![]() |
Dân làng ngoại ô Phnom Penh (Campuchia) theo dõi cuốn phim do Trung tâm Tư liệu Campuchia quay cảnh tên đồ tể Duch ra tòa hôm 5-7-2009 - Ảnh: AP |
Kỳ 1: Bản danh sách người Việt ở Tuol Sleng Kỳ 2: 345 người hay nhiều hơn? Kỳ 3: Vạch mặt trò dàn dựng
Mam Nay là ai?
Trong cuốn sách Chế độ Pol Pot: chủng tộc, quyền lực và cuộc diệt chủng ở Campuchia thời Khmer Đỏ 1975-1979 (xuất bản năm 2002), Ben Kiernan - giáo sư sử học và chủ nhiệm chương trình nghiên cứu diệt chủng thuộc Đại học Yale (Mỹ) - vén màn bí mật về Mam Nay như sau:
”Tháng 6-1967, một nhóm thanh niên Campuchia, được truyền cảm hứng từ cuộc cách mạng văn hóa ở Trung Quốc, đã nổi giận khi một tờ báo Campuchia chỉ trích cuộc cách mạng văn hóa. Họ đã tấn công tòa soạn tờ báo nọ, hất tung mọi thứ, sẵn tay xé nát bức chân dung hoàng thân Sihanouk treo trên tường và xô ngã một pho tượng Phật. Tại tỉnh Kompong Thom, truyền đơn cánh tả rải đầy kêu gọi dân chúng nổi dậy. Tác giả các truyền đơn đó là hiệu trưởng Trường trung học Balaing, thầy giáo dạy khoa học tên Mam Nay. Phó hiệu trưởng cũng là một thủ lĩnh khác của phong trào cánh tả, là một người Khmer gốc Hoa tên Kaing Khek Iev, tức Duch sau này.
Ngay từ năm 1967, khi Mam Nay tung hoành ở Kompong Thom, hoàng thân Sihanouk đã xếp Mam Nay vào nhóm đặc biệt nguy hiểm, ngang với Hu Nim. Hu Nim là nạn nhân nổi tiếng nhất của Duch và Mam Nay. Ông ta vốn là một chính khách cánh tả, sau này trở thành bộ trưởng thông tin tuyên truyền của Campuchia dân chủ (tên gọi chính thức của chế độ Khmer Đỏ) cho đến năm 1977 thì bị bắt. Cả hiệu trưởng Mam Nay và hiệu phó Duch cùng bốn thầy giáo khác của Trường trung học Balaing bị tống giam theo lệnh của hoàng thân Sihanouk. Tất cả các nhân vật đó đều được xem là nhóm “hồng vệ binh” ở Campuchia. Hoàng thân Sihanouk sau đó ra lệnh “đóng cửa” hội sinh viên Khmer và hội ái hữu Khmer gốc Hoa.
Sau cuộc đảo chính Sihanouk năm 1970 do tướng Lon Nol thực hiện, Duch và Mam Nay được thả ra và vô bưng. Đến năm 1975, cả hai trở lại Phnom Penh trong đạo quân Khmer Đỏ. Duch, phụ trách an ninh, dời cơ quan của mình về Phnom Penh, đổi tên là S-21, tuyển thêm 57 lính coi ngục mới từ tháng 6 đến 12-1975. Bộ đôi Duch và Mam Nay chịu trách nhiệm về việc tra khảo đến chết mười mấy ngàn người ở S-21. Năm đó, có 154 tù nhân bị giam, hầu hết tại một nhà nguyện Công giáo tên là Bét-lê-em.
Tháng 1-1976, S-21 được dời về Takhmau, ngoại ô phía nam Phnom Penh. Đến tháng 6 thì dời hẳn về Trường học Tuol Sleng, nơi có thể chứa đến 1.500 tù nhân cùng lúc. Đầu năm 1977, ở Tuol Sleng có thêm 111 cai ngục mới, tuổi từ 17-21. Các tù nhân người Campuchia đều bị cưỡng bức khai rằng họ là gián điệp cho “đế quốc ngoại bang” thay vì khai họ bất mãn với các chính sách của Campuchia dân chủ. Duch chủ ý thu thập các “tự khai” này vì mục đích tuyên truyền”.
Kate Hill, nhà nghiên cứu của Tổ chức chống diệt chủng Genocide Watch trong báo cáo của mình năm 2006 “Memorandum: Prosecuting Nuon Chea for Khmer Rouge War Crimes”, đã mô tả Mam Nay như sau:”Các cuộc thẩm vấn tù nhân người Việt chủ yếu do Mam Nay, phó trại trưởng thực hiện. Ông nói sõi tiếng Việt. Mam Nay cũng là người ghi chép lại các lời khai”.
![]() |
Norng Chan Phal, đứa trẻ 8 tuổi từng được bộ đội tình nguyện và nhà báo VN cứu sống khỏi trại Tuol Sleng năm 1979 (Tuổi Trẻ 29-3-2009), ra làm chứng trước tòa ngày 2-7-2009 - Ảnh: AP |
Chưa ai chịu trách nhiệm
Hai nhà nghiên cứu người Pháp Christine Chaumeau và Sylvaine Pasquier sau này đã gặp Mam Nay tiết lộ như sau:
”Nằm về phía bắc (thị trấn) Pailin, tại hang ổ ngày nào của du kích Khmer Đỏ, một thôn xóm chạy dọc một đường mòn đất đỏ, giữa đám cây cối xanh um. Một người đàn ông ốm mảnh khảnh, mặc chiếc quần xám và áo sơmi cũ, đang ngồi dưới bóng cây, tựa lưng vào ghế dài. Ông ta tỏ ra không thích tiếp chuyện với người lạ, thậm chí khó chịu. Mam Nay phụ trách thẩm vấn ở trại S-21 cho đến ngày chế độ Pol Pot sụp đổ. Khác với cấp trên của mình là Duch, Mam Nay được tự do, không hề bị hỏi han gì. Trước khi theo công việc thẩm vấn, cả Duch lẫn Mam Nay đều học ở Đại học sư phạm Phnom Penh do thủ lĩnh Son Sen phụ trách giáo vụ vào đầu những năm 1960
Làm sao mà có quá nhiều người chết vì các ông như thế? Mam Nay giải thích: “Biết sao được. Lúc đó chúng tôi đang trong thời chiến. Tôi hỏi cung các tù nhân bị tố cáo là phản quốc, có quan hệ với KGB, với CIA. Từ năm 1977 trở đi, tôi chỉ hỏi cung các tù nhân người Việt - kẻ thù của chúng tôi. Tôi nói thạo tiếng Việt là nhờ học nơi họ. Thoạt đầu tra tấn cũng thấy khó, riết rồi quen dần. Để moi được sự thật phải mất thời gian, có khi đến hai ba tháng. Đến khi làm báo cáo thẩm vấn, tù nhân có hai ba ngày để tự khai. Chỉ cần nhìn mặt họ là biết họ gian hay không rồi, khỏi mất công làm gì. Họ tự khai xong, tôi viết kết luận. Sau đó chuyện gì xảy ra thì tôi không hay biết”.
Một câu hỏi khác: Mam Nay đang ở đâu? Làm gì? Có phải ra tòa không? Craig Etcheson trong cuốn After the killing fields (Hậu cánh đồng chết) viết:”Mam Nay vẫn hỏi cung cho Khmer Đỏ trong những năm 1990 cho đến khi rã ngũ ra chiêu hồi ở Pailin vào năm 1996. Nhờ chính sách khoan hồng, Mam Nay được thu dụng làm cảnh sát hoàng gia ở Battambang. Đến năm 1999, sau khi Duch bị bắt (vì không chịu ra hàng mà lẩn trốn, cải trang thành nhân viên cứu trợ), Mam Nay mất tăm, sau đó thấy yên nên lại chường mặt ra”.
Ngày 9-6-2009, Mam Nay được gọi đến tòa, đã thề thốt trước tượng thần công lý Khmer ở góc tòa án, song tòa đã hoãn phiên chất vấn này. Đến nay vẫn chưa có ai chịu trách nhiệm dù là trả lời miệng về những đau đớn và cái chết của 345 tù nhân người Việt ở S-21.
Đón đọc số tới: Ô nhiễm hậu khai thác than Ở Quảng Ninh, việc khai thác, kinh doanh than đã giúp đời sống vùng mỏ có nhiều khởi sắc. Song vàng đen tuôn ra đã để lại môi trường bị tổn hại nghiêm trọng. Ở đây, Uông Bí với danh thắng Yên Tử mê hoặc lòng người đang là nơi có độ ồn và ô nhiễm vào bậc cao nhất nước; toàn bộ hệ thống nước ngầm ở Cẩm Phả và Hạ Long ô nhiễm hàng chục năm, các bãi thải khai thác than đe dọa trực tiếp tính mạng người dân... |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận