- Uống thuốc chữa bệnh cần tuân thủ giờ giấc, đây là việc tưởng nhỏ nhưng thật sự ảnh hưởng lớn đến hiệu quả điều trị bệnh.
Việc uống thuốc tuân theo giờ giấc thật sự có cơ sở khoa học chứ không phải đơn thuần là theo ý muốn của bác sĩ điều trị. Hai lý do để bệnh nhân cần phải tuân thủ thời gian uống thuốc theo hướng dẫn:
Một: tuân theo nhịp sinh học của con người. Cơ thể con người cũng là một bộ máy sinh học nên các hoạt động của “bộ máy cơ thể” đó đều theo một nhịp, chu kỳ nhất định gọi là nhịp sinh học, hay “đồng hồ sinh học”.
Do đó uống thuốc nên tuân thủ quy luật:
(1) Các thuốc chứa hormon nhóm steroid, thường uống buổi sáng, sau ăn.
(2) Các thuốc tim mạch như huyết áp, lợi tiểu nên uống buổi sáng, trước ăn.
(3) Các thuốc giảm viêm, giảm đau trong viêm khớp uống buổi sáng, sau ăn.
(4) Thuốc hệ tiêu hóa, dinh dưỡng như nhóm các vitamin, thuốc giảm mỡ trong máu cho buổi chiều, sau ăn.
(5) Thuốc hệ hô hấp như thuốc ho, hen suyễn thường uống vào chiều tối...
Hai: phù hợp với dược động học của thuốc bao gồm các vấn đề:
(1) Cơ chế tác dụng của thuốc thế nào?
(2) Chu trình chuyển hóa thuốc ra sao?
(3) Thời gian phân hủy thuốc bao lâu?
(4) Thuốc thải trừ ở đâu? Qua cơ chế gì?...
Trong các yếu tố trên, thời gian bán hủy của thuốc là một thước đo quan trọng giúp bác sĩ ấn định thời gian, số lần dùng thuốc. Những loại thuốc có thời gian bán hủy ngắn được chỉ định dùng nhiều lần trong ngày. Ví dụ insulin nhanh, kháng sinh thải nhanh (như penicillin), thuốc hạ sốt…Những loại thuốc có thời gian bán hủy dài thường cho dùng ít lần hơn, thậm chí chỉ một lần mỗi ngày, ví dụ thuốc kháng giáp, thuốc điều trị lao…
Trở lại câu hỏi cụ thể của bạn, bác sĩ đã cho thuốc huyết áp (Captopril) và thuốc giảm lipid máu (Lipanthyl) là theo “thời sinh học” của cơ thể con người. Còn thuốc đái tháo đường được cho dùng dựa theo “dược động học” của thuốc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận