Bác sĩ Đặng Lê Dung Hạnh (Bệnh viện Hùng Vương, TP.HCM) tư vấn cho thai phụ một vài cách thở đúng đối với từng giai đoạn khác nhau của quá trình sinh con.
Đầu tiên thở ngực chậm
Khi cổ tử cung mở 2-6 cm, cơn co diễn ra khoàng 20-25 giây, khoảng 4-5 phút xuất hiện một cơn, thai phụ hãy thở ngực chậm để giữ sức và lấy nhiều oxy cho hai mẹ con. Khi thai phụ bắt đầu cơn co, hãy hít thật sâu không khí qua mũi, vào tận đáy phổi và thở ra bằng miệng để đẩy hết thán khí ra, nếu thực hiện đúng, thai phụ sẽ thở 9-11 lần/phút.
Tiếp theo thở ngực nông
Khi cổ tử cung mở 6-8 cm, các cơn co lúc này diễn ra mau hơn, mạnh hơn, kéo dài 40-50 giây/cơn, khoảng cách giữa các cơn khoảng 3 phút/lần. Lúc này cơn đau tăng, nếu không ngồi được thai phụ có thể đứng. Hãy hít thở thật sâu qua mũi rồi thở ra bằng miệng, sau đó thở ngắn qua miệng, nhịp thở ngắn dần theo mức tăng của cơn đau. Khi cơn đau đạt đỉnh điểm thì hơi thở nhanh, gấp, nối tiếp nhau, còn lúc cơn đau giảm, chuyển sang thở ngắn giống ban đầu. Lúc hết cơn đau, hãy hít thật sâu rồi thổi ra và cân bằng khí (cách cân bằng khí: lấy hai tay chụm lại đặt dọc trước mũi miệng thở dài hơi và hít không khí trong tay mình). Khi tập thở kiểu này, thai phụ sẽ cảm thấy hơi mệt, chóng mặt nhưng đây là hiện tượng sinh lý bình thường, không cần lo lắng.
Sau đó thở ngắn, nhanh, nông
Dấu hiệu cổ tử cung đã mở 8-10 cm, đầu thai nhi tụt xuống, làm chèn ép vào bàng quang và trực tràng nên cảm giác đầu tiên của người mẹ là muốn rặn. Cơn đau dồn dập, rất mạnh (2-3 phút/cơn), cơn co kéo dài 50-55 giây. Lúc này thai phụ phải bình tĩnh hơn, thở để tránh rặn non (có thể gây phù nề cổ tử cung, gây khó khăn cho cuộc sinh nở). Khi cơn co bắt đầu, hãy thở 3 lần bằng hơi thở ngắn, đến hơi thở thứ 4 thì thổi mạnh. Lặp lại bốn lần như vậy, lần thứ 5 thì hít vào, thổi ra từ từ, sau đó cân bằng khí.
Thở ra khi rặn đẻ là bước cuối cùng
Ngồi trên sàn, hai chân gấp lại thành hình chữ V ngược, hai bàn chân mở rộng, hai bàn tay luồn qua mặt ngoài đùi và ôm lấy đùi. Khi bác sĩ thông báo đã đến lúc và yêu cầu rặn, thai phụ hãy hít một hơi thật dài, nín thở ngậm hơi và nhẩm chậm trong đầu từ 1-7, đồng thời đưa hơi xuống kênh đẻ.
Ngoài ra, bác sĩ Hạnh cũng khuyên các thai phụ khi rặn đẻ thì cằm phải tì xuống ngực để dồn ép không khí xuống dưới, giúp đẩy thai nhi ra ngoài dễ dàng hơn; không được gào thét, la to làm mất sức và thiếu không khí cho cả mẹ và con.
Phóng to |
Các thai phụ tham gia câu lạc bộ “Chín tháng mười ngày” |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận