27/07/2021 11:48 GMT+7

Bái vọng tiễn biệt nhà báo Lê Văn Nghĩa - Một người Sài Gòn rất Sài Gòn

DƯƠNG THÀNH TRUYỀN
DƯƠNG THÀNH TRUYỀN

TTO - Anh chọn nghề báo, vừa làm báo vừa viết báo, và trở thành nhà báo đặc biệt của làng báo Sài Gòn. Anh góp sức phát triển một tờ báo trào phúng, châm biếm gần 40 năm, được bạn đọc trong Nam ngoài Bắc hết sức yêu thích: Tuổi Trẻ Cười.

Bái vọng tiễn biệt nhà báo Lê Văn Nghĩa - Một người Sài Gòn rất Sài Gòn - Ảnh 1.

Nhà văn - nhà báo Lê Văn Nghĩa (bìa trái) trong lần giao lưu về đề tài Sài Gòn trong các sách gần đây - Ảnh: L.ĐIỀN

Lê Văn Nghĩa kể chuyện Sài Gòn như một người hát rong lang thang phố chợ, kể chuyện chương hồi bằng giọng, bằng điệu, bằng tiếng lòng mình về vùng đất và con người Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định; và bằng lời, bằng chữ, bằng câu, bằng tuồng tích, bằng thành ngữ, bằng ca dao đặc sệt âm hưởng của một thời, khiến anh trở thành người chép sử bằng trái tim về nơi chốn anh đã sinh ra, lớn lên, làm việc và thành danh.

Dương Thành Truyền

Anh - một người ít nói nhưng để lại cho đời biết bao lời, biết bao chuyện. Anh - một người ít cười nhưng mang lại cho đời biết bao tiếng cười, biết bao sảng khoái. Anh - tưởng như rụt rè, tưởng như khó chịu nhưng có biết bao bạn bè, biết bao người quý trọng, mến yêu...

Anh thân mang trọng bệnh nhưng vẫn làm việc không ngừng, cho đến khi cạn sức.

Cuốn sách cuối cùng của anh ở Nhà xuất bản Trẻ - Sài Gòn, những mảnh ghép rời ký ức - vừa kịp đặt lên bàn thờ anh trong ngày tang lễ…

Anh có một thời thanh niên can trường, sớm đi theo cách mạng, góp mặt trong phong trào đấu tranh của học sinh sinh viên Sài Gòn - Gia Định, nếm đủ mùi vị ngục tù từ Chí Hòa, Tân Hiệp, Côn Đảo đến "chỉ định nơi cư trú".

Vượt sóng, gồm hai tập truyện phim Vượt sóng và Những ngày vui, viết về những năm tháng "mà nhờ nó, tôi được là tôi", viết về một Thành đoàn hào hùng, bất khuất, về những con người Thành đoàn ngoan cường mà hồn nhiên, vượt qua mọi mất mát, hy sinh bằng tiếng cười trong sáng.

Ngang trái của cuộc đời khiến anh không được vào Đảng. Nhưng anh vẫn mạnh mẽ, bền chí làm việc đến cùng trên hành trình đã lựa chọn!

Anh chọn nghề báo, vừa làm báo vừa viết báo, và trở thành một nhà báo đặc biệt của làng báo Sài Gòn. Anh góp sức phát triển một tờ báo trào phúng, châm biếm với sức sống gần 40 năm, được bạn đọc trong Nam ngoài Bắc hết sức yêu thích: Tuổi Trẻ Cười.

Anh tập hợp các cây bút, các cây cọ tài danh, tạo ra các chuyên mục đặc sắc, đi theo "gánh hát" Tuổi Trẻ Cười Sống, tổ chức các ngày hội bạn đọc, thực hiện giải thưởng Cù nèo vàng, giải thưởng Trái cóc xanh… Anh đã góp công làm cho tiếng cười thực sự trở thành vũ khí sắc bén xây dựng cuộc đời, xây dựng con người.

Và anh cầm bút, với một sức viết, sức sáng tạo đáng kinh ngạc, với một tài sản đồ sộ gần 20 tập sách có hài hước, có trào phúng, có châm biếm đã được in, với những bút danh và những nhân vật từ trang báo, trang sách trở thành hình tượng của đời, trở thành câu cửa miệng dân gian: Hai Cù Nèo, Đại gia Đại Văn Mỗ, Điệp viên Không Không Thấy, Linda Kiều, Hoa hậu phường Cây Mít…

Rồi từ hơn thập niên qua, anh tập trung viết sách, với cường độ hai năm một nhịp, và trở thành một người kể chuyện độc đáo về Sài Gòn bằng câu chuyện chính cuộc đời mình.

Đó là những truyện dài gắn liền hồi ức về một thời niên thiếu: 

Mùa hè năm Petrus (2012), 

Chú chiếu bóng, nhà ảo thuật, tay đánh bài và tụi con nít xóm nhỏ Sài Gòn năm ấy (2014), 

Tụi lớp nhứt trường Bình Tây, cây viết máy và con chó nhỏ (2018), 

Mùa tiểu học cuối cùng (2020). 

Đó là những tạp bút - biên khảo gắn liền với hồi ức về "hòn ngọc Viễn Đông": 

Sài Gòn - Dòng sông tuổi thơ (2016), 

Sài Gòn khâu lại mảnh thời gian (2018), 

Sài Gòn chuyện xưa mà chưa cũ (2020), 

Văn học Sài Gòn 1954 - 1975 những chuyện bên lề (2020).

Lê Văn Nghĩa kể chuyện Sài Gòn như những trang biên bản trong kho lưu trữ bụi bặm được lôi ra để nhắc lại nhiều chuyện mà bây giờ còn mấy ai biết, mấy ai nhớ; như những tấm bưu ảnh đã ngả màu thời gian chỉ kịp giữ lại mớ hình ảnh mà bây giờ có cái đã không còn, có cái đã biến đổi; như những thước phim 35 li đen trắng đã bị trầy xước, thong thả nhắc lại bằng hình và tiếng với tốc độ của một thời đã qua đã xa…

Như một kẻ không nhà, hay đúng hơn, như một người mà đâu cũng là nhà, anh đã rong ruổi khắp nơi từ hang cùng ngõ hẻm đến quán xá chợ búa. Anh nhìn ngắm mọi thứ từ mỗi vật dụng hằng ngày đến từng công trình xưa cũ, và đâu đâu anh cũng thấy kỷ niệm, cũng có ký ức, cũng bật ra nỗi niềm…

Anh gọi tên tất cả bằng cảm xúc của những chuyện xưa cũ nối liền với tâm sự hôm nay, trong một không gian đã được "điều kiện hóa" bởi sách, bởi báo, bởi nhạc, bởi thơ, bởi tuồng, bởi phim đã theo anh đi suốt những năm tháng của cuộc đời!

Anh là nhà báo, là nhà văn. Anh biết hát, biết diễn kịch, biết vẽ tranh, biết ảo thuật… Nhưng trên tất cả, anh là một người Sài Gòn rất Sài Gòn!

Vĩnh biệt anh trong muôn ngàn tiếc, thương và nhớ!

Bái vọng tiễn biệt nhà báo Lê Văn Nghĩa - Một người Sài Gòn rất Sài Gòn - Ảnh 3.

Gia đình nhà văn, nhà báo Lê Văn Nghĩa gửi lời tạ từ đến mọi người

Bái vọng tiễn biệt nhà báo Lê Văn Nghĩa

Cuối cùng những người thương mến, bạn bè đồng nghiệp, bạn văn bút của nhà văn nhà báo Lê Văn Nghĩa cũng đến lúc bái biệt tiễn đưa chuyến cuối để ông đi vào cõi vô cùng.

Nhà văn nhà báo Lê Văn Nghĩa nằm xuống ngay trong đợt Sài Gòn - TP.HCM giãn cách xã hội nghiêm ngặt theo Chỉ thị 16 để phòng chống dịch COVID-19, nên mặc dù mọi người đều biết thông tin lễ tang diễn ra ở Nhà tang lễ Bộ Quốc Phòng, phần đông bạn hữu đều tiễn biệt ông từ xa.

photo-1

Từ trái qua anh Lê Đặng Công Huân (con trai nhà báo Lê Văn Nghĩa), anh Bùi Thanh Tuấn (cháu trai) và bà Lê Thị Phước (em ruột) ôm di ảnh nhà văn - nhà báo Lê Văn Nghĩa rời nhà tang lễ - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Trong số ít những người đến bên linh cữu thắp nén nhang tiễn ông có bà Đinh Thị Thanh Thủy - giám đốc Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM.

Vốn nặng lòng vì đang thực hiện đến khâu chót 2 quyển sách cuối cùng của Lê Văn Nghĩa, khi hay tin ông khó qua khỏi, trong ngày 25-7 bà Thủy đã thuyết phục phía nhà in sắp xếp "đặc cách" in trước 2 quyển sách của anh, với hy vọng anh sẽ được nhìn thấy 2 tác phẩm của mình trước khi nhắm mắt.

Nhưng đến đêm 25-7 khi nhà báo Lê Văn Nghĩa trút hơi thở cuối cùng, bà Thủy biết chắc rằng những cố gắng để sách ra kịp sẽ không còn kịp nữa. Bà Thủy vẫn thuyết phục nhà in mở máy in nhanh để kịp có sách thành phẩm mang đến đặt bên linh cữu ông. Qua trưa 26-7, phía nhà in đã hoàn tất thành phẩm 10 quyển sách đầu tiên.

photo-1

Lễ truy điệu nhà báo Lê Văn Nghĩa diễn ra sáng sớm nay 27-7 tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Ngậm ngùi đặt sách lên bàn thờ bên linh cữu của người đàn anh nhà văn nhà báo, bà Thủy thắp nén hương xong vội vã quay về, đến nhà vừa kịp 18h chính là thời điểm quy định người dân không được ra đường.

Còn rất nhiều tấm lòng quý mến dành cho Lê Văn Nghĩa nữa, trên chặng cuối của hành trình hôm nay, 27-7, ông hẳn cũng ấm lòng khi thấy "cả cuộc đời mình, cho đến khi nhắm mắt xuôi tay", mọi người đã yêu mến, cảm thông, và chia sẻ với ông những tấm chân tình thật đáng quý.

LAM ĐIỀN

Noi gương bạn, để cảm ơn cuộc đời...

tranh biem le van nghia 6(read-only)

Sự ra đi của một cây bút viết truyện phiếm hàng đầu, một nhà báo có những đóng góp lặng thầm mà độc đáo cho làng báo ở cương vị người phụ trách Tuổi Trẻ Cười suốt 23 năm... để lại nhiều tiếc thương cho các đồng nghiệp yêu mến anh.

Tuổi Trẻ trích đăng những chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, Tuổi Trẻ Cười của các nhà báo:

* Lê Văn Nghĩa đã bị ung thư từ hơn chục năm nay, đã mổ xẻ cắt bỏ một phần thân thể. Nhưng lúc nào bệnh thì bệnh, lúc nào tạm ổn thì Nghĩa lại làm việc, nhiều hơn lúc thường và nhiều hơn người bình thường.

Về hưu rồi mà ngày nào cũng vào thư viện báo ngồi làm việc miệt mài trước chiếc máy tính. Một loạt cuốn truyện thiên nhiều về ký ức, được nhiều bạn đọc yêu thích đã ra đời trong thời gian này... Cả chục cuốn sách, trong một thời gian rất ngắn! Rõ ràng Nghĩa đang chạy đua với thời gian, quyết liệt!

Ngày trước, Nghĩa thường nói coi tôi là tấm gương về sức làm việc... Mười năm nay, Nghĩa lại là tấm gương cho tôi noi theo, mà đua không thể nổi!

Rồi cái ngày Lê Văn Nghĩa chịu thua bệnh tật cũng đã tới, sau khi vừa quyết liệt chiến đấu với nó vừa ráng để lại cho đời thêm chục vết tích của mình. Một cuộc chiến đấu âm thầm như cách sống của anh - không bao giờ than van với ai về những nỗi đau phải chịu từng ngày, kể cả với những bạn bè thân thiết.

Yên nghỉ Nghĩa ơi, rồi cũng gặp lại nhau hết thôi! Sẽ noi gương bạn tiếp tục làm việc đến cùng, như một cách để cảm ơn cuộc đời này...Nhà văn - nhà báo

NGUYỄN ĐÔNG THỨC

* Nhớ về anh, nói gì thì nói, tôi dám quả quyết chắc nịch rằng, khi nhìn thấy bộ mặt đăm đăm có vẻ khó chịu ấy, ta đừng ngại vì rằng mỗi lúc anh đã cười thì thần sắc lại khác hẳn. Hồn nhiên và trong sáng.

Con người ấy sống hết mình, làm việc hết mình, không bao giờ làm phiền đến ai, kể cả lúc bệnh tật cũng giấu, nghiến răng chịu đựng một mình, không muốn ai bận tâm, lo lắng. Yêu đời và sống tận tình đến lúc vĩnh biệt cuộc chơi vẫn chưa buông bút.

Vĩnh biệt à? Tôi tin anh lại chơi ở một thế giới khác đấy thôi, bởi anh đã từng bộc bạch cùng tôi: "Hề hề, lúc đó, "Điệp viên Không Không Thấy" đã du hí cùng "Hoa hậu phường Cây Mít". Có gì đâu. Q. thích viết gì cho mình thì viết".

Nhà thơ - nhà báo LÊ MINH QUỐC

* Tôi nghĩ gì về anh? Một con ong chăm chỉ, hơi cô đơn. Chẳng hiểu sao tôi liên tưởng như thế khi nhớ đến phòng làm việc nhỏ của anh - đầy những sách báo, tư liệu, hình ảnh anh cóp nhặt; bụi bặm, xô lệch. Cũng bụi bặm và xô lệch như những năm tháng chúng tôi đã sống qua...

Anh ra đi vào cái thời mà người ta không thể viếng nhau lần cuối để sống đúng theo kiểu được dạy "nghĩa tử là nghĩa tận". Cái thời mà người ta không thể nói chắc gì về ngày mai. Chỉ có thể biết là sau này rồi sẽ rất khác, và những tháng năm này như một bản lề để chuyển sang một thời kỳ khác vẫn còn bất định.

Cái thời mà những bạn bè, người thân không thể ngồi cùng nhau để nhắc với nhau về một người đã sống, về những ký ức về người đó mà mỗi chúng tôi còn lưu giữ, để ráp nối lại thành một bức mozaika đầy màu sắc về cuộc đời của một hạt bụi đó trong vũ trụ.

Nhà báo PHAN XUÂN LOAN

Bái vọng tiễn biệt nhà báo Lê Văn Nghĩa - Một người Sài Gòn rất Sài Gòn - Ảnh 9.
Lê Văn Nghĩa trong cõi nhớ Sài Gòn Lê Văn Nghĩa trong cõi nhớ Sài Gòn

TTO - 40 năm đã trôi qua, tôi vẫn còn nhớ hình ảnh Lê Văn Nghĩa trong lần đầu tiên gặp anh tại buổi sinh hoạt văn nghệ vào một tối mùa hè năm 1981, tổ chức ở ngôi nhà 62 Trần Quốc Thảo, quận 3...

DƯƠNG THÀNH TRUYỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: Lê Văn Nghĩa