03/12/2013 04:40 GMT+7

Bản án tử hình được xem lại sau 45 năm

TRƯƠNG TRỌNG HIỂU (Nagoya, Nhật)
TRƯƠNG TRỌNG HIỂU (Nagoya, Nhật)

TT - Dư luận tại Nhật Bản trong những ngày qua dành sự quan tâm trước thông tin được luật sư công bố liên quan đến vụ án giết cùng lúc bốn người vào năm 1966.

Theo luật sư, họ đã tìm thấy các chứng cứ mới rất quan trọng để chứng minh rằng bản án với hình phạt tử hình dành cho bị cáo là một phán quyết sai.

Iwao Hakamada, một cựu võ sĩ quyền anh và là nhân viên của Nhà máy sản xuất Miso tại quận Shizuoka, cách Tokyo chừng 130km về phía tây, bị cáo buộc đã giết người quản lý, vợ và hai con của ông ta bằng cách phóng hỏa vào tháng 6-1966. Căn nhà bị cháy và tài sản cũng bị cướp sạch.

Hai đồng nghiệp cùng phòng khu tập thể, nhân chứng quan trọng của vụ án, khai rằng họ đã cố gắng dập tắt đám cháy, và không biết Hakamada ở đâu lúc đó. Theo các nhân chứng này, họ cũng không thấy Hakamada ở phòng trong đêm trước.

Chứng cứ vô tội cho bản án tử hình

Tuy nhiên theo luật sư, có thể các nhân chứng đã bị ép cung và buộc phải thay đổi lời khai. Sau khi 130 mẫu chứng cứ được công tố viên công bố cho tòa và phía luật sư vào tháng 7 năm nay, luật sư đã tìm thấy những nội dung khai có lợi cho bị cáo.

Trong vòng trả lời thẩm vấn độc lập đầu tiên với cảnh sát, hai người đồng nghiệp đều khẳng định Hakamada ngủ cùng phòng trong đêm xảy ra vụ việc. Họ rời phòng sau khi có chuông báo động và cùng nhau dập đám cháy. Nhưng những lời khai này đã không được sử dụng tại phiên xét xử của Tòa án quận Shizuoka năm 1968. Kết quả, Hakamada bị tuyên án với tội giết người kèm với hình phạt nặng nhất là tử hình. Bản án này sau đó vẫn được giữ nguyên tại phiên xử của Tòa cấp cao Tokyo năm 1976 và Tòa tối cao Nhật Bản năm 1980.

Cho đến nay, khi ông Iwao Hakamada đã bước sang tuổi 77, luôn cho rằng mình vô tội và đã kháng cáo lần hai vào năm 1981 nhưng không được chấp nhận.

Nhiều năm qua, luật sư và những người ủng hộ việc xem xét lại bản án cũng đã nhiều lần đề nghị Tòa án tối cao mở lại phiên xét xử. Tất cả cơ hội vẫn đóng. Theo nhận định của phía tòa án, các cơ sở viện dẫn cho đề nghị đều thiếu thuyết phục.

Năm ngoái, kết quả kiểm tra ADN vết máu trên chiếc áo được cho là của Hakamada - vật chứng quan trọng để buộc tội bị cáo - cũng đã cho thấy đó không phải là vết máu của ông ta. Điều này dường như bắt đầu làm thay đổi cái nhìn toàn cục đối với vụ án.

Hiện tiến trình xem xét lại vụ việc đã được mở ra, và có thể kết quả của phiên xử mới sẽ được Tòa án quận Shizuoka đưa ra vào đầu năm tới.

Giải quyết oan sai

Theo quy định của pháp luật hình sự Nhật, nếu được minh oan, trong vòng ba năm bị hại có quyền kiện đòi bồi thường. Mức bồi thường được áp dụng từ 1.000-12.500 yen cho một ngày bị giam. Tiền bồi thường được lấy từ ngân sách. Nhật không trích lập quỹ riêng sử dụng cho mục đích này.

Về mặt nguyên tắc, công tố viên hay những người có liên quan trong một phán quyết sai sẽ không chịu bất kỳ hình phạt nào. Thông thường, sự lý giải tập trung vào mục tiêu đảm bảo vai trò và vị trí của thẩm phán, công tố viên và người tiến hành tố tụng. Tuy nhiên, họ sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu cố tình ngụy tạo chứng cứ, tài liệu hay có dấu hiệu lạm dụng quyền năng của mình. Ngoài ra, nếu có lỗi hay vi phạm điều này, theo luật bồi thường nhà nước, họ có thể bị nhà nước yêu cầu hoàn trả số tiền đã bồi thường cho bị hại. Nhưng thực tế, việc chứng minh lỗi và sự cố tình của những người tiến hành tố tụng không hề dễ dàng.

Điều đáng nói và xa hơn là Nhật, cũng như nhiều nước, đang nỗ lực tìm kiếm giải pháp nhằm hạn chế tối đa tình trạng án oan.

Việc cho phép luật sư tham gia tất cả giai đoạn của quá trình tố tụng cũng là một lựa chọn. Nếu bị cáo hoặc người thân không tìm được người hỗ trợ pháp lý thì cơ quan nhà nước sẽ đứng ra chỉ định.

Hiện nay, tại các phòng thẩm vấn ở Nhật đều được trang bị hệ thống thu âm và camera thu hình. Trong các buổi thẩm vấn độc lập, chỉ duy nhất bị cáo được vào phòng và đối mặt trực tiếp với người xét hỏi. Ngay cả luật sư cũng không được phép bước vào dù luật ở Nhật không có điều khoản cấm đoán rõ ràng. Nếu có nghi ngờ về sự sai sót hay ép cung, luật sư được quyền yêu cầu cơ quan điều tra công bố băng thu hình trước tòa.

Tuy nhiên, việc sử dụng thiết bị kỹ thuật hỗ trợ này chỉ mới được áp dụng tại cơ quan công tố từ tháng 3-2009 và phòng cảnh sát từ tháng 4-2012. Theo đánh giá của các luật sư, đây cũng không phải là giải pháp hoàn hảo, và Nhật cũng đang tìm kiếm những giải pháp tốt hơn.

TRƯƠNG TRỌNG HIỂU (Nagoya, Nhật)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên