22/07/2010 07:43 GMT+7

Băn khoăn quy định việc kiện quyết định của Thủ tướng

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TT - Chiều 21-7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về dự án Luật tố tụng hành chính. Đối với việc có nên hay không quy định cụ thể việc tổ chức, cá nhân có quyền khởi kiện một quyết định của Thủ tướng Chính phủ ra tòa, các ý kiến vẫn còn băn khoăn.

Bổ sung thành viên Hội đồng thẩm phán TAND tối cao

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua nghị quyết về việc bổ sung thành viên Hội đồng thẩm phán TAND tối cao. Theo đó, ông Nguyễn Hồng Sơn - phó chánh tòa phúc thẩm TAND tối cao tại Đà Nẵng, ông Tống Anh Hào - chánh tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM - được bổ sung làm thành viên của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao.

“Quyết định hành chính của Thủ tướng có kiện được không? Bây giờ thẩm phán TAND tỉnh xử sơ thẩm có yêu cầu Thủ tướng ra tòa được không? Tôi thấy xử quyết định của ông bộ trưởng còn khó. Điều này thật khó giải thích vì văn hóa của mình nó vậy. Nên chăng quy định không xét xử đối với các quyết định của Thủ tướng?” - trưởng Ban Dân nguyện Trần Thế Vượng đặt vấn đề.

Chánh án TAND tối cao Trương Hòa Bình cho biết: “Ở các nước, tòa án nếu có xử quyết định của người đứng đầu bộ máy hành chính thì cũng theo cơ chế đặc biệt (chẳng hạn như cơ chế bảo hiến) chứ không đưa ra xử ở tòa hành chính. Hiện nay ở ta Thủ tướng ra trả lời chất vấn trước Quốc hội thì đây cũng là một cơ chế”. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Thu Ba cho rằng “không có lý do gì để tòa không xem xét một quyết định của Thủ tướng Chính phủ”.

Tổng hợp ý kiến của đại biểu Quốc hội (tại kỳ họp thứ 7) cho thấy đa số nhất trí với quy định tổ chức, cá nhân nếu không đồng ý với quyết định hành chính, hành vi hành chính thì có thể khởi kiện ngay vụ án hành chính ra tòa án, không bắt buộc phải khiếu nại đến cơ quan hành chính trước khi khởi kiện. Đa số ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình với quan điểm này vì nó đáp ứng được yêu cầu mở rộng quyền khởi kiện vụ án hành chính tại tòa án, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân được tự do lựa chọn cách thức giải quyết khiếu nại, khiếu kiện, mở rộng dân chủ trong xã hội.

Đối với những bản án lâu nay được coi là hết đường tố tụng (hết thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc đã có quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao nhưng phát hiện ra những sai lầm nghiêm trọng), Ủy ban Tư pháp đề nghị cần quy định cơ chế giải quyết để bảo vệ đến cùng quyền lợi, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận đồng tình “vì không lý gì nhà nước của dân, do dân, vì dân mà nhìn thấy sai không thể sửa”.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên