03/03/2012 10:31 GMT+7

Bàn tay mẹ

PHẠM THỊ MẬN (nguồn: http://www.netbuttrian.vn/)
PHẠM THỊ MẬN (nguồn: http://www.netbuttrian.vn/)

TTO - Vậy là nó đã làm mẹ được đúng một tuần. Ngắm nhìn con yêu hai má phúng phính, nằm ngủ ngon lành bên cạnh, nó thấy hạnh phúc thật nhiều. Nó cầm bàn tay nhỏ bé, non nớt của con áp sát vào má mình và hôn thật nhẹ vì sợ con yêu tỉnh giấc.

Bàn tay mẹ

TTO - Vậy là nó đã làm mẹ được đúng một tuần. Ngắm nhìn con yêu hai má phúng phính, nằm ngủ ngon lành bên cạnh, nó thấy hạnh phúc thật nhiều. Nó cầm bàn tay nhỏ bé, non nớt của con áp sát vào má mình và hôn thật nhẹ vì sợ con yêu tỉnh giấc.

Nó biết mình sẽ phải cố gắng thật nhiều cho con, như ngày xưa mẹ đã tần tảo một đời để lo cho chị em nó. Nhìn xuống bếp, nó thấy mẹ vẫn đang tất bật với nồi cháo móng giò hạt sen, với chậu quần áo, tã lót của nó và con trai. Cả đời vất vả vì con, đến khi con lớn con đi lấy chồng rồi sinh con, mẹ lại phải lo toan cho cháu.

Các cụ nói rồi: “Có sinh con mới biết lòng cha mẹ”. Con chỉ cần ọ ẹ, chỉ cần khóc một chút thôi là nó đã thấp thỏm, không hiểu con có chuyện gì. Con ngó ngoạy, khó chịu là sợ con bị ngứa hay bị đau ở đâu? Mặc cái áo cho con cũng lo không hiểu áo ấy có dày quá làm con nóng… Nó lo cho con một thì mẹ lại lo cho nó hơn thế rất nhiều. Cả đời mẹ là bao nhiêu lo toan.

Mẹ kể ngày xưa nhà ngoại nghèo lắm, chẳng bao giờ đủ ăn. Mẹ và các dì toàn phải ăn sắn, ăn ngô thay cơm. Ngày ấy đất nước còn chiến tranh, trẻ con đi học còn phải đội mũ rơm tránh đạn. Ông bà bận không có thời gian bện mũ rơm cho các con nên mỗi lần đi học về, mẹ và các dì lại ngồi cạnh đống rơm tuốt rơm bện mũ cho mấy chị em. Có lúc rơm cứa vào tay chảy máu.

Mỗi khi Mỹ đánh bom, mẹ lại kéo các dì xuống hàm trú ẩn. Nhà đông con, lại là con cả nên mọi việc cơm nước, lợn gà, tắm rửa và chăm sóc các em đều một tay mẹ làm. Đến lúc lớn hơn một chút thì mẹ lại vác cuốc ra đồng cùng các bác, các cô đổi công, đổi điểm. Những ngày nông nhàn, mẹ lại theo ông đi mò cua bắt ốc bán lấy tiền đong gạo cho cả nhà.

Năm 18 tuổi mẹ lấy chồng, chưa kịp có mụn con nào thì bố đi bộ đội. Hết chiến trường biên giới phía Bắc tới chiến trường Campuchia và bố bị thương, một mình mẹ vượt đường xá xa xôi lên Lạng Sơn chăm sóc bố.

Bố về, mang trong mình vết thương 4/4, sức khỏe giảm sút rất nhiều. Mọi công việc nặng trong nhà hầu như bố không thể làm được. Rồi hai năm sau mẹ sinh chị, sau đó là sinh nó và em nó. Mọi công việc trong gia đình từ đồng áng, chợ búa cơm nước và chăm sóc con cái đều một tay mẹ tần tảo.

Nó nhớ những năm sau đổi mới, khi đó cuộc sống còn khó khăn lắm, mất mùa thường xuyên, mẹ phải chạy chợ lần ăn từng bữa. Có hôm mẹ đi chợ về, ba chị em nó bế nhau ra ngõ đợi mẹ. Đến khi mẹ về đưa cho mỗi đứa mấy cái bánh đa xanh xanh đỏ đỏ, mẹ đưa cho chị túi gạo mà có lẽ chỉ khoảng 1kg và bảo chị mang vào để nấu cơm. Nó vẫn nhớ như in khoảnh khắc đó, dù chưa đủ lớn để hiểu nhưng nó vẫn thấy một cảm giác khó tả, sống mũi bỗng cay cay.

Giờ chị đã lấy chồng, cũng đã có một bé trai 5 tuổi. Và nó đã yên bề gia thất, cũng vừa được làm mẹ. Mẹ lại gác hết công việc ở quê để lên chăm nó và con. Có đêm thức dậy thấy mẹ vẫn thức, rồi thở dài. Nó hiểu mẹ đang lo lắng, mẹ lo bố ở nhà không ai cơm nước đỡ đần, lo ruộng rau lâu ngày không ai tưới, lo cho thằng em vẫn ham vui với chúng bạn không chú tâm vào học… Nó thấy thương mẹ vô cùng.

Nó gần 30 tuổi rồi, công việc, nhà cửa ổn rồi nhưng tới giờ đã giúp được gì cho mẹ đâu. Đưa bàn tay, nắm chặt bàn tay chai sần bởi bao nhiêu vết cứa của mẹ, nó thủ thỉ: “Mẹ không ngủ được à?”. Mẹ quay lại xoa xoa đầu nó và bảo: “Con ngủ đi, mới đẻ không nên thức nhiều quá. Tranh thủ lúc cháu ngủ thì phải ngủ đi. Mẹ cũng ngủ bây giờ".

Mẹ là vậy đấy, chỉ biết lo lắng cho con. Thầm cảm ơn mẹ rất nhiều vì tất cả những hi sinh của mẹ cho chị em nó. Nó biết rồi sau này nó cũng sẽ lại tiếp tục như vậy, cả đời lo lắng cho con, cho cháu như quy luật “nước mắt chảy xuôi”. Không biết khi nào con mới có thể đền đáp công ơn sinh thành và nuôi dưỡng của mẹ?

Nó lại chìm vào giấc ngủ và vẫn nghe văng vẳng đâu đây lời bài hát quen thuộc: “Bàn tay mẹ bế chúng con, bàn tay mẹ chăm chúng con. Cơm con ăn bàn tay mẹ nấu, nước con uống bàn tay mẹ đun, trời nóng bức, gió từ tay mẹ, con ngủ ngon, trời giá rét, bàn tay mẹ ủ ấm con… từ tay mẹ con lớn khôn”.

PHẠM THỊ MẬN (nguồn: http://www.netbuttrian.vn/)

PHẠM THỊ MẬN (nguồn: http://www.netbuttrian.vn/)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: Nét bút tri ân