Phóng to |
7 doanh nghiệp này tỏ ra khá thiện chí với ý định trả tác quyền cho nhạc sĩ.
Tuy nhiên, dù ‘‘đầu xuôi” có vẻ xuôi nhưng vẫn phải chờ dài cho ‘‘đuôi lọt”. Bàn rộng ra, với số lượng khổng lồ các nhà hàng trên toàn quốc thì vấn đề này mới chỉ là bắt đầu…
Thu tiền nhạc theo ghế hay theo giờ?
“Đếm ghế quy ra tiền” là cách mà Giám đốc TT - nhạc sĩ Phó Đức Phương, cho là đơn giản và hiệu quả nhất. Ông đưa ra “bằng chứng” là kinh nghiệm ở nhiều nước châu Á rất gần gũi với Việt Nam như Hàn Quốc, Nhật Bản...
Và họ đã xây dựng bảng giá riêng cho các nhà hàng sử dụng băng đĩa nhạc thu sẵn hoặc sử dụng nhạc “sống”. Phương án TT dự kiến: Nhà hàng, quán bar có trên 50 ghế ngồi, sử dụng nhạc thu sẵn phải trả 70.000 đồng /1 ghế/1 năm, còn nếu tổ chức biểu diễn nhạc “sống” thì phải trả 130.000 đồng/1 ghế/1 năm.
Vậy là tính sơ sơ, quán nhạc quy mô nhỏ cũng phải bỏ ra ít nhất 1 - 2 triệu đồng tiền tác quyền/1 năm. Còn với các nhà hàng “có máu mặt” thì con số ấy không dưới vài chục triệu đồng.
Còn nhạc sĩ Nghiêm Bá Hồng, PGĐ TT thì có cách tính khác có vẻ hợp lý hơn: Tính theo giờ. Mỗi nhà hàng sẽ có các giờ cao điểm như 1 tiếng buổi sáng, 2 tiếng buổi trưa và 3-4 tiếng buổi chiều. Nếu chỉ tính 5 tiếng với 1 tiếng khoảng 10 bản nhạc thì có 50 lượt bài hát sử dụng một ngày. Nếu mỗi bài thu 1.000 đồng thì mỗi nhà hàng sẽ nộp tiền bản quyền là 50.000 đồng/1 ngày.
Cách tính này khắc phục được tình huống có nhà hàng bày ghế ra đấy nhưng không có khách, có nhà hàng lại sử dụng kiểu ghế xếp, lúc đông khách thì mở, vắng đem cất đi thì biết tính sao.
Ông Hồng cho biết: Tính mỗi lần sử dụng bài hát là 1.000 đồng, sau khi trừ các chi phí cần thiết thì nhạc sĩ chỉ được 750-800 đồng/1bài.
“Thông” những vẫn “tắc”
Bảng định giá cho các bản nhạc đã được TT gửi đến Câu lạc bộ New Century, bar Hồ Gươm xanh, Legend beer, Big One, Phù Đổng, Vọng quán... Đa số các đơn vị được “hỏi đến” đều gật đầu tán thưởng chuyện trả tiền, thậm chí còn cho là “chuyện đương nhiên”.
Trao đổi khá lâu, NSND Thanh Hoa đồng ý với thoả thuận: Cơ sở Aladin ở khu vực khách sạn Thắng Lợi sử dụng nhạc “sống” mỗi năm sẽ nộp một khoản tiền tác quyền nhất định (Thanh Hoa không đưa con số vì “bí mật hợp đồng”).
Một cơ sở Aladin ở đường Giảng Võ sử dụng băng đĩa sẽ trả khoảng 7 triệu đồng/1 năm. Được biết, cứ 3 tháng đơn vị sử dụng nhạc sẽ trả tác quyền một lần kèm theo danh sách các tác phẩm được sử dụng để phía Trung tâm có cơ sở để phân bổ tiền cho tác giả. Theo một chủ nhà hàng thì: “Mới đầu phải bỏ tiền ai chả “của đau con xót” nhưng đây là việc phải làm”.
Tuy nhiên, không phải người kinh doanh nhà hàng nào cũng vui vẻ khi chịu thêm “thuế nhạc”. Không ít người lập luận rằng: Khi sử dụng băng đĩa có dán tem nghĩa là họ đã mua sản phẩm theo giá quy định của nhà nước.
Việc trả tiền tác quyền cho các tác giả có ca khúc được sử dụng trong băng đĩa đã được các đơn vị sản xuất băng đĩa thực hiện. Nếu bây giờ phải trả 70 hay 80.000 đồng / ghế/ 1 năm khi nhà hàng có ca nhạc thì là trả tác quyền lần hai. Chủ Big One còn đưa ra câu hỏi khá thực tế: “Liệu Trung tâm có trả lại tiền cho chúng tôi nếu không thực hiện được đều đặn các đêm nhạc “sống”?”.
Như vậy, bước đầu các chủ nhà hàng đồng tình là thuận lợi nhưng từ đó đến khi tiền về được tay nhạc sĩ không phải là chuyện đơn giản. Còn một số địa chỉ chuyên sử dụng nhạc ngoại vào việc kinh doanh cứ tưởng sẽ không bị “gõ cửa làm phiền”.
Nhưng hiện tại, 16 quốc gia và vùng lãnh thổ đã trao quyền đại diện thu tác quyền sử dụng âm nhạc của họ tại Việt Nam cho TT, nên tới đây, nhà hàng dùng “nhạc ngoại” cũng sẽ bị TT “hỏi thăm”.
Theo Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam thì việc bàn thảo đã đâu vào đấy nhưng trong những ngày cuối cùng của năm 2006 này vẫn chưa thu được tiền bản quyền từ các nhà hàng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận