21/02/2021 10:02 GMT+7

Bạn đang ở đây - Cuốn sách ngắn về thế giới: 'Địa lý sẽ giữ chúng ta là con người'

TƯỜNG ANH
TƯỜNG ANH

TTO - Đó là kết luận của nhà địa lý Nicholas Crane đưa ra trong cuốn sách You are here! A brief guide to the world (Bạn đang ở đây - Cuốn sách ngắn về thế giới, Nguyễn Thanh Xuân và Phạm Đức Thạch dịch).

Bạn đang ở đây - Cuốn sách ngắn về thế giới: Địa lý sẽ giữ chúng ta là con người - Ảnh 1.

Nhà địa lý, chuyên gia vẽ bản đồ Nicholas Crane - Ảnh: Geographical.co.uk

Theo Crane, trên quả cầu hữu hạn này, với môi trường sống bị vùi dập, kiến thức là thứ bảo đảm tốt nhất cho tương lai.

Cao và sâu

Trong cuốn sách ngắn 170 trang, Crane giúp độc giả đơn giản hóa hệ thống Trái đất bằng cách nghĩ về nó như bốn thành phần hoặc các "quyển" được kết nối với nhau: thạch quyển, khí quyển, thủy quyển, sinh quyển - đất, không khí, nước và sự sống.

Và một nghịch lý là mặc dù loài người có khả năng phóng một con tàu vũ trụ vượt 7,8 tỉ km tới sao Thổ, nhưng lỗ khoan nhân tạo sâu nhất chúng ta có thể tạo ra ở vỏ Trái đất chỉ tới được 12km!

Thành phần thứ hai, khí quyển rất mỏng so với đường kính của hành tinh: trên núi ở độ cao hơn 3.000m bạn sẽ bắt đầu thấy thiếu oxy. Thủy quyển bao gồm tất cả đại dương và biển, với 71% bề mặt Trái đất được nước bao phủ nhưng hầu như toàn bộ (đến 97%) là nước biển.

Sinh quyển là nơi chứa tất cả các sinh vật, từ nấm, thực vật, động vật đến con người, những dạng sống này chỉ tồn tại trên một tầng mỏng và nhộn nhịp, cao không quá 200m và thấp dưới 3m so với mặt đất.

Bức tranh của Crane cho thấy loài người thật ra quá nhỏ bé và mong manh trên hành tinh cũng hết sức mong manh này. Bộ tứ "quyển" tồn tại trong trạng thái tương tác lẫn nhau.

Ngành khoa học mô tả hành tinh chúng ta đang sống chính là địa lý, giúp chúng ta khám phá ý nghĩa thế giới của mình mà hiện nay nhân loại đã lạm dụng Trái đất đến độ không thể có lại một "Trái đất tự nhiên". Học địa lý giúp chúng ta chọn bảo vệ hành tinh hoặc tiếp tục lạm dụng chúng.

Học địa lý từ lớp 1

Trong điều kiện đó, theo Crane, giáo viên địa lý là những người nắm thế giới trong tay mình. Nhà giáo dục Mỹ Lucy Sprague Mitchell (1878-1967) là người đi tiên phong trong việc kêu gọi giảng dạy địa lý và đã xây dựng một chương trình như thế cho trẻ em từ 4-13 tuổi.

Tuy nhiên, vào cuối thế kỷ 20, lĩnh vực này bị suy giảm suốt mấy thập niên và cuộc khảo sát do Viện Gallup thực hiện năm 1989 tiết lộ 14% người Mỹ không thể tìm thấy nước Mỹ trên bản đồ thế giới.

Tiếp sau Mitchell, nhà truyền thông Hà Lan de Blij (1935-2014) có 40 năm quảng bá địa lý qua tivi, cũng cho rằng "địa lý là thuốc giải độc cho chủ nghĩa cô lập và chủ nghĩa địa phương".

Hiện nay ở Mỹ, Canada và Anh, môn địa lý được dạy từ giai đoạn đầu ở trường tiểu học, khi trẻ em khoảng 6 tuổi. Ở Việt Nam, môn địa lý được dạy từ lớp 4.

Trong khi đó, Crane nói nên cho trẻ em sớm làm việc với mô hình bản đồ và làm quen với ngôn ngữ địa lý, đưa các khái niệm địa lý tương tác đồng hành vào các môn toán, ngôn ngữ và trò chơi.

Việc nuôi dưỡng trí tưởng tượng địa lý ở cấp tiểu học giống như tặng cho trẻ một thế giới quan, làm bàn đạp đi đến tuổi trưởng thành, góp một vai trò trong việc định đoạt tương lai của hành tinh rắc rối này.

Sài Gòn một thuở - Dân Ông Tạ đó!: Khu Ông Tạ trong mắt dân Ông Tạ Sài Gòn một thuở - Dân Ông Tạ đó!: Khu Ông Tạ trong mắt dân Ông Tạ

TTO - Đọc cuốn sách mới ra mắt Sài Gòn một thuở "Dân Ông Tạ đó!" của nhà báo Cù Mai Công, tôi chợt nhớ câu viết của nhà viết tiểu luận Hubert Butler người Ireland, đại ý là với ông, lịch sử địa phương rất quan trọng, có khi hơn cả lịch sử 1 đất nước.

TƯỜNG ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên