Phóng to |
Đây là hệ thống âm nhạc trực tuyến có bản quyền đầu tiên tại Việt Nam và cũng là hệ thống nhạc trên mạng lớn nhất hiện nay - với hơn 10.000 bài hát Việt gồm cả nhạc và lời.
Một tiền lệ đáng mừng!
Trong tình trạng vi phạm bản quyền âm nhạc tràn lan hiện nay, việc FPT chủ động ký kết với Trung tâm bản quyền tác giả âm nhạc (mức phí tác quyền được giữ bí mật để tránh bị cạnh tranh - PV) là một thái độ ứng xử có văn hóa.
Cuối năm nay, khách hàng có thể mua nhạc qua nhacso.net theo dạng MP3 và WMA bằng thẻ trả trước. Theo đó, các nhạc phẩm được khách hàng download bao nhiêu lần sẽ được hệ thống mạng trực tuyến báo về Trung tâm bản quyền tác giả để tính phí.
Anh Phùng Tiến Công, Giám đốc FPT Music cho biết: "Khi hệ thống hoạt động thì mức phí cũng rất rẻ: chỉ khoảng 1.000 - 2.000 đồng/lần download để có thể cạnh tranh được với CD lậu".
Hiện nay, FPT Music đã nhận được sự ủng hộ và hợp tác của nhiều hãng băng đĩa có số lượng phát hành lớn tại Việt Nam như Hồ Gươm Audio, Trung tâm băng nhạc Lạc Hồng, HT Production, Bến Thành Audio, Viết Tân Studio... và sự cộng tác của một số ca sĩ, nhạc sĩ...
Nhạc sĩ Phó Đức Phương, Giám đốc Trung tâm Bản quyền tác giả âm nhạc VN, bày tỏ sự lạc quan: "Tôi hoàn toàn tin tưởng khi đặt bút ký bản quyền âm nhạc trực tuyến với nhacso.net. Dự án này đã được nghiên cứu công phu từ ba năm nay và Trung tâm bảo vệ quyền tác giả cũng đã mất sáu tháng làm việc".
Tuy nhiên, điều làm nhạc sĩ này băn khoăn vẫn là: đi bằng con đường "vương đạo" bao giờ cũng khó khăn hơn con đường "bá đạo"! Bởi lẽ rất khó để thay đổi thói quen về bản quyền của hàng triệu người Việt. Nhưng dẫu sao thì đầu có xuôi, đuôi mới lọt...
Khó cũng phải làm!
Trong thời đại bùng nổ Internet như bây giờ, nhạc trực tuyến đang được giới công nghệ thông tin xem là hướng đi đúng và tất yếu, nhất là trong một thị trường tiềm năng với hơn 7 triệu người dùng Internet mã nguồn VNNIC tại VN.
Tuy nhiên, ngoài nhacso.net gương mẫu trong chuyện tác quyền thì vẫn còn khá nhiều website trên mạng (không rõ xuất xứ, nguồn gốc, địa chỉ liên hệ) sẵn sàng cung cấp nhạc miễn phí một cách hết sức "vô tư". Một số website nhạc trực tuyến có địa chỉ rõ ràng nhưng cũng chỉ xin phép nhạc sĩ một cách chiếu lệ hay dựa vào quan hệ thân tình, nhập nhèm tình và lý chứ chưa đề cập tới chuyện tác quyền một cách rạch ròi.
Nhạc sĩ Phó Đức Phương cho biết: "Chúng tôi vẫn đang quyết tâm xóa sổ tình trạng vi phạm bản quyền âm nhạc trên trang web... cho dù có khó như lên trời". Ông cũng nói rằng tuần trước ông đã gặp Bộ trưởng Bưu chính viễn thông Đỗ Trung Tá để kêu gọi hỗ trợ. Ông Tá hứa giao trách nhiệm cho Vụ Pháp chế của Bộ soạn thảo văn bản xử lý các website khai thác quyền tác giả trái phép và hứa sẽ dùng các biện pháp kỹ thuật để đánh sập trang web đó...
Sau đó, ông cũng lên Văn phòng Chính phủ rồi gặp Phó Thủ tướng xin... giải cứu. Các chuyên viên văn phòng Chính phủ đã khuyên ông nên đưa việc xâm hại quyền tác giả âm nhạc trên mạng ra tòa để truy tố. Thế nhưng ông bảo: "Phải có tài chính và phải có thời gian thì mới theo đuổi kiện tụng được. Có lẽ phải chờ đến cuối năm 2006 khi tình thế khác đi, tôi sẽ đưa một vài cá nhân và tổ chức ra tòa. Mà phải là những cá nhân, tổ chức to, vi phạm nghiêm trọng để tạo ý nghĩa răn đe lớn".
Tất nhiên, giữa năng lực và ước muốn bao giờ luôn có một khoảng cách. Bởi lẽ tìm ra được các chủ website vi phạm tác quyền trong môi trường Internet không biên giới là điều vô cùng khó. Thôi thì, làm được đến đâu, hay đến đó vậy...
Ngoài ra, vấn đề thu phí tác quyền âm nhạc hải ngoại thì Trung tâm quyền tác giả âm nhạc VN cũng chưa có biện pháp nào khả dĩ thực thi. Mặt khác, mức phí khi tải nhạc về máy tính cá nhân thường rẻ hơn so với tải về điện thoại di động vì không cần tính phí hạ tầng viễn thông.
Thế nhưng điều này đồng nghĩa với việc sẽ khó ngăn chặn tình trạng tải nhạc từ mạng về máy tính cá nhân rồi chuyển từ máy tính cá nhân sang điện thoại di động (hiện nay, ngoại trừ công nghệ bản quyền số Digital của Microsoft thì không một công cụ điện tử nào có thể chặn được việc tải nhạc từ máy tính cá nhân sang điện thoại di động).
Liệu có thay đổi thị hiếu nghe nhạc?
Website nhacso.net hiện mới upload được 5.000 bài hát Việt. Vietkar9 sẽ là phần mềm nghe nhạc chính kết nối với trang web này. Song, dân mạng hiện nay chủ yếu là giới trẻ, đặc biệt là khách hàng tuổi "teen" nên nhacso.net cũng tập trung khá nhiều vào dòng nhạc thị trường...
Không những thế, nhacso.net còn nhăm nhe định "bao tiêu" cả nhạc phim và nhạc game online... và thiết kế site cho Lưu Việt Hùng, Quách Thành Danh...
Ông Trịnh Sinh Nha, Giám đốc Hãng Hoguom Audio, tâm sự: "Một năm chúng tôi đầu tư làm 20-30 chương trình. Mỗi chương trình tốn kém ít nhất vài trăm triệu. Thế nhưng đã chưa phát hành thì CD lậu đã đầy chợ trời rồi. Thế thì kinh doanh làm sao có lãi. Bây giờ đưa nhạc lên mạng cũng vậy... Phải làm sao để thu hồi vốn nhanh và có đầu ra".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận