Bài toán dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận - Kỳ 2: Phải đảm bảo an toàn
TT - Tại các nước, nhà máy điện hạt nhân luôn là một chủ đề tranh cãi nhiều năm. Tại VN, dù mới ở chủ trương nhưng cũng có nhiều ý kiến khác nhau. Đây được xem là những phản biện thực tế để có quyết định đúng đắn.
Mô hình nhà máy điện hạt nhân dự kiến xây dựng tại Ninh Thuận -Ảnh: ĐỨC TUYÊN |
>> Kỳ 1: Lựa chọn công nghệ
Nên chọn thế hệ lò thứ ba trở lên
Theo GS Phạm Duy Hiển, nguyên phó viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử quốc gia, việc VN đầu tư để có nhà máy điện hạt nhân vào năm 2020 là cần thiết, tuy nhiên theo báo cáo đầu tư, việc xây hai nhà máy điện hạt nhân để đi vào vận hành từ năm 2020-2025 là tốc độ quá nhanh, chưa hề có tiền lệ trên thế giới.
Với 8.000MW vào năm 2025, VN sẽ đặt chân vào câu lạc bộ 15 nước hàng đầu thế giới về điện hạt nhân. Trong khi đó, nhà máy điện hạt nhân cần công nghệ rất phức tạp, đội ngũ cán bộ chuyên gia trình độ cao, phải đạt đến một trình độ khoa học, công nghệ nhất định. Đến nay mới có hơn 30 nước có nhà máy điện hạt nhân vì nó chứa đựng không ít rủi ro, nhạy cảm. Theo GS Hiển, sẽ có nhiều vấn đề hơn cho VN nếu chúng ta chỉ sở hữu chứ không làm chủ thật sự các nhà máy điện hạt nhân.
Với một tổ máy 1.000MW ở Ninh Thuận, lượng phóng xạ hằng năm sinh ra do các thanh nhiên liệu đã cháy sẽ lên đến ngót 1 triệu curi. Nếu VN có tám lò thì con số là nhiều - theo GS Phạm Duy Hiển. Trong khi đó, TS Hà Văn Thông cho biết việc xử lý, chôn cất rác thải hạt nhân gần như chắc chắn VN sẽ tự phải làm. Chi phí để xử lý sẽ rất lớn. Đặc biệt, chi phí để xử lý cả nhà máy sau khi đã vận hành 40-60 năm sẽ cực lớn, chỉ kém đầu tư xây dựng mới, nên đây sẽ là khoản chi phí cần tính tới chứ không thể chỉ tính đến chi phí xây dựng. |
Ông Tạ Văn Hường, vụ trưởng Vụ Năng lượng - Bộ Công thương, cho biết hiện việc nghiên cứu và lựa chọn công nghệ chưa rõ nét, nhưng tiêu chí lựa chọn công nghệ của VN có hai điểm căn bản: thứ nhất phải an toàn; thứ hai công nghệ đó phải được các nước khác vận hành nhuần nhuyễn rồi, VN không thể là nơi thử nghiệm công nghệ mới.
Do vậy, ông Hường cho biết không có ý kiến nào trong hội đồng thẩm định cấp nhà nước đặt ra lựa chọn công nghệ lò mới nhất thế hệ thứ tư. “Với một nước nghèo như VN, việc bỏ ra một số tiền quá lớn chênh lệch giữa thế hệ lò thứ hai và các thế hệ lò khác cần phải cân nhắc kỹ xem có nên không” - ông Hường băn khoăn.
Theo TS Hà Văn Thông - nguyên phó viện trưởng Viện Khoa học và kỹ thuật hạt nhân, người từng được Cơ quan Năng lượng nguyên tử thế giới (IAEA) mời tham gia đề tài “Tính toán thiết kế vật lý neutron cho lò phản ứng FBNR - lò phản ứng hạt nhân thế hệ thứ tư” - việc lựa chọn công nghệ lò thế hệ thứ mấy sẽ quyết định mức độ an toàn về lâu dài của các nhà máy điện hạt nhân.
Ông Thông cho biết dù có độ an toàn cao nhưng thực tế thế hệ lò thứ hai đã được phát triển từ mấy chục năm trước, tính tự động hóa không tối ưu. “Lò thế hệ thứ hai đòi hỏi nhiều thao tác của cán bộ vận hành. Đôi khi khả năng thao tác của con người không kịp thì nguy cơ với nhà máy sẽ lớn hơn”.
Đặc biệt, ông Thông cho biết lò thế hệ thứ hai đã xảy ra hai tai nạn, trong đó có tai nạn thảm khốc tại Nhà máy điện nguyên tử Chernobyl của Liên Xô. Vì vậy, VN nên chọn lò thế hệ thứ ba trở lên. Những thế hệ lò mới này có tính an toàn thụ động (khi xuất hiện hiện tượng có thể dẫn đến mất an toàn, tự nó sẽ có cơ chế hóa giải kịp thời), đủ kiên cố để nhốt các chất phóng xạ không cho thoát ra môi trường khi xảy ra sự cố nóng chảy vùng hoạt và chống chịu được các va đập từ bên ngoài như máy bay rơi, động đất.
Thừa nhận việc đầu tư thế hệ lò thứ ba trở lên sẽ rất đắt nhưng TS Hà Văn Thông cũng nhấn mạnh thế hệ thứ ba đã được nhiều nước vận hành an toàn trong một thời gian dài, đã được khẳng định ưu việt hơn lò thế hệ thứ hai. Từng tham gia nhóm nghiên cứu tính toán thiết kế thế hệ lò phản ứng thứ tư của IAEA, ông Thông cho biết IAEA đã ngỏ lời muốn hỗ trợ VN sở hữu một lò hạt nhân thế hệ thứ tư phục vụ nghiên cứu với công suất khá lớn.
Còn nhiều điều phải cân nhắc, chuẩn bị
Nhấn mạnh việc đã có những sự cố điện hạt nhân lớn xảy ra trên thế giới và đều do con người, cách quản lý gây ra, GS Hiển cho rằng cần phải xem xét lại nhiều vấn đề trước khi quyết định. Cụ thể, cần phải bảo đảm chắc chắn nhiên liệu hạt nhân sẽ được cung cấp kịp thời và xử lý, chôn cất được những thanh nhiên liệu đã cháy với hoạt độ phóng xạ rất cao.
Về nguyên lý, các thế hệ lò phản ứng từ thế hệ 3+ trở xuống đều tạo ra hai loại chất thải phóng xạ: loại có hoạt độ thấp có thể chôn cất lâu dài và loại chất thải hoạt độ cao gồm các thanh nhiên liệu đã cháy. Trong chất thải hoạt độ cao này có các chất siêu urani sống hàng nghìn năm, gây hiểm họa lâu dài nhưng hầu như chưa có phương án giải quyết, nên là lý do khiến nhiều nước chống đối xây nhà máy điện hạt nhân.
Đặc biệt, theo TS Nguyễn Quốc Anh - Cục An toàn bức xạ và hạt nhân, Bộ Khoa học - công nghệ, năng lượng hạt nhân cũng không phải vô tận. Trữ lượng uranium trên thế giới chỉ khoảng 15 triệu tấn, đủ cho 440 lò đang hoạt động trong vài chục năm.
Nếu nhiều nước cùng phát triển điện hạt nhân, số lò tăng lên, giá uranium cũng có thể tăng cao và khủng hoảng uranium có thể còn trầm trọng hơn cả khủng hoảng xăng dầu. Nguyên liệu hạt nhân cũng luôn chịu sự giám sát quốc tế, từ vận chuyển, nhập khẩu, bảo quản, tái xuất... Vì vậy, chỉ cần một sơ suất vi phạm quy định, một nhà máy điện hạt nhân có thể bị cấm cung cấp nhiên liệu và phải dừng hoạt động.
Trong khi đó, theo quy định của Tổ chức Đối tác năng lượng hạt nhân toàn cầu - GNEP, các quốc gia phát triển mới tham gia điện hạt nhân dân sự không được phát triển công nghệ làm giàu hoặc tái chế nhiên liệu nội địa, mà phải nhập từ các nước được phép sản xuất nhiên liệu hạt nhân. Nếu không tham gia tổ chức trên, VN có thể sẽ phải chịu nhiều khó khăn khi muốn tiếp cận nhiên liệu hạt nhân từ nước khác.
Cũng theo TS Nguyễn Quốc Anh, suất đầu tư cho 1kW điện hạt nhân là 2.500-3.000 USD, nếu bắt đầu chi 11-12 tỉ USD làm nhà máy từ năm 2010-2020 thì mỗi năm VN cần đến trên 1 tỉ USD đầu tư. Trong khi Tập đoàn Điện lực VN được giao đầu tư đang khó khăn về vốn, theo ông Quốc Anh, Nhà nước cần tính toán kỹ, tránh tình trạng “quy hoạch treo”, kéo dài thời gian xây dựng gây lãng phí lớn.
CẦM VĂN KÌNH
__________________________________
Theo dự kiến, để xây dựng nhà máy điện hạt nhân với quy mô như phương Án đang trình Quốc hội, cần ít nhất 3.000 nhân sự trình độ cao. Tìm ở đâu ra?
Kỳ tới: Chuyện từ phòng thí nghiệm Xô viết
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận