12/11/2010 05:40 GMT+7

Băn khoăn trước đơn thư tố cáo nặc danh

L.KIÊN - C.V.KÌNH - V.V.THÀNH
L.KIÊN - C.V.KÌNH - V.V.THÀNH

TT - Thảo luận nội dung dự thảo Luật tố cáo chiều 11-11, các đại biểu Quốc hội rất băn khoăn trước quan điểm có hay không giải quyết đối với các đơn thư tố cáo nặc danh.

Đại biểu Vũ Duy Hòa - viện trưởng Viện KSND Thanh Hóa - cho rằng không nên giải quyết đối với đơn thư tố cáo nặc danh, vì thực tế vừa qua cho thấy phần lớn đơn thư tố cáo nặc danh có nội dung không đúng sự thật. Trong khi đó, đại biểu Lê Văn Cuông (Thanh Hóa) đề nghị với những đơn thư tố cáo nặc danh nhưng không cụ thể, không đưa ra chứng cứ thì không giải quyết; nhưng với những đơn thư nặc danh đưa ra được bằng chứng cụ thể thì phải xem xét.

Ông Cuông cho rằng trong thực tế nhiều người không dám ký tên của mình vào đơn tố cáo vì sợ bị trù dập, thậm chí bị thanh toán kiểu xã hội đen.

Đối với việc bảo vệ người tố cáo, thiếu tướng Lê Thanh Bình (TP.HCM) - phó tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo, Bộ Công an - cho rằng dự luật quy định việc bảo vệ người tố cáo lại rất chung chung. “Tại sao luật chỉ ghi là phải có biện pháp cần thiết để bảo vệ người tố cáo. Ghi như vậy thì thực tế rất khó thực hiện” - ông Bình nói. Ông Bình đề nghị luật quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan có liên quan trong việc bảo vệ được người tố cáo.

Thảo luận dự thảo Luật đo lường, đại biểu Nguyễn Trung Nhân (Cần Thơ) đề nghị dự thảo luật cần bổ sung chế tài công bố kết quả kiểm tra lên phương tiện thông tin đại chúng, nhiều doanh nghiệp làm ăn gian dối không sợ bị phạt mà chỉ sợ bị bêu lên báo chí, bổ sung như vậy sẽ tăng tính răn đe.

Sáng 11-11, các đại biểu Quốc hội làm việc tại tổ để thảo luận việc thực hiện công trình quan trọng quốc gia dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất với tiến độ chậm chín năm và tổng đầu tư đến nay là trên 3 tỉ USD.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa (TP.HCM) khẳng định rằng với những gì Chính phủ báo cáo thì chưa đủ thông tin để Quốc hội ra nghị quyết kết thúc dự án này.

Về khía cạnh kinh tế, nói rằng đã sản xuất được xăng, dầu và đáp ứng 30% nhu cầu, nhưng theo ông Hòa, cần phải trả lời một số câu hỏi: So với việc xuất thô với giá đưa vào nhà máy này thế nào, qua chế biến ra thành phẩm là bao nhiêu? Mình đầu tư một số tiền lớn như vậy thì khi nào, bao nhiêu năm thu hồi được vốn?...

Đồng tình với ý kiến này, đại biểu Lê Thanh Bình (TP.HCM) nói: “Có ý kiến nói rằng nhà máy sản xuất dầu nhưng giá thành có thể ngang bằng hoặc còn cao hơn xăng dầu chúng ta nhập về. Như vậy thì hiệu quả kinh tế chưa rõ”.

“Bây giờ đòi hiệu quả tài chính về dự án này thì rất khó” - TS Trần Du Lịch (TP.HCM) nhận định. Ông Lịch cho rằng điều quan trọng lúc này là làm sao phát triển tốt hơn công nghiệp hóa dầu với hàng trăm sản phẩm, cùng với công nghiệp phụ trợ. Đây là điều cần phải làm rõ để có chính sách cho đúng.

Đại biểu Nguyễn Thị Hoa (Hà Nội) đề nghị ngành dầu khí cần bỏ các ngành kinh doanh như khách sạn để tập trung hết sức vào Dung Quất nhằm tăng tính hiệu quả dự án.

Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Bùi Sĩ Lợi cho rằng đến nay tổng mức đầu tư của nhà máy đã tăng ba lần (từ 1,5 tỉ USD lên trên 3 tỉ USD), đây là công trình mà nhiều khóa Quốc hội đã dành thời gian thảo luận, giám sát, do vậy trong nghị quyết tới đây của Quốc hội về dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất nếu có phải nêu rõ những gì được, không được và các bài học cơ bản.

Đồng thời Chính phủ phải có báo cáo cụ thể về giá trị quyết toán, hiệu quả của nhà máy tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XII (tháng 3-2011).

L.KIÊN - C.V.KÌNH - V.V.THÀNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên