![]() |
Hành khách bị đám “cò” xe bao vây trước sự làm ngơ của bảo vệ (ảnh trái) - Chiến - đàn em của Hải “bến” đang đếm đầu khách để thu tiền (ảnh giữa) - Và ghi tiền vào sổ cống nạp ngay trước phòng vé (ảnh phải) |
Bài 1: Ăn cơm thiu phở thối hay... ăn đòn! Bài 2: “Siêu thị cơm tù” ở Quảng Bình Bài 3: Công an chê “cơm tù” cũng bị dọa đánh
Khách: Khổ từ trong bến khổ ra
![]() |
Thắng “thế”, đội trưởng đội bảo vệ, kẻ cầm đầu vụ ép nhà xe ăn “cơm tù”. |
5 giờ sáng 4-7, trong vai hành khách đi Vinh chúng tôi có mặt ở Bến xe Lam Hồng. Ngay lập tức, gần 20 “cò” xe nhảy tới bu xung quanh. Người giật lấy hành lý, kẻ níu tay khách lôi đi. Phải gọi đúng tên nhà xe QT, giả vờ nhận là người nhà của nhà xe, những tay “cò” này mới chịu thả ra.
Tuy nhiên, nhiều hành khách sau đó đã không may mắn với những tay“cò”. Chỉ sau chúng tôi năm phút, hai người khách đi Đô Lương (Nghệ An) đã bị đám “đầu gấu” làm bảo vệ bến quất cho một gậy cao su. Lý do là dám đỗ xe máy ngay trước cổng bến xe và không cho đám “cò” cầm hành lý đưa lên xe. Trực tiếp hành hung khách là Thắng “thế” và mấy tay bảo vệ. Thắng “thế” gần hai tháng trước đã nửa đêm dựng đầu nhiều nhà xe hỏi tội bằng tay chân vì sao không ghé quán “cơm tù” Khánh Hòa II ở Vĩnh Hảo (Tuy Phong, Bình Thuận) mà bài trước đã đề cập.
Gần 20 nhà xe xuất bến trong ngày 4-7 phải thúc thủ phía trong bến, không dám ra ngoài mời khách. Đám “cò” này mỗi khi bu khách giật hành lý đều được sự hỗ trợ đắc lực của bảo vệ bến xe. “Cò” bao vây khách vòng trong thì bảo vệ đứng vòng ngoài không cho khách thoát. Khách nào phản ứng, đậu xe máy sai chỗ, ngay lập tức bị bảo vệ cầm ba trắc đến dọa nạt, phải ngoan ngoãn lên xe theo sự “giới thiệu” của “cò”.
Những bảo vệ của bến thực chất là đám “đầu gấu” đàn em của Nguyễn Thanh Hải (còn gọi là Hải “bến”), nguyên giám đốc bến xe. Thay mặt Hải “bến” cai quản đám “đầu gấu” này là Mười Thu. Còn Thắng “thế”, một đàn em khác của Hải “bến”, được làm đội trưởng đội bảo vệ.
Bảo vệ bến đã dung túng cho hàng loạt vụ chèn ép, trấn lột hành khách. Các nhà xe cho biết bọn trấn lột thường lởn vởn phía dưới, vờ đỡ giúp hành lý, sau đó xách chạy luôn trước sự làm ngơ của bảo vệ. Mới đây nhất, vào cuối tháng 5, một hành khách nữ vừa xuống bến trên chuyến xe từ Quế Phong (Nghệ An) đã bị trấn lột cả xe máy. Khi xe vừa đỡ xuống đã có kẻ lao đến giật chìa khóa, rồ máy chạy thẳng mà không gặp sự truy cản nào.
Trước sự lộng hành của đám trấn lột, nhà xe chỉ còn cách nhắc nhở hành khách trước khi vào bến mà không dám đứng ra bênh vực.
Nhà xe bị bóc lột kiệt cùng
Hơn 6 giờ sáng, khi đa số hành khách đã yên vị trên xe theo sự phân chia của đám “cò” xe thì Thắng “thế” cùng nhóm bảo vệ đàn em cũng lui dần vào phía trong cổng và bắt đầu xét xe. Nhóm xét xe thường gồm Chiến và Thắng (em ruột Hải “bến”). Xe vừa ra đến cổng, một trong hai tay này ngang nhiên nhảy lên xe và đếm số đầu khách. Theo phản ánh của nhà xe, cứ mỗi khách là chủ xe phải nạp 15.000 đồng vào ngày thường và 30.000 đồng vào ngày cao điểm. Số tiền này được ghi vào một cuốn sổ ngay phòng vé (thực chất là phòng điều hành vì bến xe không bán vé) nhưng không có bất kỳ biên lai nào khi thu tiền.
![]() |
Bút tích của Hải “bến” ghi lại tiền “lốt” xe, chỉ với 18 đầu xe tiền thu đã là 214 triệu đồng. |
Ngay sau đó, đám “cò” xe lại tiếp tục nhảy lên bu lấy chủ xe. Với mỗi hành khách, nhà xe lại phải “cúng” cho đám “cò” này 20.000 đồng. Vậy là xe chưa lăn bánh ra xa lộ, nhà xe đã phải cống nạp ít nhất 35.000 đồng/khách cho đám côn đồ. Dù rất căm nhưng không nhà xe nào dám trái ý đám “cò” này, vì nếu không chuyến sau chúng sẽ không dắt khách lên xe.
Hai món tiền “tươi” này chỉ là một phần trong các khoản cống nạp. Các nhà xe cho biết mỗi chuyến còn phải nộp cho chủ bến 350.000 đồng tiền bến bãi và các khoản phí không tên khác. Đây cũng lại là khoản tiền không có biên lai được đóng ngay sau khi vào bến hoặc theo từng tháng.
Tăng cường bóc lột, mở rộng uy danh Nhà xe không chỉ bị lột tiền trong bến mà thỉnh thoảng còn bị Hải “bến” “triệu tập” đến quán Đồng Quê của Hải trên đường Hoàng Diệu II (Thủ Đức) để “ủng hộ”. Tệ lắm cũng hai, ba triệu đồng, coi như mất đứt liền lãi của một chuyến ra vô. Hải “bến” tăng uy danh của mình bằng cách thu nạp, dung dưỡng những tay giang hồ lỡ vận từ Nghệ An, ra tay “nghĩa hiệp” chuộc đám du thủ du thực mỗi khi bị công an sờ gáy. Mới đây nhất, một đàn em của Hải “bến” là Ngọc “ký” bị Công an Dĩ An bắt quả tang mang theo súng và nguyên một băng đạn trong người nhưng cuối cùng cũng chỉ bị xử án treo. Sau vụ này, Hải “bến” nghênh ngang hơn trước. |
Tiền “lốt”, ăn trên đầu nhà xe
Để được xuất bến đúng giờ hoặc xếp chạy trước, các chủ xe còn phải cống nạp một khoản tiền “lốt” là 25 triệu đồng một năm. Các xe chạy “lốt” sau là từ 15 triệu đến 20 triệu đồng. Khoản phí mua “trụm” này sẽ giúp nhà xe giành được đặc ân của ban quản lý bến có thể xuất phát bất kỳ lúc nào mà không cần nhật trình quy ước. Tuy nhiên, “hợp đồng” này chỉ có giá trị trong những ngày bình thường. Vào ngày cao điểm, các nhà xe đều phải ngoan ngoãn xếp hàng lại từ đầu để chủ bến bán “lốt” theo ngày với giá hai triệu đến ba triệu đồng mỗi chuyến.
Dù là khoản cống nạp “cắt cổ” nhất nhưng do số lượng có hạn nên tất cả nhà xe đều phải lạy lục để được đóng. Vì nếu chậm chân là coi như đói vì bị các xe đi trước hớt khách. Nhiều nhà xe cô thế không đóng được tiền “lốt” theo năm đã phải cắn răng bỏ 500.000 đồng để mua “lốt” theo từng chuyến.
Với hàng loạt phí cống nạp này, mỗi chuyến xuất bến nhà xe phải đóng cho những kẻ lộng hành ở Bến xe Lam Hồng từ một triệu đến 1,5 triệu đồng. Với hơn 60 đầu xe chạy tuyến Nghệ An tại đây, số tiền cống nạp của nhà xe mỗi tháng gần 400 triệu đồng. Tất cả số tiền này đều nằm ngoài sổ sách, không có phiếu thu, không đóng thuế và chảy vào túi những kẻ cầm đầu đám “đầu gấu” và chủ Bến xe Lam Hồng, bất chấp sự kêu than của nhà xe từ nhiều năm qua.
“Vụ mô báo nêu cũng kiểm tra thì chết à?”
Cũng trong ngày 8-7, Công an huyện Lệ Thủy cũng triển khai lực lượng kiểm tra quán cơm Khánh Hòa và các quán cơm khác. Tuy nhiên, trưởng Công an huyện Lệ Thủy cho biết là các quán cơm vẫn hoạt động bình thường, không có biểu hiện gì. Trước đó, ngày 7-7, khi phóng viên đến trước quán cơm Khánh Hòa để chụp ảnh liền bị một nhóm thanh niên mặt mày hung dữ chạy từ trong quán ra hét cấm chụp ảnh với gậy gộc và mã tấu trên tay. Khi được một nhà báo hỏi có phản ứng nào về vụ việc “cơm tù” ở quán Khánh Hòa, ông Nguyễn Thanh Xuân - Chánh văn phòng UBND tỉnh Quảng Bình trả lời: “Đã có văn bản chỉ đạo từ lâu. Báo đăng thì đăng. Cái mô cũng chỉ đạo bơ chết (thì chết). Ra văn bản chung thôi, cứ mỗi lần báo đăng cứ chạy theo thì mần răng?”. |
Bạn đọc phẫn nộ và bất bình Chúng tôi từng là nạn nhân Cách đây nửa tháng, tôi đi trên một chiếc xe khách biển số 37N của Nghệ An (bắt dọc đường) và xe cũng ghé quán Khánh Hòa II. Đúng như những gì phóng viên đã viết: nếu không mua vé cơm (phở) thì miễn đi vệ sinh, phở 25.000 đồng/tô nhưng chỉ vài miếng thịt vụn, bánh phở khô cong. Trong quán có khoảng 4-5 tên “đầu gấu” mà tên “khủng” nhất rất to con, xăm hình ở cánh tay. Nhìn bề ngoài thì quán không có vẻ gì là “tù” cả nhưng vào trong sẽ biết. Tôi từng là nạn nhân của quán “cơm tù” Khánh Hòa ở Bình Thuận. Khi tôi thắc mắc “30.000 đồng mà chỉ được bây nhiêu đây thôi à?” thì bị nhân viên quán này nạt thật lớn “Mẹ mày, không ăn thì thôi. Coi chừng ông đấm vào mặt bây giờ!”. Đĩa cơm của quán tôi cố nuốt nhưng không được, mùi hôi đã bốc lên giữa cái nắng gay gắt, trên đĩa cơm chỉ có mỗi lát đậu hủ chiên và hai miếng thịt heo thái mỏng. Nhiều hành khách khác cũng cùng chung cảnh ngộ nhưng không dám phản ứng. Tôi giật cả mình vì trong xã hội ngày nay vẫn còn chuyện những tên xã hội đen, “đầu gấu” hoạt động công khai như thế. Sao lại để bọn côn đồ thách thức chính quyền? Thật sự đây là sự thách thức quyền lực nhà nước, thách thức chính quyền. Chỉ có mấy cái quán cơm với dăm ba tên côn đồ khiến dư luận uất ức cỡ đó mà UBND tỉnh không dẹp được thì chủ tịch tỉnh nên xem lại trách nhiệm của mình. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận