khá nhiều công đoạn. Trước hết cần phải có nguyên liệu chính là cốm dẹp. Hằng năm khi sắp đến Tết Nguyên đán, từ tháng 10 đến tháng chạp âm lịch gió chướng thổi mạnh trên Đồng Tháp Mười báo hiệu đến mùa thu hoạch lúa nếp. Đây chính là thời điểm bà con Khmer bắt đầu làm cốm dẹp chuẩn bị Tết Nguyên đán.
Cốm dẹp là nếp ngon gặt sớm hơn một hai tuần. Sau khi đem về nhà, người Khmer cho lúa nếp non vào chảo rang trên lửa nhỏ. Họ dùng một đôi đũa tre to bản đảo các hạt nếp cho đều. Khi lúa nếp đã được rang chín, người ta bỏ vào cối đồng hoặc cối đá dùng chày "dọt" đều tay cho đến khi vỏ hạt nếp bong ra, xong cho vào nia sàng, sảy sạch vỏ trấu, cho ra cốm dẹp - nguyên liệu chủ yếu của bánh tét cốm dẹp - một loại đặc sản ngày Tết.
Cũng như các loại bánh tét Việt nói chung, bánh tét cốm dẹp cần có nhân để bánh càng thêm ngon. Cốm dẹp được ướp sơ với đường cát và nước dừa để chừng 15 phút cho thấm đều, mềm nếp. Đậu xanh đãi vỏ, nấu nhừ để nguội, sau đó tán nhuyễn trộn với đường để làm nhân bánh.
Khi gói bánh tét cốm dẹp, người Khmer sử dụng loại lá lùng gói lớp trong, lớp lá bên ngoài có thể dùng lá chuối để gói. Dây cột bánh bằng lạt tre tươi nên rất chắc chắn, khó bị tuột. Đòn bánh tét cốm dẹp không quá to cũng không quá nhỏ, vừa vặn cổ tay người lớn. Khi gói bánh xong, người ta cột bánh lại từng cặp.
Bánh được sắp theo chiều thẳng đứng vào một chiếc nồi đất nung. Sau đó đổ nước vào nồi ngập cây bánh. Đun lửa bằng những cây củi to để tạo nhiệt độ cao, liên tục suốt thời gian nấu (có nơi khi nước trong nồi đất sôi ùng ục người ta mới thả bánh vào), luôn giữ nước ngập cây bánh để bánh chín đều. Nấu liên tục 3-4 giờ là bánh chín, sau đó vớt ra và thả vào thùng nước lạnh nhằm rửa sạch bánh, đồng thời giúp bánh không bị sượng khi để lâu ngày. Rửa cây bánh nào xong người ta treo lên một cây sào bằng tre cho ráo nước.
Từ các nguyên liệu chế biến khá công phu của người Khmer, bánh tét cốm dẹp đã được nâng lên một bậc cao hơn về chất liệu so với các loại bánh tét cùng họ. Khi ăn, bánh tét cốm dẹp được cắt từng khoanh có thể thưởng thức hương vị bánh tỏa ra từ mùi nếp mới, từ chất ngọt, chất bùi của nhân đậu xanh... tất cả hòa quyện vào đầu lưỡi cho khách ẩm thực sự lạ lẫm. Ăn hết cây bánh mà vẫn chưa ngán, uống nước rồi mà vị thơm, ngọt vẫn còn đọng lại. Bánh tét cốm dẹp là món quà biếu chân quê cho những người xa xứ ăn để nhớ quê hương ngày Tết...
Áo TrắngXuân Canh Dần2010 hiện đã có mặt tại các sạp báo. Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận