16/05/2006 20:01 GMT+7

Bãi đá cổ Sa Pa: năm năm nữa, không còn gì để... xem!

Theo Thể thao và Văn hóa
Theo Thể thao và Văn hóa

TS Phillipe Le Failler (Viện Viễn đông Bác cổ Pháp tại Hà Nội) nhận định, nếu không tiến hành ngay các biện pháp bảo tồn khoa học, thì trong khoảng 5 năm nữa, bãi đá cổ Sa Pa sẽ không còn gì để xem nữa. Anh hiện đang tiến hành bảo tồn hình khắc trên các tảng đá cổ tại đây.

KkOqEWJD.jpgPhóng to
Philippe Le Failler đang định vị một phiến đá
TS Phillipe Le Failler (Viện Viễn đông Bác cổ Pháp tại Hà Nội) nhận định, nếu không tiến hành ngay các biện pháp bảo tồn khoa học, thì trong khoảng 5 năm nữa, bãi đá cổ Sa Pa sẽ không còn gì để xem nữa. Anh hiện đang tiến hành bảo tồn hình khắc trên các tảng đá cổ tại đây.

Dưới sự chỉ đạo của Sở VH - TT tỉnh Lào Cai và Viện Viễn đông Bác cổ Pháp tại Hà Nội, TS Phillipe Le Failler (người Pháp) cùng với 20 cộng sự VN đang tiến hành một chương trình bảo tồn các tảng đá có khắc hình tại bãi đá cổ Sa Pa mang tên: Thác bản các hình khắc trên đá.

Với dụng cụ là chuối quả, giấy bản, mực in và máy định vị toàn cầu (GPS), toàn bộ di tích đang được thống kê, định vị, lưu giữ dưới dạng hình ảnh, trước khi chúng (có thể) biến mất?!

TS Phillipe Le Failler cho biết:

- Để sao chụp được những hình khắc trên đá lên giấy bản một cách chính xác, chúng tôi đã phải sử dụng phương pháp rập bia của người Việt cổ là dùng... chuối làm chất kết dính để in vào giấy dó.

Đến nay chúng tôi đã lập bản đồ và dập bản gần 150 tảng đá ở ba xã (Hầu Thào, Sử Pán, Tả Van) lập thành 1.581 bản dập và 2.500 bức ảnh. Có những tảng đá phải làm bản dập hơn 50 m2 mới "copy" được toàn bộ hình khắc. Cho đến nay, 1/4 phiến đá được định vị, vẫn chưa được xác định trên những bản đồ đầu tiên của chính quyền địa phương.

jB02TIj7.jpgPhóng to
Dập hình khắc trên đá lên giấy bản
* Sao dập, đánh số... hết tất cả những viên đá vô tri vô giác này quả là khó khăn?

- Vâng , công việc đòi hỏi nhiều công sức cũng như nỗ lực của từng người. Chúng tôi phải treo lơ lửng trên khoảng giữa độ cao 975 m và 125 m, có khi cao hơn 1.250 m. Phải gạt bỏ hết phần đất cát phủ lấp trên phiến đá mới làm được. Dự kiến đến hết năm nay chúng tôi sẽ làm thác bản hết toàn bộ 240 tảng đá.

* Vì sao anh lại quan tâm tới bãi đá cổ này?

- Bãi đá cổ Sa Pa đã hút hồn tôi từ lâu. Đá cổ nơi đây không chỉ mang vẻ đẹp thuần túy mà còn chứa đựng ý nghĩa khoa học sâu sắc.

Cho đến nay, chưa có ai giải thích được những khối đá trầm mặc đó có từ bao giờ, tượng trưng cho cái gì, do ai chạm khắc...

* Là người nước ngoài "say" bãi đá cổ Sa Pa, anh chú ý đến điều gì nhất?

- Trong quá khứ, những hình vẽ liên quan đến con người như chữ Hán hay những hình khắc diễn tả địa dư thu hút sự quan tâm đầu tiên của các nhà nghiên cứu.

Còn hiện nay, theo kiểm kê của chúng tôi, chỉ có duy nhất một tảng đá có những dấu vết khắc chữ rõ ràng. Đó là bản dập đá số 144 được thực hiện trên độ cao 150 m trên đường đi Lao Chải.

Trên phiến đá khắc một loạt những chữ (mỗi chữ khoảng 10 cm, tổng cộng có 4 dòng) giống như chữ Hán, nhưng không phải là chữ Hán, mà có thể là một thứ chữ Nôm của người thiểu số.

Đem so sánh với các loại văn tự hiện biết như chữ Miến, Thái, Lô Lô... chưa thấy có một sự tương đồng nào. Nhưng công việc đó dành cho các nhà nghiên cứu, tất nhiên tôi cũng sẽ nghiên cứu.

* Mục đích của công việc này, thưa anh?

- Là sao chụp và đo định vị từng viên đá cổ trong khu di tích này nhằm kịp lưu giữ những hình ảnh của nó trước khi chúng có thể biến mất. Đồng thời đào tạo những người chịu trách nhiệm bảo vệ di sản ở địa phương làm quen với các phương pháp khoa học, giúp họ bảo tồn và khai thác giá trị của di sản.

rfUTjiKO.jpgPhóng to
Một tảng đá hiếm hoi có khắc chữ
* Anh sẽ làm như thế nào để các nhà nghiên cứu VN biết đến các bản dập này?

- Chúng tôi sẽ tập hợp các bản dập lại và in thành sách để đông đảo các nhà nghiên cứu Dân tộc học, Sử học, Khảo cổ học, và Văn hoá học... trong và ngoài nước có cơ hội tìm hiểu. Trong tương lai chúng tôi sẽ tổ chức một hội thảo ở VN để các nhà nghiên cứu gặp nhau bàn các phương pháp bảo tồn. Đây là việc làm không phải của ai khác mà trước hết của VN. Nếu không 5 năm nữa, bãi đá cổ này không có gì để... xem!

Hiện nay, ở xã Hầu Thào, nơi có ba phiến đá được tỉnh Lào Cai rào chung quanh bằng cọc xi-măng. Các phiến đá vừa gần nhà trưng bày, gần đường, lối đi lên xuống được xếp đá bằng phẳng. Du khách đến đây có thể nhìn ngắm rõ các hình khắc cổ.

Nhưng ở đây không có cảnh báo du khách, mọi người cứ thoải mái trèo lên đó và vẽ bậy! Trên nhiều phiến đá nhan nhản những câu khắc nhảm nhí của du khách.

Điều này đã vô tình phá hoại một cách nghiêm trọng di tích và làm cho việc phục nguyên lại các lớp khác nhau của những hình khắc đó thêm rối rắm. Thật rất khó đoán cụ thể những lớp khắc nào thuộc chủ nhân nào và thời gian nào? Trong khi lớp người sau với những công cụ tiện lợi hơn như đinh sắt không những vẽ thêm những hình mà mà còn mô phỏng những hình khắc của người trước.

Những trò chơi này, nếu vẫn cứ tiếp tục, thì đến một lúc nào đó người nghiên cứu cũng đành... bó tay! Tôi muốn gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh nhằm duy trì và bảo tồn "viện bảo tàng" đá có một không hai này.

* Gần đây ở VN người ta lại phát hiện thêm nhiều bãi đá cổ kiểu Sa Pa khác nữa. Anh có dập lấy mẫu tiếp những bãi đá này không?

- Tôi được biết ở một số nơi như Tả Phìn (Lào Cai), Bình Lư (Lai Châu), Vị Xuyên, Xí Mần (Hà Giang)... các nhà khoa học Việt Nam đã phát hiện ra những bãi đá cổ tương tự ở Sa Pa. Tôi dự định sẽ đến xem và tiến hành dập lấy mẫu tiếp những bãi đá này.

Có trong tay toàn bộ hệ thống mẫu hoa văn của các bãi đá cổ đã được phát hiện tại VN, các nhà nghiên cứu sẽ có điều kiện so sánh những hình khắc ở bãi đá cổ Sa Pa với những hình khắc khác tồn tại ở những vùng khác để tiếp tục tìm hiểu về chủ nhân của những hình khắc cổ và giải mã chúng.

Một người Pháp say đá cổ Sa PaBãi đá cổ Sa Pa: Cần có phương án bảo tồn cấp thiếtBãi đá cổ Sa Pa có nguy cơ bị làm biến dạng

Theo Thể thao và Văn hóa
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên