25/10/2011 11:51 GMT+7

Bản tình ca cuộc sống

 TRẦN TRÀ MY
 TRẦN TRÀ MY

AT - Bảy giờ sáng, khi cánh cửa sắt của ngôi biệt thự mở ra thì cũng là lúc một ngày làm việc mới của tôi bắt đầu. Lần nào cũng vậy, tôi luôn thận trọng đặt những bước chân nhẹ nhàng nhất vì sợ phá vỡ bầu không khí của buổi sáng tinh khôi trong ngôi nhà sang trọng này.

Vẫn là câu hỏi bằng giọng run run của bà cụ nằm trong phòng như một lời chào dành cho tôi mỗi khi bước vào nhà:

MfmVrnvK.jpgPhóng to
Minh họa: NGUYỄN THANH

- Đến rồi hả con?

- Dạ con chào bà ạ! Bà ơi, hôm nay bà thấy trong người thế nào? - Tôi vừa nói chuyện vừa đeo khẩu trang, găng tay để bắt đầu công việc của một điều dưỡng viên đến rửa vết thương và tập vật lý trị liệu cho bà cụ. Nhẹ nhàng đưa người bà cụ sang một bên, tôi bắt đầu rửa những vết thương sau lưng, chúng như những cái hố nhỏ đang lan dần ra và lở loét do viêm nhiễm vì nằm lâu ngày.

- Bà nằm yên và chịu khó đau một tí nhé. Vết thương sắp lành rồi bà ạ. Con chỉ cần rửa sạch sẽ là ít hôm nữa bà ngồi dậy đi lại được rồi.

Tôi nói bằng giọng bình thản nhất có thể để an ủi bà chứ thật ra khi vết thương cũ chưa kịp lành thì vết thương mới lại xuất hiện. Vẫn bằng giọng nói run run và cố nén nỗi đau, bà trò chuyện cùng tôi:

- Sống mà làm khổ con cháu vậy chắc bà chết còn hơn, con ạ!

- Ơ kìa, sao bà lại nói vậy? Con cháu lúc nào cũng thương và mong bà trường thọ mà. Nào, bà chịu khó nằm yên một chút để con cho thuốc kháng sinh nha.

Bà cụ cố gắng nằm yên một hồi rồi buông ra một hơi thở dài, nói tiếp những đoạn đứt quãng:

- Nằm một chỗ mới biết hết giá trị của mình trong mắt con cái là như thế nào. Buồn lắm con ạ.

Bỗng dưng tôi khựng người lại trong tích tắc, bàn tay run lên và không thể nào đưa tiếp miếng bông tiệt trùng vào lau vết thương được. Tôi chợt nhớ đến cảm giác lần đầu tiên đến chăm sóc vết thương và tập vật lý trị liệu cho bà cụ, sau khi công ty vừa ký xong hợp đồng. Trước khi đến đây, sếp đã dặn tôi: “Đây là một khách hàng VIP*. Họ cực kỳ giàu có và có con làm bác sĩ ở nước ngoài hẳn hoi. Anh giao ca này cho em vì tin vào thái độ cũng như cách làm việc tận tâm với người bệnh của em”.

Chỉ vì chữ “Tin” của sếp đặt lên vai tôi mà ngay từ sáng đầu tiên đến chăm sóc bà cụ, tôi đã bị đối xử như một người giúp việc. Khi vừa đến nhà, họ bắt tôi… xuống bếp nấu cháo, gọt trái cây cho bà cụ, vì người giúp việc đang nghỉ phép. Trong khi đó, trong phòng bà cụ người ta đã thuê hẳn một cô điều dưỡng người nước ngoài. Tôi ngỡ ngàng đến mức định gọi điện ngay về công ty để hỏi xem có phải đã cho địa chỉ khách hàng nhầm không.

Thế nhưng khi thấy người con trai trưởng đứng bên cạnh bà cụ, một Việt kiều có bề ngoài giàu có phong độ, thì tôi mơ hồ hiểu ra vấn đề và cố làm cho hết nhiệm vụ khách hàng yêu cầu, dù đây không phải công việc dành cho một người điều dưỡng khi đến nhà khách hàng.

Tuy nhiên một tuần sau, mọi thứ được hoán đổi khi người con cả của bà về Mỹ lại. Lập tức người con thứ không thuê người điều dưỡng nước ngoài ấy đến chăm sóc bà cụ nữa. Toàn bộ số tiền người anh cả để lại để lo chăm sóc cho mẹ đã được vợ của người em quản lý và chi xài rất hạn chế. Vợ chồng con cái anh ta ở các phòng riêng và đi làm đi học suốt ngày, bỏ mặc việc chăm sóc bà cụ cho tôi và một con bé giúp việc. Chưa bao giờ tôi thấy hai đứa cháu nội bước vào phòng bà.

Công việc của tôi hàng ngày đến rửa vết thương và tập vật lý trị liệu chỉ gói gọn trong vòng một tiếng đồng hồ, nhưng tôi luôn nấn ná để trò chuyện thêm một chút cho bà cụ đỡ buồn, vì tâm lý người già luôn thích được có người trò chuyện. Sự cô quạnh của bà cụ làm tôi không ít lần rơi nước mắt. Bà hay nhờ tôi đưa bà ngồi dậy dựa vào cửa sổ cạnh giường. Từ đó nhìn ra sẽ thấy một ngôi nhà tôn lụp xụp và ẩm thấp. Bà cụ thường nói với tôi: - Nếu giờ đổi ngôi biệt thự sang trọng này để ở ngôi nhà lụp xụp kia bà cũng sẵn sàng.

Tôi ngạc nhiên hỏi lý do thì bà bảo tôi cứ lại gần cửa sổ mà quan sát. Y lời bà, tôi dán mắt vào cửa sổ để nhìn sang nhà bên cạnh. Khung cảnh chẳng có gì ngoài hình ảnh một anh con trai đầu trọc lóc, mặc một chiếc áo thun rách đang dìu mẹ mình từ trên giường xuống chiếc xe lăn. Gương mặt anh đầy vẻ cố gắng, thận trọng, với đôi mắt ánh lên tình thương yêu nồng ấm.

- Hình như anh con trai đang chuẩn bị đưa mẹ mình đi đâu đó, bà ạ - Tôi nói mà mắt vẫn không ngừng quan sát.

Bà cụ nói với đôi mắt nhìn xa xăm:

- Nó lại đẩy mẹ nó lên chùa xin ăn đó. Tội nghiệp, dù không có trí tuệ như người ta nhưng bù lại nó cực kỳ hiếu thảo với cha mẹ bằng trái tim chứ không phải bằng khối óc. Đúng là cuộc sống như một bản nhạc với đủ mọi nốt nhạc trầm bổng, chưa chắc ta và người đàn bà kia ai đã hạnh phúc hơn ai, con ạ!

Tôi thầm nghĩ đúng là mỗi con người chẳng khác nào một nốt nhạc có người may mắn được làm một nốt bổng bay cao, thì cũng có người bất hạnh làm một nốt trầm đến mức không ai nhận ra sự tồn tại của họ. Nhưng dù sao, họ vẫn là một phần không thể thiếu để tạo nên một ca khúc nhiều cung bậc bất tận cho cuộc đời này!

Xin phép bà cụ tôi ra về dù trong lòng không muốn bỏ cụ thui thủi một mình, trong khi con bé giúp việc vẫn đang dán mắt vào tivi bên phòng khách. Giữa muôn trùng của cuộc sống nhộn nhịp, tôi lại tiếp tục đến nhà khách hàng khác để chăm sóc.

… Và bản tình ca cuộc sống vẫn cứ tiếp diễn!

(Sài Gòn, ngày 22-3-2011)

Giới thiệu cây bút trẻ TRẦN TRÀ MY

* Sinh ngày 28-6-1986 tại Đông Hà, Quảng Trị.

* Có mặt trong bộ ảnh 90 gương mặt người khuyết tật tiêu biểu Việt Nam Họ đã sống như thế của nhiếp ảnh gia Nguyễn Á.

* Hiện đang cộng tác với: Áo Trắng, Văn Nghệ Trẻ, Tuổi Trẻ, Văn Nghệ Quân Đội, Tiếp Thị & Gia Đình, Giáo Dục TP, Doanh Nhân cuối tuần, Phụ Nữ VN, New Life Style…

* Sách đã in: Tuyển tập truyện ngắn Giấc mơ đôi chân thiên thần (NXB Lao Động, 2009), tuyển tập những bài văn ngắn Chúng ta chính là mùa xuân (NXB Dân Trí, 2010).

* Nơi ở hiện tại: (HELP Corporation) B01-02 Tòa nhà Hoàng Anh Gia Lai, 357 Lê Văn Lương, phường Tân Quy, Q.7, TP.HCM.

* Mobile: 0935261570 l Email: giacmodoichanthienthan@gmail.com;

* Tự bạch: “Có những buổi chiều hai chị em tôi chạy xe máy quanh thành phố, tới bắt chuyện với những người bán rong như bắp xào, phá lấu, gỏi khô bò… và cũng có khi cùng ngồi một góc giữa cà phê bệt đối diện Nhà thờ Đức Bà quan sát cuộc sống, để tâm hồn mình thêm lắng đọng và nghe được nhiều hơn hơi thở cuộc sống nhộn nhịp…

Khi viết gần xong 9 truyện ngắn, tôi mới giật mình nhớ ra năm 2011 là đúng 9 năm tôi tập tành viết lách. Phải chăng đây là một sự trùng hợp ngẫu nhiên hay là sự cố ý sắp đặt của số phận?”

tDXnezYY.jpgPhóng to
RhNOlYxj.jpgPhóng to

Áo Trắng số 19(số 105 bộ mới) ra ngày 15/10/2011 hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

 TRẦN TRÀ MY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên