19/05/2006 00:04 GMT+7

Bài 2: Những lá thư gửi đồng bào

DinhThang
DinhThang

TT - Một đời vì đất nước, vì dân tộc, Bác Hồ đã để lại tình thương yêu vô vàn cho đồng bào, đồng chí, người thân, bè bạn... “Bác để tình thương cho chúng con. Một đời thanh bạch chẳng vàng son” (Tố Hữu). Những lá thư được trích sau đây thể hiện phần nào tấm lòng vĩ đại đó.

PBZ3Hnvv.jpgPhóng to
Chủ tịch Hồ Chí Minh đón các cháu nhi đồng đến với Người một buổi sáng đẹp trời ở chiến khu Việt Bắc - Ảnh tư liệu
TT - Một đời vì đất nước, vì dân tộc, Bác Hồ đã để lại tình thương yêu vô vàn cho đồng bào, đồng chí, người thân, bè bạn... “Bác để tình thương cho chúng con. Một đời thanh bạch chẳng vàng son” (Tố Hữu). Những lá thư được trích sau đây thể hiện phần nào tấm lòng vĩ đại đó.

Bài 1: Những lá thư gửi người Mỹ

Tất cả vì đất nước

Bác sĩ Vũ Đình Tụng (sinh năm 1895) có hai người con hi sinh trong những ngày đầu tiên của cuộc kháng chiến chống Pháp. Thông cảm với những mất mát to lớn của bác sĩ Vũ Đình Tụng, Bác Hồ đã viết một lá thư thật cảm động gửi cụ.

“Thưa ngài,

Tôi được báo cáo rằng: con giai ngài đã oanh liệt hy sinh cho Tổ quốc.

Ngài biết rằng tôi không có gia đình, cũng không có con cái. Nước Việt Nam là gia đình của tôi. Tất cả thanh niên Việt Nam là con cháu của tôi. Mất một thanh niên thì hình như tôi đứt một đoạn ruột.

Nhưng cháu và anh em thanh niên khác dũng cảm hy sinh để giữ gìn đất nước. Thế là họ đã làm rạng rỡ dân tộc, vẻ vang giống nòi. Họ chết cho Tổ quốc sống mãi; vật chất họ mất nhưng tinh thần họ vẫn luôn luôn sống với non sông Việt Nam.

…Những thanh niên đó là anh hùng dân tộc. Đồng bào và Tổ quốc sẽ không bao giờ quên ơn họ.

Ngài đã đem món của quý báu nhất là con của mình, sẵn sàng hiến cho Tổ quốc. Từ đây chắc ngài sẽ thêm ra sức giúp việc kháng chiến để bảo vệ nước nhà thì linh hồn cháu ở trên trời cũng bằng lòng và sung sướng.

Tôi thay mặt Chính phủ cảm ơn ngài, và gửi ngài lời chào thân ái và quyết thắng.

Tháng 1 năm 1947 HỒ CHÍ MINH”.

Ngày 10-10-1947, bác sĩ Tôn Thất Tùng cùng hai nhà trí thức lớn khác là tiến sĩ Nguyễn Văn Huyên - bộ trưởng Bộ Giáo dục và bác sĩ Hồ Đắc Di - giám đốc Vụ Đại học - nhận được một lá thư với những tình cảm rất trân trọng và thân thiết của Bác Hồ:

“Thưa các ngài

Cuộc tấn công mùa đông của địch đã thực hiện như chúng ta đoán trước. Chính vì biết trước cho nên chúng ta không nao núng. Dù sao trong lúc đầu, những nơi chưa quen tiếng súng, thì dân sự không tránh khỏi ít nhiều hoang mang. Vậy xin các ngài gắng giải thích cho đồng bào ở vùng đó hiểu.

Nam Bộ cách xa Chính phủ Trung ương, địa thế lại kém và trước đây chuẩn bị cũng kém thua Bắc Bộ, mà lực lượng kháng chiến phát triển và củng cố khá mau. Thì Bắc Bộ nhất định phát triển và củng cố mau hơn nữa.

...Cuộc kháng chiến nay đã bước vào bước gay mà chúng ta đã đoán định trước. Nó là cuộc thử thách tinh thần và lực lượng của chúng ta. Đồng thời sự gay go đến sớm chừng nào tốt chừng ấy.

Trong cuộc thử thách này, mỗi anh em ta phải tỏ rõ cái khí chí “Bách chiết bất hồi”, cái tinh thần “Nhẫn lao nại khổ”. Đối người đối việc phải hết sức cẩn thận. Không bao giờ cẩu thả, cầu vẹn. Không sợ địch mà cũng tuyệt đối không khinh địch.

Chúng ta đã thắng lợi nhiều thử thách trước. Thì với sự đồng tâm hiệp lực của Chính phủ, của quân đội và của toàn dân, chúng ta sẽ nhất định thắng lợi trong cuộc thử thách này.

Tôi nhờ các ngài lập tức chuẩn bị sẵn sàng, nếu địch đi qua đó, để giữ gìn cho gia quyến và toàn thể anh em sinh viên được an toàn. Phải có kế hoạch cẩn thận.

Chào thân ái và quyết thắng.

HỒ CHÍ MINH

T.B tôi xin gửi lời thăm các thím. Hôn các cháu và hỏi thăm các anh em sinh viên”.

Tràn đầy lòng yêu thương

Nhiều người dân VN đã nhận được những lá thư riêng của Bác Hồ. Song, cho tới nay, theo những tư liệu đã công bố, lá thư riêng đầu tiên mà một công dân VN nhận được của Bác lại được viết ở dạng văn vần. Chuyện xảy ra như sau: mấy tháng sau Cách mạng Tháng Tám 1945, nhà thơ Hằng Phương - vợ của nhà văn Vũ Ngọc Phan - đã mang tới Phủ Chủ tịch một gói cam để biếu Bác. Rất tiếc lúc đó Bác bận tiếp khách nên bà phải gửi lại gói cam kèm theo một bài thơ. Tháng 1-1946, Bác Hồ đã gửi một bài thơ ngắn cảm ơn nhà thơ Hằng Phương:

“Cảm ơn bà biếu gói camNhận thì không đúng (theo hồi ký của Vũ Ngọc Phan là “đặng”), từ làm sao đâyĂn quả nhớ kẻ trồng câyPhải chăng khổ tận đến ngày cam lai”.

Bà Tôn Nữ Thị Cung - vợ bác sĩ Đặng Văn Ngữ - khi ra Việt Bắc đã hăng hái tham gia công tác kháng chiến; giúp chồng sản xuất nước lọc kháng sinh dùng chữa bệnh cho các thương, bệnh binh và đồng bào. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, một căn bệnh quái ác đã cướp đi sự sống của bà vào ngày 18-5-1954. Được tin đau buồn ấy, Bác Hồ đã viết một thư riêng chia sẻ nỗi đau với bác sĩ Đặng Văn Ngữ. Thư Bác viết như sau:

“Gửi Bác sĩ Ngữ.

Vừa được tin thím Ngữ mất, Bác thân ái gửi chú lời chia buồn thành khẩn. Ở lớp huấn luyện năm ngoái, Bác thấy thím Ngữ chăm chỉ, thành thật và tiến bộ. Về sau Bác thường hỏi thăm, thì nghe nói thím Ngữ công tác rất hăng hái, hay giúp anh chị em và cũng khá khỏe mạnh. Bác mừng rằng thím Ngữ sẽ thành một cán bộ đắc lực.

Bỗng nghe tin thím Ngữ mất, Bác cảm thấy buồn. Nhưng sinh tử là lẽ thường của tạo hóa, Bác khuyên chú chớ quá buồn rầu, lấy công tác mà khuây khỏa.Về việc cháu bé, Bác đã dặn chú Bảy: Có dịp thì sắp xếp cho cháu đi học cùng các anh nó, chú không phải lo.Chúc chú mạnh khỏe.Chào thân ái,

20-6-1954 HỒ CHÍ MINH”.

Những ngày cuối của cuộc kháng chiến chống Pháp, Bác Hồ nhận được thư của hai người cháu thân quen là Hà và Hạnh - con gái nhà văn Đặng Thai Mai. Khi được tin chị Hà (tức bà Đặng Bích Hà, vợ của đại tướng Võ Nguyên Giáp) có thai, Bác viết thư căn dặn: “… Phải cẩn thận, nếu không cần kíp lắm thì không nên cưỡi ngựa, lội suối trèo đèo và làm gì nặng nề mệt nhọc quá. Bao giờ có dịp Bác sẽ đến thăm cháu…”. Sau ngày chị Hà sinh cháu tại chiến khu Việt Bắc, Bác lại gửi cho chị một thư nữa, tràn đầy lòng yêu thương:

“Hà,

Biết mẹ con cháu đều mạnh khỏe, Bác rất vui lòng. Cháu bé nặng mấy ki lô?Bao giờ trời tốt, đường dễ đi, cháu thật khỏe, thì sang thăm Bác....Bác khỏe luôn. Anh em đều gửi lời hỏi thăm cháu và cháu bé.Hôn cháu lớn và cháu bé.

Bác 24-7”.

Những bức thư của Bác Hồ gửi đồng bào được Tuổi Trẻ trích đăng đều lấy từ cuốn Thư riêng của Bác Hồ do Trần Quân Ngọc sưu tầm và giới thiệu, NXB Trẻ tháng 4-2006. Có đối chiếu với Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính Trị Quốc Gia năm 2002.

Trong những lá thư gửi cho các công dân, các vị lãnh đạo của Nhà nước và các đoàn thể, Bác Hồ thường dùng từ “cụ” để xưng hô nếu người đó lớn tuổi hơn, hoặc “cô” nếu còn trẻ, và thường xưng là “tôi”, “mình”, “bác”.

Cũng có trường hợp Bác tự xưng là “cháu” trong một lá thư riêng gửi cho một bậc cao niên ở Hà Đông. Năm 1948, cụ Phùng Lục, phụ lão Cứu quốc ở huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Đông thượng thọ 90 tuổi.

Cụ viết thư cho Bác, kể rằng nếu theo lệ cổ, cụ phải làm lễ thượng thọ, nhưng nước ta đang kháng chiến chống thực dân Pháp nên cụ để dành số tiền 500 đồng gửi đến Hồ Chủ tịch để sung vào Quĩ kháng chiến.

Tháng 5-1948, Người viết lá thư trả lời cụ Phùng Lục:

“...Những vị Thượng thọ như cụ là của quý vô giá của dân tộc và nước nhà.

Trong ngày chúc thọ, cụ cho miễn sự tế lễ linh đình, mà đem số tiền 500 đồng quyên vào Quỹ kháng chiến. Như thế là cụ đã nêu cái gương hăng hái kháng chiến và cái gương sửa đổi cổ tục thực hành đời sống mới cho toàn thể đồng bào noi theo.

Cháu xin thay mặt Chính phủ cảm ơn cụ và trân trọng chúc cụ sống lâu và luôn luôn mạnh khỏe để kêu gọi các con cháu ra sức tham gia công việc kháng chiến và cứu quốc.

Cháu lại kính gửi cụ lời chào thân ái và quyết thắng

HỒ CHÍ MINH”.

DinhThang
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên