![]() |
Tác giả Tăng Nhật Tuệ và ca sĩ Tóc Tiên - một hình mẫu (người sáng tác cùng thể hiện ca khúc với ca sĩ chuyên nghiệp) thường thấy ở BHV - Ảnh tư liệu |
Đã có 18 ca khúc được hội đồng thẩm định BHV 2007 đề cử tranh các giải danh giá nhất của năm. Hấp dẫn ở chỗ không ít tác phẩm trong số đó là của những gương mặt sáng tác nữ đầy triển vọng. Với sân chơi rộng mở, các sáng tác của nữ giới gần như không kém cạnh gì cánh nam giới nếu không muốn nói là có phần đa dạng hơn ở thể loại, gai góc hơn ở nội dung và mềm mại hơn ở giai điệu. Nếu như Lưu Thiên Hương, Bảo Lan và Tinna Tình đã là những tên tuổi quen thuộc thì có những gương mặt vẫn là những "ẩn số" đầy thú vị.
Đáng yêu nhất phải kể đến Sa Huỳnh - 19 tuổi, sinh viên năm 2 khoa piano của Nhạc viện TP.HCM, với ca khúc mang phong cách pop rock trong trẻo. Sa Huỳnh "bật mí” tuy không phải là ca khúc đầu tay nhưng Về ăn cơm là ca khúc đầu tiên cô dựng để biểu diễn. Và Về ăn cơm đã thắng giải Bài hát được yêu thích nhất BHV tháng 9-2007 qua phần trình diễn rất đúng chất của Hải Yến. Huỳnh nói trong hơn 30 ca khúc mình đã sáng tác, cô chọn Về ăn cơm để dự thi vì nội dung hợp với lứa tuổi của mình. Cô bé không giấu việc mình đã viết đôi ba ca khúc về đề tài tình yêu nhưng tự cảm thấy không hợp lắm để giới thiệu lần đầu trong BHV. Bản thân Sa Huỳnh cũng rất hâm mộ "nữ tác giả” Lê Yến Hoa kém mình một tuổi.
Trái với nét nhạc trẻ thơ của Sa Huỳnh trong Về ăn cơm, Cây vĩ cầm của Yến Hoa chững chạc với phong cách classic thính phòng sang trọng, lời hát êm đềm và đẹp tựa thơ. Bên cạnh Cây vĩ cầm, Hoa từng có ca khúc Nhạc khúc ban mai được chọn trình diễn trong BHV tháng 8-2007. Yến Hoa "khoe" mình đậu khoa sáng tác Nhạc viện Hà Nội cách đây năm tháng, chơi piano ở trình độ không chuyên và đang vừa học vừa làm cô giáo dạy hát ở một trường mẫu giáo tư thục tại Hà Nội. "Bố tôi chơi violon và chính là người đã hướng dẫn tôi chơi piano. Cây vĩ cầm là câu chuyện thật, là tình cảm tôi dành tặng bố - một nghệ sĩ không hạnh phúc trên con đường âm nhạc bởi những nỗi lo mưu sinh" - Hoa bộc bạch.
Già dặn hơn, Trịnh Minh Hiền - "cây vĩ cầm 27 tuổi", vừa là một nhân tố của Dàn nhạc giao hưởng quốc gia VN, vừa là thành viên nữ duy nhất của ban Sơn Flamenco. Bị những sáng tác của Lê Minh Sơn mê hoặc, với sự động viên của ban nhạc và nhạc sĩ Nguyễn Cường, Minh Hiền mạnh dạn viết những ca khúc đầu tiên vào năm 2000 và đã có được ba ca khúc (Khép cửa bình minh, Hoàng hôn đỏ và Cánh buồm đỏ và em) được chọn vào live show BHV.
Mà không chỉ Hoa, Huỳnh, Hiền. Có lẽ bởi sáng tác là một trong những cách "giải tỏa" hữu hiệu nhất dành cho người trẻ nên 8x, 9x mới xuất hiện trong chung kết BHV 2007 nhiều đến thế: Sa Huỳnh, Lê Yến Hoa, Trịnh Minh Hiền, Tăng Nhật Tuệ, Tinna Tình, Lê Võ Tuân, Đức Nghĩa, Nguyễn Đức Cường, Sơn Thạch...
Điều có thể thấy rõ nhất từ BHV trong suốt ba năm qua là đã trình làng được vô số "đứa con tinh thần" được chăm chút kỹ lưỡng từ các tác giả chuyên nghiệp lẫn nghiệp dư. Mà dù có nghiệp dư thì phần lớn vẫn là những người có khả năng chơi nhạc cụ, am hiểu nhạc lý, chịu khó tìm hiểu và tìm tòi trong âm nhạc, say mê sáng tác. Vì thế những ca khúc đi ra từ BHV lại đang là những lựa chọn trong việc khẳng định giọng hát, phong cách và tên tuổi của không ít ca sĩ trẻ: Khánh Linh, Tùng Dương, Lưu Hương Giang, Phương Anh, Hà Linh, Thùy Linh... Thế nên mặc cho các tác phẩm dự thi ngày càng "trúc trắc", thách thức tai nghe của thính giả hơn nhưng vẫn được không ít ca sĩ chọn vào album để giới thiệu ra thị trường: Quạt giấy (trong album của Đoan Trang), Điều ước (Ngọc Anh), Độc huyền cầm (5 Dòng Kẻ)... |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận