07/04/2007 19:39 GMT+7

Bàn tròn văn học về Nhật Chiêu: Chạm tay vào là thấy mới

LAM ĐIỀN
LAM ĐIỀN

TTO - Nhà sư Thích Thanh Thắng mượn câu thơ của Trần Nhân Tông để ví von với cách viết văn của Nhật Chiêu: “Nhất hồi niêm xuất nhất hồi tân” – mỗi lần chạm tay vào là một lần mới tinh.

Và quả thật, chương trình Bàn tròn văn chương do Hội Nhà văn Việt Nam tại TP.HCM tổ chức vào sáng 7-4 đã rất sôi nổi vì cái sự “mới tinh” này trong văn của Nhật Chiêu.

Văn = trầm tích cuộc đời = mới

QXlk0DdH.jpgPhóng to
Nhà văn Nhật Chiêu (ngồi, thứ 2 từ trái) tại Bàn tròn văn học sáng 7-4. Ảnh: LĐiền
Chủ đề Bàn tròn văn chương được nhà thơ Inrasara cẩn thận nhắc đi nhắc lại là: “Nhật Chiêu – thử thay đổi cách nhìn vào thực tại” – tập trung vào tập sách vừa xuất bản là “Người ăn gió và Quả chuông bay đi”, nhưng những ý kiến của hơn 30 cử tọa đã đẩy vấn đề đi xa hơn rất nhiều. Tất nhiên, điều này trở nên rất thú vị đối với tác giả Nhật Chiêu – người ngay từ đầu đã tự nhận “tôi đến đây để nghe, càng nhiều ý kiến càng tốt”.

Inrasara khơi mào bằng cách đặt vấn đề về quan niệm “chơi” trong truyện của Nhật Chiêu, và quan niệm này được tác giả Nhật Chiêu minh định rằng: “quan niệm chơi của tôi trong sáng tác là bị ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ - trò chơi là sáng tạo, trò chơi là linh thánh, vũ trụ cũng đang chơi, và chơi chân thực với tận tình, tận tâm, tận lực… Chơi ở đây chỉ có nghĩa là chơi và không đối lập với nghĩa nào khác cả”.

Ngay lập tức, nhà thơ Vũ Trọng Quang đưa nhận định rằng đọc qua tập truyện ngắn của Nhật Chiêu, tôi thấy anh “ảo mà không thực”; đồng thời, nhạc sĩ Vũ Ngọc Giao cũng muốn tác giả Nhật Chiêu lý giải quan niệm “vô cầu và vô tâm” như lời ông nói gần đây trên các báo. Tuy nhiên, Nhật Chiêu từ chối trả lời và cho rằng mình đến đây chỉ để nghe. Inrasara với cương vị chủ trì cũng hướng mọi người không nên tập trung câu hỏi vào tác giả, để bàn tròn văn chương “đi vào tác phẩm cụ thể với những nhận định mang tính lý thuyết, lý luận, không phải cảm nhận, vì nếu cảm nhận thì chúng ta cứ ở nhà cảm nhận cũng được”.

yYCHuDZi.jpgPhóng to
Phương Thảo (đứng): "Diễn đàn văn học 9X đang rất hâm mộ Nhật Chiêu". Ảnh: LĐiền

Cách điều khiển của Inrasara khiến không khí bàn tròn nóng lên trông thấy. Dịch giả Nguyễn Tiến Văn giơ tay phát biểu và độp ngay rằng: “Truyện của Nhật Chiêu tôi thấy nếu xếp vào thế kỷ 21 cũng được, mà xếp vào truyện của thế kỷ 20, hoặc thế kỷ 19 trước đó nữa cũng vẫn được”. Còn về nội dung “chơi”, Nguyễn Tiến Văn chỉ ra rằng “trong truyện của Nhật Chiêu, cách nhìn về sạch, dơ, về nhân sinh… cũng rất thành kiến và nặng nề phân biệt chứ chẳng phải mộng ảo gì đâu”. Tiến Văn nói thêm rằng muốn thể hiện cái sự chơi như văn hóa Ấn Độ, “cũng phải tu luyện nhiều, vì không phải cái gì mình tự phát ra đều là chân cả đâu, phải qua quá trình công phu hàm dưỡng thực sự, còn không thì mình chỉ tự phát ra những thành kiến của xã hội mà bấy lâu nay mình huân tập được”.

Ngược lại ý kiến của Nguyễn Tiến Văn, nhà thơ Tôn Nữ Thu Thủy dành trọn sự tâm đắc của mình cho tập truyện của Nhật Chiêu. Theo chị, Nhật Chiêu tuy chỉ mới xuất hiện với 1 tập truyện ngắn, nhưng “truyện của Nhật Chiêu mới lạ cả về nội dung và hình thức. Nhật Chiêu có nội lực, và bản lĩnh vô ngại, tự tin để truyền tư tưởng của mình đến với người đọc. Những bứt phá, mới mẻ trong diễn đạt, kết cấu truyện và quan trọng là đổi mới trong cách nhìn để đưa ra nội dung mới – những nội dung được xem như trầm tích của cuộc đời, chỉ có thể có được đối với một người từng trải và đau đời không ít”. “Nếu nhớ lại thời Nguyễn Huy Thiệp xuất hiện trên văn đàn, Nguyễn Huy Thiệp cũng chỉ đổi mới về nội dung, chứ cách viết của Nguyễn Huy Thiệp thì vẫn cũ”, Thu Thủy nói thêm.

Tuy nhiên, không hào hứng như Tôn Nữ Thu Thủy, cô Kim Thanh – trường đại học Sư Phạm TP.HCM nêu nhận xét rằng “đọc truyện Nhật Chiêu thấy lạ, nó phảng phất 1 chút gì của Hoàng Tử Bé, một chút của Thơ Haiku… nhưng tôi thích nhất là đoạn đầu của truyện “Quả chuông bay đi”. Và ngay tại bàn tròn, cô Kim Thanh lật sách đọc đoạn văn trên như một sự chia sẻ của mình với số đông cử tọa.

Sự bất ngờ của 9X

Sau khi nhà thơ Vũ Trọng Quang cho rằng cách viết của Nhật Chiêu làm mệt độc giả, và nhà thơ Inrasara đưa nhận định “truyện của Nhật Chiêu – điển hình như Mưa mặt nạ - là thủ pháp giải trung tâm, một nghệ thuật hậu hiện đại trọn vẹn của văn chương đương đại Việt Nam”, dịch giả lão thành Khổng Đức cho rằng sự thực không phải như thế. Bởi “văn chương Việt Nam đang ở tầm mức thấp, văn của Nhật Chiêu cũng chỉ dùng ngôn ngữ hiện đại, có đôi chút sáng tạo và truyện Nhật Chiêu cũng phản ảnh đời sống thực tại thôi, không phải ảo”.

Nhà văn Bích Ngân có mặt tại bàn tròn cho rằng “thế giới truyện của Nhật Chiêu quả là khác lạ hơn nhiều so với thế giới tưởng tượng của nhà văn chúng tôi”. Nhưng cô bạn trẻ Lê Thị Gấm đã nói rất nhiều về văn của Nhật Chiêu theo quan điểm của thế hệ 8X, theo Gấm thì “nhà văn hiện nay viết về cái gì cũng không còn là mới đối với nhân loại nữa, vấn đề là anh viết như thế nào mới là mới. Chẳng hạn như đọc văn của Nhật Chiêu thì thấy khác với mọi người khác, cách nói mới, ngôn ngữ mới, và cũng không có gì là đại tự sự (như hậu hiện đại) cả, với truyện Người ăn gió, em cảm nhận được con người nên trở về với tự nhiên, hòa mình vào thiên nhiên, đọc văn Nhật Chiêu thấy nhẹ nhàng, thấy hy vọng chứ không như đọc văn của Nguyễn Huy Thiệp”.

Phát biểu gần cuối buổi của bàn tròn là một nữ sinh lớp 11 tự nhận mình đại diện cho thế hệ bạn đọc 9X đến dự cuộc trao đổi hôm nay. Phương Thảo – học sinh lớp 11 trường Phổ Thông Năng Khiếu – đã gây cho cử tọa một sự bất ngờ khi em phân tích khá sắc sảo những tác phẩm của Nhật Chiêu.

Phương Thảo dẫn chứng tinh thần đọc truyện hiện đại của giới trẻ 9X Việt Nam hôm nay thông qua diễn đàn vnfiction của Thảo và các bạn tự lập. “Trên diễn đàn 9X của chúng em, có một tác giả Việt Nam đang rất được hâm mộ là Nhật Chiêu. Nhưng em thấy văn Nhật Chiêu không dễ đọc, em đọc từng truyện của Nhật Chiêu khi vừa đăng trên các báo, và nhận thấy rằng sở dĩ mọi người nói nhiều đến truyện Người ăn gió là bởi vì nó dễ đọc nhất. Kỳ thực thì phải là truyện “Mưa mặt nạ” mới là tiêu biểu của Nhật Chiêu trong tập này”. Có ý kiến cho rằng Nhật Chiêu viết về dục tính giống Haruki Murakami, nhưng Phương Thảo phản bác: "Murakami viết về dục tính với ngòi bút ích kỷ, còn Nhật Chiêu thì không như vậy, so sánh Nhật Chiêu giống Murakami là sai”.

Bởi có quá nhiêu cái mới lạ trong văn chương Nhật Chiêu, nên các cử tọa lại quay sang bàn về tính ảo và thực, hậu hiện đại hay không phải hậu hiện đại trong văn chương ông. Điều này khiến nhà sư Thích Thanh Thắng phải lưu ý rằng: “Nhật Chiêu đã tự nhận xét văn mình là “ảo thực tương duyên”, nếu ta chú ý chữ “tương duyên” thì sẽ không phải bàn cãi về ảo hay không ảo nữa….”.

Tuy vậy, Inrasara cho rằng việc phát biểu của tác giả vốn không liên quan gì đến tác phẩm. Khi tác phẩm ra đời, cái quan trọng là ý kiến của những người đọc nó chứ không phải từ người viết ra nó. Và như vậy, bàn tròn khép lại trong dư vị thòm thèm và chờ xem Nhật Chiêu sẽ viết tiếp những gì sau nữa!

LAM ĐIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên