Phóng to |
Cậu bé Christo đang chơi xích đu |
Năm học mới bắt đầu và việc ghi danh đã kết thúc tại trường mẫu giáo mà tôi làm hiệu trưởng ở Pretoria, Nam Phi.
Hôm ấy, một bà mẹ rụt rè đẩy chiếc xe lăn vào văn phòng của tôi. Tôi ngước mắt nhìn. Cậu bé trông già hơn tuổi, nhưng tôi đã có câu trả lời: đôi chân bị bó bột và nẹp thanh kim loại.
Bệnh Perthes là bệnh viêm đầu các xương đùi của trẻ em, làm xương bị biến dạng và ngắn hơn. Để tránh cho đùi khỏi biến dạng, người ta cố định chân bằng cách bó bột và nẹp chân bằng thanh kim loại. Và như thế việc điều trị phải kéo dài 1-2 năm.
Nói tiếng Anh với giọng Ý, bà mẹ trẻ giải thích với tôi: “Con trai Christo của tôi sẽ vào lớp 1 năm tới. Tôi cố tìm một ngôi trường có thể đón cháu vào học nhưng tuyệt vọng. Cháu cần phải khá tiếng Anh và sẵn sàng để vào lớp trên”.
Nước mắt giàn giụa, bà mẹ chỉ vào đôi chân của con và kể: “Cô biết không, với tình trạng của cháu, mọi ngôi trường tôi đến đều từ chối nhận cháu. Cô là niềm hi vọng cuối cùng của tôi“.
Sự lựa chọn thật khó khăn. Tôi không chắc có thể xử lý được sự khiếm khuyết này giúp cậu bé. Làm sao cậu bé có thể tham gia các giờ thể dục, những buổi dã ngoại, những trò chơi ngoài trời đây? Tệ hại hơn, liệu cậu bé có thể chịu đựng nổi những lời chọc ghẹo không sao tránh khỏi của các học sinh khác không?
Khi tôi nhìn cậu bé, đôi mắt sáng của cậu nhìn thẳng vào mắt tôi như muốn van nài: “Xin cô hãy nhận con...”.
Nếu tôi từ chối như từng làm với bao người khác, điều gì sẽ xảy đến đây? Tôi quyết định nói với người mẹ trẻ: “Tôi đề nghị với bà như thế này nhé. Chúng tôi thử nhận cháu Christo trong hai tuần lễ. Nếu cháu phát triển tốt và các giáo viên hài lòng, cháu có thể tiếp tục học”.
Như chú chim sổ lồng bay, Christo đến trường chúng tôi và nôn nóng bắt đầu. Sự nhanh nhẹn của cháu làm chúng tôi ngạc nhiên. Bất chấp các bậc cấp, cháu nhảy lên băng rãnh trượt bằng sức mạnh của đôi cánh tay. Lên đến bậc cao mong muốn, cháu bỏ chân qua hai bên và ngồi lên băng rãnh rồi trượt xuống đất một cách vui vẻ, sau đó chơi tiếp với sự thán phục của những người đứng xem.
Christo sớm được mọi người chấp nhận. Các bạn học còn giành nhau xem ai được đẩy cái đu hoặc ghế lăn của cậu bé nữa cơ. Sự nhút nhát và thiếu tự tin của cậu còn nhường chỗ cho niềm vui sống chân thành nữa.
Sau hai tuần, chẳng còn lý do gì để cậu bé rời xa chúng tôi nữa. Cậu bé được cả trường nhất trí đón nhận, và cậu cũng chấp nhận chúng tôi. Còn khó khăn nào không? Khó khăn duy nhất mà Christo gặp phải là cát. Cát len lỏi vào trong chỗ bó bột làm đau rát da nhưng Christo không hề than trách. Đối với cậu bé, đó là một cái giá nhỏ bé phải trả cho niềm vui chơi ở sân cát. Rồi Christo lớn lên, người ta thay các thanh nẹp mới. Đến cuối năm học cậu bé mang các nẹp nhẹ hơn bằng sợi thủy tinh.
Đến giờ cậu bé tỏ ra thật hoàn hảo. Trong lễ bế giảng, mẹ cậu tặng tôi món quà nhỏ kèm tấm thiệp ghi: “Cảm ơn về tất cả những gì cô đã làm cho Christo”. Tôi thật xúc động, nghẹn ngào: “Chúng tôi có làm được gì nhiều đâu. Chính Christo đã cho chúng tôi nhiều hơn đấy chứ”.
Christo đã dạy cho học sinh chúng tôi sự cảm thông, lòng tử tế và tính kiên nhẫn. Em dạy chúng tôi phải can đảm và hạnh phúc, kiên trì và chống lại nghịch cảnh bằng niềm vui, thái độ tích cực.
Vài tuần sau lễ khai giảng năm học mới, tôi có một cuộc tiếp thật bất ngờ. “Cô nhìn xem, người ta tháo nẹp cho cháu rồi đó. Việc điều trị đã thành công và con tôi đã lành bệnh”. Hai mẹ con Christo mới ra khỏi bệnh viện và họ muốn tôi là người đầu tiên nhìn thấy Christo không còn mang nẹp ở chân nữa. Kìa, cậu bé đứng thẳng trên đôi chân trước mặt tôi. Cái nhìn sâu lắng như muốn nói với tôi bao điều mà suốt cuộc đời tôi sẽ không bao giờ quên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận