Đề thi
Câu 1: Anh /chị hãy nêu những nét chính trong sự nghiệp văn học của Nguyễn Tuân (2 điểm).
Câu 2: Phân tích đoạn thơ sau trong bài thơ Tiếng hát con tàu của Chế Lan Viên để làm rõ tình cảm sâu nặng của tác giả đối với nhân dân.
Câu 3: Phân tích diễn biến tâm trạng nhân vật Chí Phèo (truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao) từ buổi sáng sau khi gặp Thị Nở đến khi kết thúc cuộc đời để thấy rõ bi kịch của nhân vật này .
Bài giải
* Yêu cầu về diễn đạt: rõ ràng, không sai lỗi chính tả, không sai lỗi ngữ pháp .* Yêu cầu về nội dung: những ý chính cần có:
- Sự nghiệp sáng tác văn học của Nguyễn Tuân chiếm vị trí đặc biệt trong nền văn học dân tộc. Hơn nửa thế kỉ sáng tác, ông đã viết qua nhiều thể loại, nhưng đặc sắc nhất, độc đáo nhất và gắn liền với tên tuổi của ông là thể loại tùy bút. Sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Tuân chia làm hai giai đoạn chính:
1 . Trước Cách mạng tháng Tám :
- Nguyễn Tuân là cây bút tiêu biểu cho văn xuôi lãng mạn trong thời kì phát triển cuối cùng.
- Những đề tài sáng tác chính là :+ Chủ nghĩa xê dịch: Viết về sự thay đổi chỗ ở để tìm cảm giác mới lạ và thoát li mọi trách nhiệm với gia đình và xã hội. Qua đó thể hiện tâm trạng bất mãn và bất lực trước thời cuộc, đồng thời thể hiện tấm lòng gắn bó thiết tha với phong cảnh quê hương, đất nước. Tác phẩm chính: Một chuyến đi (1938), Thiếu quê hương (1940).
+ Vẻ đẹp vang bóng một thời: Ca ngợi những vẻ đẹp của thời xưa: những phong tục đẹp, những thú tiêu dao hưởng lạc lành mạnh và tao nhã, những cách ứng xử đầy nghi lễ nhịp nhàng. Tác phẩm chính: Vang bóng một thời (1939)
+ Đời sống trụy lạc: Viết về những hoang mang bế tắc của nhân vật "tôi", tìm cách thoát li trong đàn hát, rượu và thuốc phiện. Qua đó thể hiện niềm khát khao một thế giới tinh khiết, thanh cao. Tác phẩm chính: Chiếc lư đồng mắt cua (1941)
2 . Sau Cách mạng tháng Tám :
- Nguyễn Tuân lột xác để trở thành cây bút tiêu biểu của nền văn học mới, đem ngòi bút của mình để phục vụ cách mạng.
- Đề tài chính: Ca ngợi quê hương đất nước, ca ngợi nhân dân trong chiến đấu và sản xuất.
- Tác phẩm chính: Tình chiến dịch (1950), Sông Đà (1960), Hà Nội ta đánh Mĩ giỏi (1972)
Câu 2:
- Yêu cầu về kĩ năng: Biết cách phân tích một đoạn thơ trữ tình, kết cấu chặt chẽ, bố cục rõ ràng, diễn đạt tốt, không mắc lỗi chính tả, lỗi dùng từ và lỗi ngữ pháp.
- Yêu cầu về kiến thức: Học sinh có thể phân tích theo nhiều cách khác nhau, nhưng trên cơ sở hiểu biết chắc chắn về bài thơ Tiếng hát con tàu. Cần làm rõ được những ý chính sau:
1. Khổ 1: Với hàng loạt phép so sánh khá độc đáo, mới lạ, phong phú: so sánh việc "con gặp lại nhân dân" với các sự việc khác: như nai về suối cũ, như cỏ đón tháng giêng tháng hai, như chim én gặp mùa, như đứa trẻ thơ lúc đói gặp sữa, như chiếc nôi ngừng gặp được cánh tay đưa.
Vai trò quan trọng của nhân dân đối với nhà thơ: đó là nơi thân thương, yên ấm của mình, là điều kiện thuận lợi để phát triển tốt hơn, là nguồn sinh lực mới, sức mạnh mới được tiếp thêm để vững vàng hơn trong cuộc sống. Do đó trên bước đường đi tới, ông khao khát được trở về với nhân dân, bởi về với nhân dân là về với lòng mình (Con đã đi … gặp lại Mẹ yêu thương)
2. Khổ 2, 3, 4: Hình ảnh nhân dân Tây Bắc
Ba khổ thơ viết về những con người cụ thể, là anh chiến sĩ du kích, là thằng em liên lạc, là người mẹ già. Đó cũng là những con người tiêu biểu cho nhân dân Tây Bắc: già, trẻ, trai, gái, vừa trực tiếp chiến đấu, vừa gián tiếp phục vụ chiến đấu. Tất cả đều một lòng một dạ với Cách mạng, sẵn sàng chiến đấu và phục vụ chiến đấu :
- Anh chiến sĩ du kích: nghèo khổ, dũng cảm, sẵn sàng hy sinh và cũng rất ân tình .
- Thằng em liên lạc: nhanh nhẹn, nhiệt tình, có trách nhiệm cao .
- Bà mẹ Tây Bắc: hết lòng yêu thương chăm sóc cho chiến sĩ
Những con người cụ thể ấy, những tấm lòng và tình cảm tốt đẹp ấy đã tạo nên những ấn tượng sâu đậm (trọn đời con nhớ mãi, còn tỏa nhớ …), có sức cảm hóa làm thay đổi toàn bộ những suy nghĩ và quan điểm của nhà thơ.
Từ một con người bi quan, chán nản (Với tôi tất cả như vô nghĩa…), thoát li khỏi cuộc sống (Hãy cho tôi một tinh cầu giá lạnh … Những ưu phiền, đau đớn với buồn lo), nay tâm hồn của nhà thơ đã bắt rễ từ hiện thực cuộc đời để cho ra đời những tác phẩm có giá trị (Nơi máu rỏ tâm hồn ta thấm đất. Nay dạt dào đã chín trái đầu xuân).Cũng từ đó nhà thơ đã khái quát nên vai trò, ý nghĩa quan trọng của cuộc kháng chiến đối với mình . Nó làm tâm hồn nhà thơ bừng sáng, giác ngộ được chân lí lớn nhất của đời mình, là ngọn lửa soi đường không chỉ 10 năm qua, mà còn nghìn năm sau nữa.
- Cách xưng hô: con, anh; lời thơ thành kính ân tình; tình cảm gắn bó thiêng liêng máu thịt và lòng biết ơn sâu nặng của nhà thơ .
3. Khổ 5:
- Điệp từ nhớ + câu hỏi tu từ + những hình ảnh đẹp và tiêu biểu khẳng định tình cảm gắn bó mật thiết của nhà thơ với vùng đất Tây Bắc .
- Hai câu cuối: Qui luật tình cảm của con người: Khi ta ở đất chỉ là phương tiện, là vật vô tri vô giác, nhưng khi chia xa do tình cảm gắn bó của con người đất bỗng hóa tâm hồn. Câu thơ giàu tính triết lí, nhưng không khô khan, trái lại rất giàu cảm xúc. Đó là phong cách độc đáo cuả Chế Lan Viên
Câu 3"
* Yêu cầu về kĩ năng: Biết cách phân tích tâm trạng của nhân vật trong tác phẩm tự sự để làm nổi rõ bi kịch của nhân vật. Bài làm kết cấu chặt chẽ, bố cục rõ ràng, diễn đạt tốt, không mắc lỗi chính tả, lỗi dùng từ và lỗi ngữ pháp.
* Yêu cầu về kiến thức: Học sinh có thể phân tích theo nhiều cách khác nhau, nhưng trên cơ sở hiểu biết chắc chắn về truyện ngắn Chí Phèo cuả Nam Cao. Cần làm rõ được những ý chính sau:
- Lúc mới tỉnh dậy: lòng mơ hồ buồn, chao ôi là buồn và nao nao buồn vì nghe được những âm thanh cuộc sống, lần đầu nhận ra sự thật của căn nhà tệ hại, tối tăm của mình và nhớ đến ước mơ của một thời xa xôi. Tính người trở lại khi Chí Phèo tỉnh rượu
- Sau đó Chí Phèo thấy cô độc: Vì cơn đau làm Chí Phèo nhận ra mình đã già, tuổi của ốm đau bệnh tật nhưng không có người thân.
- Khi Thị Nở mang cháo hành đến: Chí Phèo thấy ngạc nhiên và xúc động, mắt ươn ướt vì xưa nay muốn có ăn phải dọa nạt, cướp giật; nay có người cho mình ăn. Chí Phèo thấy vừa vui vừa buồn và một cái gì nữa giống như là ăn năn.
- Khi ăn cháo: Lòng Chí Phèo thành trẻ con hồn nhiên, lương thiện và muốn làm hòa với mọi người, Chí Phèo đề nghị với Thị Nở cùng chung sống, vì muốn Thị Nở mở đường cho hắn đến với xã hội loài người.
- Khi bị Thị Nở từ chối: Chí Phèo ngẩn người, không nói gì và hình như hiểu được xã hội không dung nạp được mình bởi những lời bà cô chính là những định kiến của xã hội lúc bấy giờ. Chí Phèo vô cùng đau khổ. Với thói quen, Chí Phèo định đập đầu kêu làng nhưng không có rượu Chí Phèo không thể làm được. Và Chí Phèo lại uống rượu nhưng càng uống càng tỉnh, không nghe hơi rượu sặc sụa mà chỉ nghe thoang thoảng hơi cháo hành .
- Uống xong rượu, Chí Phèo cầm dao ra đi nhưng không rẽ vào nhà Thị Nở như ý định ban đầu mà đến nhà Bá Kiến, không phải Chí Phèo say bởi Chí Phèo không đến để đòi tiền như mọi hôm mà đến để dõng dạc tuyên bố "Tao muốn làm người lương thiện". Nhưng Chí Phèo đã không thể trở lại làm người lương thiện vì những vết mảnh chai trên mặt, dấu vết của bao tội ác Chí Phèo đã làm. Chí Phèo chỉ còn cách giết Bá Kiến - người đã đẩy mình vào con đường tội lỗi và Chí Phèo cũng tự giết mình vì khi đã tỉnh rượu, tính người đã trở về, Chí Phèo không thể trở lại làm con quỹ dữ.
Nhận xét: Diễn biến tâm trạng của nhân vật Chí Phèo giúp ta thấy được Chí Phèo chỉ lưu manh hung dữ và làm những gì bọn cường hào sai khiến lúc say, nhưng khi tỉnh rượu, tính người trở lại, Chí Phèo lại hiền lành, khao khát hoàn lương, khao khát làm người lương thiện. Đó là bản chất của người nông dân. Qua đó, Nam Cao đã không bôi nhọ người nông dân, trái lại ông đã đi sâu vào đời sống nội tâm của nhân vật để phát hiện và khẳng định nhân phẩm đẹp đẽ của họ ngay khi họ bị rạch nát cả bộ mặt người và bị giết chết cả tâm hồn người. Nhưng cái chết của Chí Phèo đã chứng tỏ xã hội phong kiến đã cự tuyệt quyền làm người của Chí Phèo. Đó chính là bi kịch là người nhưng không được quyền làm người trong tác phẩm .
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận